181 ngày là thời gian Rangnick đảm nhiệm vai trò HLV tạm quyền tại Manchester United. Đây cũng là thời gian nhà cầm quân người Đức đi vào lịch sử "Quỷ đỏ" với thành tích HLV kém nhất kỷ nguyên Premier League với trung bình 1,45 điểm/trận.
Khi Rangnick tới, CĐV MU coi ông là cứu tinh. Khi Rangnick đi, không có bất kỳ lời tri ân nào dành cho người đàn ông này.
Rangnick chịu thất bại tại MU. Ảnh: Reuters. |
Thảm họa Rangnick
Những CĐV MU không lạc quan tếu khi tin vào Rangnick trong ngày đầu tiên nhà cầm quân này tới sân Old Trafford. Tại Liverpool, Klopp thừa nhận: "Thật không may, một huấn luyện viên giỏi đang đến Anh và Man United. Man United sẽ có tổ chức trên sân cỏ, chúng ta nên nhận ra rằng - đó rõ ràng không phải là tin tốt cho các đội khác".
Ở Chelsea, Thomas Tuchel nhấn mạnh: "Rangnick là một trong những lý do khiến tôi trở thành HLV như ngày hôm nay".
Sự trân trọng mà Rangnick có được từ các học trò cũ là điểm tựa cho HLV này. Tuy nhiên, thực tế nói rằng Rangnick chỉ có vậy. Ông không tạo ra bất kỳ điểm nhấn gì ở Old Trafford ngoài những lý thuyết về pressing trên mặt báo.
MU đá 29 trận dưới thời Rangnick thì không thắng tới 20 trận. Số bàn thua phải nhận nhiều hơn số bàn thắng ghi được. Tại Premier League, MU của Rangnick thua từ Man City, Liverpool, Arsenal đến Brighton, Crystal Palace. "Thầy của các thầy" trứ danh trên mặt báo hoàn toàn bị đè bẹp tại Premier League.
MU dưới thời Rangnick không khá hơn Ole Solskjaer là bao. Khi sa thải Ole vào tháng 11/2021, MU đứng thứ 7. Sau 6 tháng dưới thời Rangnick, MU kết thúc mùa giải với vị trí thứ 6. Điểm trung bình của MU-Ole mùa này là 1.42, thời Rangnick là 1.54.
Trình độ của MU thời Rangnick có thể gói gọn trong câu chuyện trước trận đấu với Man City tại lượt về Premier League. Các cầu thủ Man City được yêu cầu chia đội đá tập nhằm chuẩn bị phương án gặp MU. Một đội gồm nhiều cầu thủ trẻ có nhiệm vụ phải sao chép lối đá của "Quỷ đỏ" để đội một làm quen với hệ thống pressing và tạo phương án tấn công.
Các cầu thủ trẻ Man City sau khi theo dõi băng hình làm y hệt như những gì MU làm. Một tiền đạo cắm (đóng vai Ronaldo) cố gắng chạy theo để pressing hậu vệ nhưng không phải để giành lại bóng mà là giả vờ làm điều này.
Các vị trí khác cũng làm điều tương tự. Kết quả: Đội đóng vai MU thua tan nát trong trận đấu tập. Đó cũng là điều diễn ra ở trận đấu thực: "Quỷ đỏ" bị Man City đè bẹp 4-1, trong một thế trận đội bóng của Pep hoàn toàn có thể ghi 10 bàn nếu muốn.
Trong thời gian tại Old Trafford, Rangnick không tạo ra nổi dấu ấn nào. Trong những ngày cuối cùng của mùa giải, nhà cầm quân này thừa nhận ông phải từ bỏ triết lý pressing tạo nên tên tuổi của mình vì các cầu thủ không thể thích nghi nổi.
Điều này là lỗi của Rangnick hay cầu thủ MU? Không thể nói rõ. Đưa một HLV về và bắt thay đổi sở trường để thích nghi với cầu thủ rõ ràng là tư duy tồi. Song cầu thủ không làm quen được với lối đá pressing thịnh hành trên thế giới lúc này thì chắc chắn đã nỗ lực chưa đủ.
Vì sao Rangnick ra đi?
Khi Rangnick mới được bổ nhiệm, nhà cầm quân này được hứa hẹn về chức vụ cố vấn kể từ mùa giải 2022/23, thời điểm MU được cho là đã kiếm được HLV chính thức.
Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi Erik ten Hag được bổ nhiệm, Rangnick tuyên bố nhận vị trí HLV trưởng tuyển Áo. Sau đó vài tuần, ông tuyên bố mình sẽ rời MU mà không đảm nhiệm vai trò cố vấn được hứa hẹn từ trước.
Sự xuất hiện của Ten Hag biến Rangnick thành người thừa tại Old Trafford. Ảnh: Reuters. |
Nếu chỉ nhìn vào thành quả, MU đã thất bại trắng bảng với nhà cầm quân người Đức. "Quỷ đỏ" không giành nổi vé tham dự Champions League dù vào thời điểm sa thải Ole Solskjaer, Premier League mới chỉ đi qua 12 vòng.
Nếu nhìn vào cả chiến lược, MU cũng thất bại nốt khi Rangnick chẳng giúp ích gì trong quá trình xây dựng triết lý mới đội chủ sân Old Trafford.
Thất bại trên sân cỏ là lý do khiến MU không tin tưởng Rangnick trong vai trò cố vấn? Có thể. Nhưng thực tế, vấn đề nằm ở tân HLV Ten Hag. Nhà cầm quân người Hà Lan nhấn mạnh với BLĐ của "Quỷ đỏ" về việc muốn toàn quyền kiểm soát vấn đề chuyển nhượng và phát triển cầu thủ trẻ từ học viện trong hợp đồng lẫn các phát biểu trên truyền thông.
Nói cách khác, Ten Hag không cần một cố vấn như Rangnick để xây dựng nên đế chế (nếu có) của mình tại Old Trafford, và ngầm đưa ra thông điệp trước. Nhà cầm quân người Đức rõ ràng đủ khéo léo để nhìn trước xung đột này và tìm cách thoái lui sớm để tránh việc trở thành bù nhìn.
Sự xuất hiện của Rangnick sau cùng hoàn toàn thừa thãi. MU muốn Rangnick làm cố vấn nên để ông làm thuyền trưởng tạm quyền nhằm giữ chỗ cho HLV chính thức sau này. "Quỷ đỏ" không muốn bổ nhiệm một HLV tạm quyền để rồi chia tay người này khi có thuyền trưởng mới vào mùa sau. Bổ nhiệm Rangnick được xem là một mũi tên trúng hai đích của "Quỷ đỏ".
Tuy nhiên đến lúc này, mũi tên của MU đã đi ra ngoài. Rangnick không đưa nổi MU kết thúc mùa giải trong Top 4. Ông cũng rời đi ngay khi mùa giải kết thúc hệt như một HLV tạm quyền. Những mục tiêu MU đặt ra với nhà cầm quân người Đức đều thất bại.
Công tác quản lý nhân sự và điều hành yếu kém của MU là điều đã bị chỉ trích suốt nhiều năm qua, từ nhiều đời HLV. Louis van Gaal gọi MU là "CLB thương mại" và "những người không biết làm bóng đá". Jose Mourinho gọi thành tích về nhì Premier League 2017/18 cùng MU là chiến quả lớn nhất sự nghiệp, và ẩn ý về nội bộ bất ổn của "Quỷ đỏ".
Và giờ, sau kế hoạch thất bại toàn diện với Rangnick, những lỗ hổng ấy một lần nữa bị lật tẩy.