Theo biên bản làm việc giữa ngân hàng BIDV – chi nhánh Bắc Sài Gòn và Công ty CP Thanh Niên, hai bên cùng tiến hành làm việc về các vấn đề liên quan đến việc trả nợ của Công ty CP Thanh Niên tại BIDV. Đồng thời giải chấp tài sản của công ty CP Vật tư XNK Tân Bình (toàn bộ căn hộ dự án Harmona 33 Trương Công Định, P 14, Quận Tân Bình).
Biên bản làm việc giữa ngân hàng và chủ đầu tư về khoản nợ. |
Theo đó hai bên đã đi đến thống nhất Công ty CP Thanh Niên cam kết sẽ tất toán toàn bộ khoản vay tại BIDV - Bắc Sài Gòn trước ngày 15/6/2016. Ngoài ra BIDV – Bắc Sài Gòn sẽ giải chấp tài sản sau khi bên vay trả hết nợ.
Với văn bản mới này, việc siết nợ chung cư The Harmona sẽ được trì hoãn đôi chút, thay vì ngày 9/6 như thông báo trước đó của ngân hàng. Tuy nhiên, với thời hạn mới là 15/6, nếu Công ty CP Thanh Niên không trả được nợ, thì số phận của các hộ dân bên trong dự án chưa biết sẽ đi về đâu.
Trước đó, khi trao đổi với báo chí, ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND Quận Tân Bình cho biết: “Tôi không ủng hộ thông báo cưỡng chế đó. Lý do là họ muốn gì phải xuống địa phương bàn bạc phương án và có hướng giải quyết, chứ không thể nào gửi thông báo làm xáo trộn khu dân cư như vậy được. Việc đuổi cư dân ra khỏi chung cư là việc không thể chấp nhận và ngân hàng không có quyền làm việc đó”.
Ngày 24/5, Ngân hàng BIDV Bắc Sài Gòn đã có công văn gửi Công ty CP Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) - chủ dự án và ban quản lý chung cư The Harmona yêu cầu thu xếp, bàn giao tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất của dự án trên để ngân hàng xử lý nợ theo thỏa thuận.
Theo ông La, bên ngân hàng chỉ gửi thông báo chứ không hề liên hệ với UBND quận hay với phường. Ông đã chỉ đạo mời ngay ngân hàng cùng chủ đầu tư ngồi lại tìm cách tháo gỡ. Còn cư dân, không có cơ sở để đuổi họ ra khỏi chung cư.
“Giữa ngân hàng và chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác với nhau, không giải quyết được với nhau thì đưa ra tòa án xử lý theo luật dân sự. Không thể xuống quấy nhiễu ở chung cư gây mất an ninh trật tự khu vực. Người dân không phải lo lắng, cư yên tâm cư ngụ. Chính quyền sẽ có sự can thiệp vào việc này, không có lý do gì người dân phải rời khỏi nhà của mình”. ông La khẳng định.
Sau buổi làm việc giữa các bên liên quan thì cư dân ở chung cư này vẫn đang còn lo lắng về tính pháp lý, cũng như thời hạn nhận sổ hồng cho căn hộ của mình.
“Vấn đề là khi nào chủ đầu tư trao sổ hồng cho chúng tôi. Chúng tôi ký hợp đồng mua nhà, đã thanh toán tiền đầy đủ, nhiều lần tôi yêu cầu chủ đầu tư bàn giao giấy chủ quyền nhưng 3 năm qua tôi vẫn chưa nhận được. Không ngờ họ lại mang giấy tờ đi thế chấp ngân hàng nên không biết đến khi nào những rắc rối này mới xong và chúng tôi sẽ nhận được sổ hồng", một cư dân bức xúc.
Một số chuyên gia pháp lý nghi hoặc về hợp đồng vay giữa BIDV Bắc Sài Gòn và chủ đầu tư tồn tại nhiều điều bất thường. Chủ đầu tư đã bán nhà cho dân trước mà vẫn cầm cố ngân hàng là sai luật. Ngược lại, tài sản đã cầm cố ngân hàng vẫn ký hợp đồng bán cho dân là có dấu hiệu lừa đảo. Vấn đề là hợp đồng thế chấp ký vào năm 2011, chủ đầu tư vẫn ký bán cho dân sau đó mà ngân hàng vẫn đồng ý là rất bất thường.