Linh cữu 18 chiến sĩ hi sinh. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Sáng sớm 11/7, từng hàng xe đưa người thân, đồng đội các chiến sĩ trên chiếc trực thăng Mi 171 gặp nạn 4 ngày trước tới Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Các tuyến đường lân cận được phong tỏa, ưu tiên cho việc tổ chức buổi lễ.
Chỉ một ngày trước đó, việc giám định ADN của 18 chiến sĩ hy sinh mới hoàn tất. Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ tư lệnh Thủ đô phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ truy điệu. Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, trung tướng Nguyễn Văn Thanh làm Trưởng ban lễ tang.
Cậu con trai 2 tuổi của chiến sĩ Chử Văn Minh. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Trước lễ viếng gần một giờ, dòng người đã xếp hàng dài sân ở sân nhà tang lễ. Người thân 18 chiến sĩ, hầu hết mới gặp nhau lần đầu nhưng nhanh chóng tìm thấy nhau trong nỗi đau chung. Lẫn trong đám đông, cậu con trai mới 2 tuổi của chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công Chử Văn Minh ngơ ngác. Mới 2 tuổi, bé đã phải đội mũ rơm tang cha. Cũng như cậu bé, ánh mắt hồn nhiên của những đứa trẻ chỉ mới vài tuổi được đặt trên vai những người vợ, người mẹ của các chiến sĩ vừa đột ngột ra đi.
Nhiều người không kìm nổi dòng nước mắt trước sự mất mát quá lớn. Hầu hết các chiến sĩ hi sinh khi còn rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 20.
Trong sân Nhà tang lễ, người thân các chiến sĩ không kìm nổi nước mắt. Ảnh: Lê Hiếu |
Đúng 7h, lễ viếng bắt đầu. Dẫn đầu đoàn Quân ủy Trung ương là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp đó là nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Đoàn đại biểu Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào viếng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa viếng…
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng các lãnh đạo của thành phố và các địa phương khác lần lượt vào viếng, khi vòng qua linh cữu 18 chiến sĩ, ông Thảo cùng nhiều lãnh đạo đã rơi nước mắt.
Đoàn Quân ủy Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. |
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh, sự hy sinh của 18 chiến sĩ "đã để lại niềm xúc động, thương tiếc trong lòng nhân dân, cán bộ chiến sĩ toàn quân trong những ngày qua và sự cảm phục trước tinh thần bình tĩnh xử lý tình huống để tránh thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân ở mặt đất".
Tướng Thanh khẳng định, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ chăm lo tốt nhất về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với gia đình các liệt sĩ.
Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trung tướng Võ Văn Tuấn thì chia sẻ: "Xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn tới gia đình các đồng chí. Cầu mong các đồng chí yên nghỉ và phù hộ cho đồng đội và người thân luôn may mắn, mạnh khỏe".
3 giờ dự kiến để người thân, đồng đội, các cá nhân vào viếng vẫn không đủ. Hàng nghìn người tập trung trong sân nhà tang lễ nắm chặt tay thân nhân gia đình các chiến sĩ.
Lặn lội từ Yên Bái xuống Hà Nội, bà Liễu Thị Liền (mẹ vợ chiến sĩ Đỗ Văn Năm) chia sẻ, gia đình rất quý cậu con rể là anh lính đặc công này. Trước thời xảy ra sự cố Năm thuờng xuyên gọi điện về hỏi thăm gia đình ở quê.
Mới đây, hai vợ chồng Năm cùng gia đình hai bên ủng hộ mua được ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội để tiện đường công việc cho cả hai vợ chồng. Nhưng cuộc sống ở nơi mới chưa được bao lâu, Năm đã ra đi để lại vợ trẻ, con thơ ở lại. Từ khi biết tin buồn, gia đình đã hai bên cùng nhau lên Hà Nội.
"Năm rất chu đáo, mỗi dịp về nghỉ phép đều vào bếp nấu những món ăn ngon cho gia đình. Trước lần đi tập huấn nhảy dù, Năm có điện về báo sau đợt tập huấn sẽ đưa cả vợ và con về thăm ngoại, vậy mà..." bà Liền rơm rớm nước mắt. Theo bà, con trai anh Năm năm nay mới 4 tuổi và chưa cảm nhận hết được nỗi đau mất bố.
Kết thúc lễ viếng, những người có mặt lặng đi khi thân nhân các chiến sĩ và người tới viếng quây quần xung quanh các linh cữu. Trưởng ban tổ chức, trung tướng Nguyễn Văn Thanh, đọc lời điếu trong không khí trầm buồn ở Nhà tang lễ Quốc gia.
Sau lời điếu, phút măc niệm bắt đầu. Đại diện thân nhân gia đình các chiến sĩ, ông Hoàng Lại Cường, thân nhân phi công lái chính Hoàng Lại Long nói lời đáp từ.
Lời cảm ơn sau cùng vừa dứt, ban tổ chức tang lễ tiến hành đưa các nghi thức linh cữu các chiến sĩ hỏa táng tới đài hóa thân hoàn vũ. Một vài chiến sĩ theo nguyện vọng của gia đình được đưa về quê an táng. Những tiếng khóc réo rắt hơn khi linh cữu được nhấc lên.
Đồng đội không kìm được nước mắt và người thân chiến sĩ cũng khóc nức nở trong những giây phút tiễn đưa. |
Ngoài sân, lúc những chiếc tang chuẩn bị tiến hành nhiệm vụ cũng là lúc trời bắt đầu mưa nặng hạt.
Trong gian giữa nhà tang lễ, những đồng đội của 18 người lính hi sinh đứng xếp hàng đưa lối nghiêm trang với súng, lưỡi lê và cờ tổ quốc. Từng linh cữu được đưa ra xe một cách nghiêm cẩn trong tiếng kèn đồng Hồn tử sĩ. Những bà mẹ, người vợ trẻ ngất lịm. Nhiều đồng đội mắt đỏ hoe, nấc nghẹn nhìn theo.
Toàn bộ chiến sĩ gặp nạn được truy tặng và tặng thưởng Huân chương Chiến công.Theo đó, 3 cán bộ chiến sĩ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, gồm đại tá Hoàng Lại Long, thiếu tá Lê Thanh Việt, thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thanh.
Thiếu tá Nguyễn Đào Hồng Tâm, trung tá chuyên nghiệp Đặng Thành Chung được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
13 chiến sĩ khác cùng được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ba chiến sĩ bị thương nặng cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Hơn 11h, thi hài 18 chiến sĩ đã được đặt lên lên xe tang. Dù trời mưa, đoàn nghi lễ vẫn tiến hành như dự kiến. Dòng người xếp hàng dài tiến ra sân tiễn đưa. Những nghi thức cuối cùng được thực hiện, từng vòng hoa được chỉnh lại ngay ngắn, cẩn thận.
Mưa vẫn rơi, đội tiêu binh đứng nghiêm trang ở cổng, lần lượt tiễn biệt các đồng đội. Đoàn xe phủ đầy hoa chuyển bánh khỏi Nhà tang lễ Quốc gia.
Từ đây, 18 chiến sĩ sẽ đi nốt chặng đường cuối cùng để về với đất mẹ.
7h46 ngày 7/7, trong quá trình huấn luyện nhảy dù, chiếc trực thăng Mi 171 của Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân) đã gặp nạn. Trên máy bay có 21 cán bộ, học viên (trong đó có 3 người thuộc thành phần tổ bay và 18 cán bộ, học viên tham gia huấn luyện nhảy dù).
Vụ tai nạn đã làm 18 chiến sĩ hy sinh và 3 chiến sĩ bị thương. Những người bị thương được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 và sau đó được chuyển về Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cứu chữa.
Danh sách 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh:
1. Thượng tá Hoàng Lại Long, sinh năm 1961, phi công lái chính, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 916.
2. Thiếu tá Đặng Thành Chung, sinh năm 1966, giáo viên dù Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không.
3. Đại úy Lê Thanh Việt, sinh năm 1978, dẫn đường, phi công lái phụ.
4. Đại úy Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1976, cơ giới trên không.
5. Đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, sinh năm 1980, giáo viên dù Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không.
6 .Thượng sĩ Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù.
7. Thượng sĩ Đỗ Văn Minh, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù.
8. Thượng sĩ Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù.
9. Thượng sĩ Nguyễn Đình Bình, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù.
10. Trung sĩ Lê Việt Hùng, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù.
11. Trung sĩ Nguyễn Phúc Nhơn, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù.
12. Trung úy QNCN Đỗ Mạnh Uy, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công
13. Trung úy QNCN Đỗ Văn Năm, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công
14. Trung úy QNCN Nguyễn Ngọc Thắng, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công.
15. Trung úy QNCN Nguyễn Văn Hưng, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công.
16. Trung úy QNCN Đặng Hồng Quang, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công.
17. Thiếu úy QNCN Chử Văn Minh, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công.
18. Thiếu úy QNCN Nguyễn Công Hợi, Tổ trưởng Tiểu đoàn 18 đặc công.
Ba chiến sĩ bị thương nặng đang được điều trị là thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh, Đinh Văn Dương là chiếu đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 18.