Sau hai tuần điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1981, quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10h45 sáng 19/7 vì vết thương quá nặng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng Giám đốc viện Bỏng Quốc gia PGS.TS. Nguyễn Gia Tiến thăm sức khỏe các chiến sĩ. Ảnh: Phượng Hoàng. |
Tình trạng hai chiến sĩ còn lại khá nặng, vừa qua giai đoạn sốc, vẫn thở máy. Các bác sĩ nhận định đây là thời điểm nguy hiểm nhất, dễ bị nhiễm khuẩn. Tình trạng sức khỏe của hai chiến sĩ chưa có biểu hiện tốt lên hay xấu đi. Chưa thể tiên lượng điều gì do bệnh lý quá nặng.
Các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia cho biết, viện đã tích cực tập trung cứu chữa cho các anh bằng tất cả tâm sức. Hiện tại mỗi ngày có hàng chục bác sĩ, điều dưỡng túc trực 24/24h bên phòng bệnh vô trùng của các chiến sĩ.
Các chiến sĩ được theo dõi không rời mắt, bất cứ một dấu hiệu thay đổi nhỏ nào đều được xem xét lại kỹ lưỡng để điều chỉnh các phương pháp cứu chữa phù hợp.
Các bác sĩ có tay nghề cao nhất, mọi máy móc, thuốc men, trang thiết bị hiện đại nhất đều được huy động. Sau khi cắt bỏ chi hoại tử, các chiến sĩ liên tục được lọc máu.
Trước đó, lúc 7h46 sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi 171 chở theo 21 người đã rơi ở khu vực Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây, khi đang huấn luyện dù; 18 chiến sĩ hy sinh. Ngày 11/7, tang lễ của họ đã được tổ chức theo nghi thức quân đội tại Nhà tang lễ quốc gia.
2 chiến sĩ hiện vẫn đang được viện Bỏng Quốc gia tích cực điều trị:
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Dương (sinh năm 1983, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 53%, bỏng hô hấp.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1981, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 52% ở mặt, chân, chi, bỏng hô hấp; gãy 1/3 dưới xương cẳng chân, vỡ xương sọ.