Lãnh đạo G8 thống nhất 7 mục tiêu về Syria
Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận có rất nhiều quan điểm khác nhau tại G8 về vấn đề khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, cả 8 nhà lãnh đạo đều thống nhất về 7 mục tiêu chính.
Nhằm tránh một kết cục bi thảm lặp lại ở Syria như những gì đã diễn ra tại Iraq sau khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ, Tổng thống Nga, Vladimir Putin cho biết, Chính phủ của ông sẵn sàng xem xét việc ra đi của chính quyền Assad khi khoảng trống quyền lực sau đó được lấp đầy, với một Chính phủ mới có khả năng đảm bảo hòa bình cho người dân.
Mặc dù nhà lãnh đạo nước Nga từ chối mọi tài liệu tham khảo nói về các kế hoạch loại bỏ nhà lãnh đạo Bashar al-Assad nhưng nguồn tin từ các nhà chức trách Anh tin rằng, các cuộc đàm phán đã mở ra con đường mới cho một giải pháp hòa bình khả thi ở Syria nếu phe đối lập được chỉnh đốn lại cả về quân sự và chính trị.
Trong cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài tới 3 giờ sáng, phía Nga đã chấp thuận sự cần thiết của đội ngũ thanh sát viên vũ khí Liên Hiệp Quốc tới Syria nhằm kiểm tra cáo buộc của phương Tây về việc chính phủ Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến với lực lượng nổi dậy.
Bên cạnh đó, phía Nga cũng từ chối mọi tài liệu mà phương Tây đưa ra nói về thành phần tham dự của các đoàn đại biểu Syria tới Geneva, Thụy Sỹ để bàn thảo về kế hoạch hòa bình Syria. Ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh rằng, đây là vấn đề riêng của chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy.
Bên cạnh Anh, phía Pháp cũng khá nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình trên lãnh thổ Syria. Cụ thể, Tổng thống Pháp François Hollande đã mở cánh cửa dẫn Iran, đồng minh thân cận của chính phủ Assad tới tham dự hội nghị hòa bình Syria. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Pháp cũng khẳng định, không có tương lai nào cho nhà lãnh đạo Assad tiếp tục nắm quyền ở Syria.
Các nhà lãnh đạo tại G8. |
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo thống nhất 7 tiêu chí về Syria. Thủ tướng Anh Cameron cho biết, trong số 7 tiêu chí này có những thứ mà ông không nghĩ là có thể đạt được trước đó 2 ngày.
1. Viện trợ nhân đạo 1,5 tỷ USD cho Syria.
2. Đẩy mạnh tối đa áp lực ngoại giao, buộc 2 bên phải ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt.
3. Ủng hộ Hội nghị Geneva 2, thành lập chính quyền chuyển tiếp ở Syria với đầy đủ quyền hành pháp.
4. Lấy Iraq làm bài học, đảm bảo giữ lại các tổ chức nhà nước trong quá trình chuyển tiếp để chắc chắn không có vị trí nào bị trống.
5. Cùng hợp tác để loại bỏ khủng bố và những kẻ cực đoan khỏi Syria.
6. Lên án việc sử dụng vũ khí hóa học bằng cách cho phép Liên Hiệp quốc mở các cuộc điều tra và đạt được những thành công thực sự.
7. Ủng hộ chính quyền tương lai, dù là người Sunni, Alawite hay Shia, chỉ cần được sử đồng ý của tất cả người dân Syria.
Ông Cameron cũng bày tỏ rằng, đạt được những tiêu chí trên không phải là điều đơn giản và chỉ đạt được thông qua các cuộc đàm phán cởi mở, thẳng thắn giữa các nhà lãnh đạo. Đây là điều mấu chốt của Hội nghị G8.
đỗ quyên - Hồng duy
Theo Infonet