Một em nhỏ Syria ngồi trên chiếc giường trong trại tị nạn ở khu tự trị của người Kurd ở phía bắc Iraq hôm 22/8. Ảnh: AP. |
Ông Antonio Guterres, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, công bố số liệu thống kê về số người Syria phải chạy ra nước ngoài để tránh cuộc xung đột trong một cuộc họp báo hôm 23/8. Theo số liệu mà ông công bố, gần hai triệu người dân Syria đã rời đất nước và chừng một triệu người trong số đó là trẻ em. 75% số trẻ em Syria tị nạn ở nước ngoài ở độ tuổi dưới 11, AP đưa tin.
"Một triệu là số trẻ em sống tại xứ Wales. Một triệu là con số lớn hơn tổng số trẻ em đang sống tại thành phố Los Angeles và Boston (Mỹ)", ông Guterres đưa ra ví dụ để các phóng viên hình dung con số.
Ngoài một triệu trẻ em phải ra nước ngoài, hơn hai triệu trẻ em khác phải rời bỏ nhà và tị nạn trên chính đất nước Syria để tránh các vụ xung đột.
Anthony Lake, người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, nói rằng đứa trẻ Syria thứ một triệu phải tị nạn ở nước ngoài không chỉ đơn thuần là con số khô khan.
"Đó là một đứa trẻ thực sự. Nó phải ra khỏi nhà, thậm chí mất gia đình và đối mặt với những điều khủng khiếp", Lake bình luận.
Gần hai triệu người đã rời khỏi Syria vì nội chiến. Ảnh: AP. |
Liên Hợp Quốc công bố những con số buồn sau khi phe đối lập cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng khí độc khiến hàng trăm người chết ở ngoại ô thủ đô Damascus vào hôm 21/8.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả rập, ông Lakhdar Brahimi, gọi cuộc khủng hoảng Syria là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới ngày nay", đồng thời kêu gọi các bên tại Syria đàm phán để tìm kiếm hòa bình.
Phần lớn người tị nạn Syria tìm được nơi trú ẩn an toàn tại các nước láng giềng Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq. Ông Guterres ca ngợi sự quan tâm của chính phủ các nước này đối với người tị nạn từ Syria.
Một bộ phận người tị nạn Syria chạy tới Ai Cập, nơi cuộc khủng hoảng chính trị trong vài tuần qua cũng khiến cuộc sống của họ trở nên bấp bênh. Nhiều người khác di chuyển tới Bắc Phi và châu Âu.
Thường xuyên tới các nước láng giềng của Syria để thăm người tị nạn Syria, ông Guterres hiểu rõ nỗi thống khổ mà họ đang chịu đựng. Ông nói rằng những "vết sẹo tinh thần" hiện rõ trong những bức tranh về bom đạn, bắn giết mà những đứa trẻ Syria vẽ.
"Nếu bạn nhìn vào số lượng trẻ em Syria chạy ra nước ngoài và cộng con số đó với hai triệu trẻ em đang tị nạn trên chính đất nước Syria, cộng thêm vài triệu trẻ em đang mắc kẹt trong các làng và thành phố vì xung đột, bạn có thể nói rằng Syria đang đối diện với nguy cơ mất hẳn một thế hệ", ông bình luận.
Số lượng trẻ em tại Syria trước nội chiến vào khoảng 9 triệu. Giờ đây chừng một nửa số đó đang tị nạn, mất nhà hoặc sống trong vùng chiến sự.
"Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà trẻ em ngày nay hứng chịu. Một năm trước, số trẻ em Syria tị nạn chỉ là 70.000. Điều mà chúng ta không thể chấp nhận là: Những đứa trẻ, vốn không gây nên xung đột, lại đang phải trả cái giá đắt nhất", Yoka Brandt, phó giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, nhận xét.