Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát đi bản tin cảnh báo mưa dông tại khu vực Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ.
Định vị sét và ảnh radar thời tiết cho thấy có vùng mây đối lưu đang phát triển mạnh từ phía Hòa Bình và ảnh hưởng đến các quận huyện phía tây Hà Nội. Sau đó, vùng mây di chuyển sang phía đông gây mưa dông cho khu vực và lan sang các quận, huyện nội thành Hà Nội.
Lúc 8h sáng 8/4, mưa dông đã bắt đầu xuất hiện tại Đống Đa, sau đó mở rộng ra các quận nội thành khác. Theo số liệu từ Công ty Thoát nước Hà Nội, trận mưa sáng nay tại khu vực chỉ ở ngưỡng 8-10 mm, chưa có tuyến phố nào bị ngập.
Hiện, nền nhiệt tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong khoảng 19-22 độ C. Kiểu thời tiết mưa dông có khả năng duy trì tại miền Bắc đến hết ngày 9/4. Cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần đề phòng các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh.
Miền Bắc sẽ duy trì trạng thái mưa dông đến hết ngày 9/4. Ảnh minh họa: Phạm Trường. |
Trong tháng 4, miền Bắc có khả năng xuất hiện thêm 3-5 đợt không khí lạnh. Các đợt lạnh này chủ yếu mang theo mưa dông cho khu vực Đông Bắc Bộ, nên tổng lượng mưa trong tháng tại đây cao hơn 40-70% so với trung bình cùng thời kỳ trong nhiều năm.
Trong khi đó, ảnh hưởng của rãnh áp thấp khiến các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to trong các ngày 8-9/4. Thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm.
Trước đó, khu vực đã xảy ra nắng nóng trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, mưa dông đột ngột xuất hiện có khả năng kèm theo các hiện tượng cực đoan như lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Tuy nhiên, cơ quan khí tượng dự báo trong tháng 4, Nam Trung Bộ và Nam Bộ vẫn duy trì trạng thái ít mưa. Các tỉnh ven biển Nam Bộ tiếp tục đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra khá gay gắt.
Theo đó, từ nay đến tháng 5, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tình trạng này khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5, sau giảm dần trên các sông Vàm Cỏ (Long An ), Cái Lớn (Kiên Giang) và vùng bán đảo Cà Mau.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.