Sau cùng thì điều gì đến cũng phải đến. Jose Mourinho kết thúc những tháng ngày của mình ở Chelsea theo kịch bản không thể tồi tệ hơn. Tối hôm 17/12 (giờ Việt Nam), ban lãnh đạo Chelsea quyết định sa thải Mourinho, dù hai bên vẫn còn hợp đồng 4 năm. Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc nuối trong mắt người hâm mộ. Nhìn cách cổ động viên Chelsea hò reo không ngớt và giương băng-rôn thể hiện tình cảm ủng hộ vị HLV người Bồ Đào Nha trong giai đoạn khủng hoảng thật sự chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Hiếm có một nơi nào trên thế giới cổ động viên lại tin tưởng tuyệt đối một HLV đến thế khi đội bóng sa sút.
Với "Người đặc biệt", mất việc ở Chelsea không phải thảm họa tồi tệ nhất. Chỉ cần bản CV hoành tráng từng hai lần vô địch Champions League và nâng cao chiếc cúp vô địch quốc ở ba giải đấu hàng đầu châu Âu gồm Anh, Ý, Tây Ban Nha cũng đủ giúp chiến lược gia người Bồ Đào Nha tạo ra cuộc chiến giành chữ ký của ông. Nói cách khác, Mourinho không sợ bị thất nghiệp vì có hàng tá đội bóng sẵn sàng trải thảm đỏ để rước nhà cầm quân 52 tuổi. Nói đâu xa, Manchester United là cái tên đầu tiên được báo chí đồn thổi trở thành điểm đến tiếp theo của Mourinho.
Nhưng quay lại với bóng đá ngay khi vừa bị sa thải với Mourinho sẽ là một sai lầm.
Ngạn ngữ có câu: "Khi một cánh cửa khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra". Điều này đúng chiếu theo hiện tại. Tuy nhiên, bóng đá không chỉ đơn giản như vậy. Nó cần chất xúc tác của tình cảm và lý trí. Mourinho có thể đến bất kỳ đâu, nhưng nơi đó phải phù hợp với triết lý ông theo đuổi. Sở dĩ Mourinho thích Chelsea vì đội bóng này có những DNA giống với bản thân. Họ có tham vọng, còn Mourinho chưa từng chán cảm giác chinh phục những danh hiệu. Ông chủ Roman Abramovich muốn tạo ra một đội bóng siêu cường, Mourinho thích cách mạng và đi ngược với truyền thống. Ông sẵn sàng loại bỏ cái đẹp trong lối chơi để đạt điều mình muốn.
Mourinho kết thúc những tháng ngày ở Chelsea theo kịch bản rất tệ. |
Theo bình luận viên Jamie Redknapp của Sky Sports, Mourinho cần xa bóng bóng đá một thời gian để sạc lại năng lượng, giống như Pep Guardiola từng làm vào năm 2012 khi chia tay Barcelona. Khi đó, ông thầy người Tây Ban Nha tới New York (Mỹ) để nghỉ ngơi. Từ khi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện ở Benfica vào năm 2000, Mourinho chỉ có hai lần nghỉ ngơi dài hạn. Một là sau khi rời Benfica vào tháng 12/2000 và tới tháng 7/2001 mới trở lại công tác huấn luyện với cương vị HLV União de Leiria. Hai là lần chia tay Chelsea đầu tiên vào tháng 9/2007.
Lúc này, những gì "Người đặc biệt" cần là một quãng nghỉ cần thiết trước khi yêu lại từ đầu. Thật vậy, Mourinho thuộc típ người rất có cá tính và cũng đầy cảm xúc. Ông có thể ăn mừng kiểu nhảy cẫng lên hoặc trượt dài bằng hai gối trên sân sau một bàn thắng. Nhưng con người đầy kiêu ngạo ấy đôi khi rất dễ rơi nước mắt. Không tin, bạn cứ bật YouTube và xem lại khoảnh khắc sau trận chung kết Champions League 2010 giữa Inter Milan và Bayern Munich khi Mourinho bước ra khỏi cửa xe, tiến đến Marco Materazzi và ôm lấy cầu thủ này rồi khóc hệt như một đứa trẻ. Chỉ với hình ảnh này cũng thấy Mourinho thuộc mẫu người đậm chất tình cảm thế nào.
Mourinho cần nghỉ ngơi một thời gian vì điều đó tốt cho ông lúc này. |
Trong bài phân tích trên ESPN, chuyên gia Gabriele Marcotti bình luận, Mourinho cần dành thời gian để tự kiểm điểm chính mình. Phương pháp huấn luyện của ông không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên, cách cựu HLV Real Madrid đối xử với cầu thủ thật sự có vấn đề. Năm 2004, Mourinho lần đầu đến Stamford Bridge và cho mình là "Người đặc biệt. Nhưng sự chính cựu HLV Porto mới biến chính các cầu thủ thành đặc biệt. Mourinho khiến học trò có cảm giác quan trọng và bản thân thật sự cần họ. Song, điều này lại trở thành con dao hai lưỡi. Khi mọi thứ đi chệch đường ray, "Người đặc biệt" không thể đưa mọi thứ vào đúng guồng quay.
"Chỉ ông ấy mới biết đâu là điểm đến tiếp theo của mình. Tôi nghĩ Mourinho cần xa bóng đá một thời gian vì bản thân rất cần điều đó. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha cần nghỉ ngơi đến hết mùa giải. Đó là lời khuyên của tôi. Đừng nghĩ đến bóng đá nữa, và để adrenaline tự hồi phục trở lại. Ông ấy lúc này không hề giống như một người yêu bóng đá tý nào,"Redknapp phân tích.
Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này. Ngày Abramovich đưa Mourinho về Stamford Bridge lần thứ hai, ban lãnh đạo đưa ra tiêu chí rất cụ thể: HLV không phải thượng đế toàn năng. Theo đó, Moutinho phải làm việc với Marina Granovskaya, cố vấn đáng tin cậy nhất của Abramovich, và Michael Emenalo, giám đốc đội bóng. Hai con người này cùng nhau giúp Chelsea duy trì sự ổn định về ngân sách chi tiêu sao cho hợp lý và đảm bảo các danh hiệu. Điều này cũng vô tình khiến Mourinho mất đi quyền hạn cao nhất có thể. Khi muốn có một cầu thủ nào đó, ông phải đợi tham khảo ý kiến từ hai vị sếp.
Với Mourinho, kết thúc ở Chelsea giúp ông có nhiều hơn kinh nghiệm trong quản lý. |
Như Thomas Fuller từng viết: “Sự vắng mặt mài sắc tình yêu, sự hiện diện gia cố nó”. Với Mourinho, thời gian tạm xa sân cỏ sẽ giúp ông rút kinh nghiệm từ bài học quản lý nhân sự, khắc phục sai lầm và dần nhen nhóm lại một tình yêu mới, có thể không phải dành cho Chelsea nhưng một cái tên khác chẳng hạn. Thật trùng hợp khi việc Chelsea "trảm" Mourinho rơi đúng vào gần dịp Giáng sinh. Suốt nhiều năm qua, rất ít khi "Người đặc biệt" thật sự được tận hưởng không khí của dịp lễ cùng gia đình vì lịch thi đấu dày đặc tại Anh. Nhưng giờ là lúc Mourinho trở về bên bà xã Matilde, cùng nhau đi mua sắm, ăn tối, trò chuyện về mọi thứ trên đời, ngoại trừ bóng đá. Đấy có lẽ là giải pháp thích hợp nhất với một con người đã hy sinh quá nhiều cho tình yêu bóng đá.