Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Một tiểu thuyết từ Triều Tiên' được dịch sang tiếng Anh

Xuất bản năm 1988, “Người bạn” trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Triều Tiên. Giờ đây, “Người bạn” tiếp tục được dịch sang tiếng Anh.

Triều Tiên, đất nước có 25 triệu dân, vẫn luôn là một ẩn số đối với phần còn lại của thế giới. Độc giả quốc tế khó có thể tìm thấy xuất bản phẩm nói về đời sống của người Triều Tiên dù một vài cuốn sách Triều Tiên đã được xuất bản tại Hàn Quốc.

Giờ đây, tiểu thuyết “Người bạn” (tên đầy đủ trên bìa là Friend: A Novel from North Korea - Người bạn: Một Tiểu thuyết từ Triều Tiên) của nhà văn Paek Nam Nyong đã được biên dịch sang tiếng Anh, trở thành một trong số ít sách Triều Tiên được phép lưu hành trên thế giới.

Xuất bản vào năm 1988, “Người bạn” khắc hoạ chân thực đời sống của con người Triều Tiên, theo New York Times.

Trieu Tien anh 1

Quang cảnh tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Tựa sách “Người bạn” nói về nhân vật thẩm phán Jeong Jin Wu của một thị trấn nhỏ tại Triều Tiên. Là một quan chức hành pháp đáng tin cậy, thẩm phán Jeong không chỉ làm việc toà án mà còn tích cực tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội trong cộng đồng. Ông Jeong trở thành một “người bạn” chung, được người dân trong thị trấn tin tưởng và nhờ cậy khi gặp khó khăn.

Vào một ngày đẹp trời, ca sĩ nổi tiếng Chae Sun Hee thuộc đoàn văn công tỉnh đệ đơn ly hôn với chồng là Lee Seok Chun. Thẩm phán Jeong là người chịu trách nhiệm phân xử cho vụ ly hôn này.

Khi được hỏi về lý do ly dị, cô Chae đáp: “Tôi đang chịu đựng một cuộc sống không có tình yêu”. Cô Chae cho biết người chồng Lee Seok Chun, một công nhân nhà máy, vẫn chung thuỷ và đối xử tốt với cô. Song anh Lee “thiếu tinh tế và ít nói”, lái xe cũng không giỏi. Cô Chae lo lắng rằng sự thờ ơ, vô cảm ấy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp âm nhạc cũng như con trai Ho Nam của cô.

Song thẩm phán Jeong tin rằng một gia đình tan vỡ mới là “bi kịch” đối với cậu bé Ho Nam. Bên cạnh đó, văn hoá và xã hội Triều Tiên cũng có cái nhìn khắt khe về chuyện ly hôn.

Trong suốt 16 chương của cuốn tiểu thuyết, thẩm phán Jeong cùng độc giả khám phá thêm về đời sống vợ chồng của cô ca sĩ Chae Sun Hee. Ông Jeong chỉ có thể đưa ra phán quyết sau khi quan sát cuộc hôn nhân dưới nhiều lăng kính khác nhau.

Vị thẩm phán phát hiện rằng rạn nứt trong hôn nhân xuất phát từ việc hoán đổi vai trò lao động trong gia đình: Người chồng đảm đương công việc nhà cửa, chăm sóc con cái trong khi người vợ bận bịu theo đuổi sự nghiệp.

Từ câu chuyện của đương sự, thẩm phán Jeong Jin Wu cũng có cơ hội nhìn lại cuộc hôn nhân của chính mình với nhà khoa học nông nghiệp Eun Ok.

Quá trình tìm hiểu vụ ly hôn khắc hoạ hình ảnh của một xã hội Triều Tiên gắn kết tình người, nơi “câu chuyện của một gia đình là câu chuyện của nhiều gia đình”.

Tác giả Paek cũng đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm tại Triều Tiên, bao gồm nạn bạo lực gia đình và tham vọng bình đẳng của phụ nữ.

“Người bạn” còn hé lộ nhiều góc tối của xã hội và khắc hoạ niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Triều Tiên.

“Người bạn” có nhiều phần được ví như tự truyện của tác giả. Tác giả Paek Nam Nyong sinh năm 1949 - một năm trước cuộc chiến đẫm máu chia cắt bán đảo Triều Tiên. Cha ông đã qua đời trong chiến tranh còn mẹ ông ra đi vì mắc bệnh hiểm nghèo.

Giống như nhân vật người chồng Lee Seok Chun, tác giả từng làm việc trong một nhà máy thép sau khi tốt nghiệp trung học. Tại đây, ông quen biết vợ của mình và tiến đến hôn nhân. Sau đó, tác giả Paek tham gia một nhóm tiểu thuyết gia địa phương. Văn phòng của nhóm văn sĩ nằm trên một phòng xử án chuyên trách các vụ ly hôn.

Tác giả Paek kết giao với thẩm phán và tham gia nhiều phiên xét xử ly hôn. Chia sẻ về quãng thời gian này với dịch giả Immanuel Kim, ông Paek cho biết: “Tôi từng nghe được những luận điểm sắc bén như dao”.

Trieu Tien anh 2

Tác giả cuốn tiểu thuyết "Người bạn", ông Paek Nam Nyong. Ảnh: The Guardian.

Paek Nam Nyong tiếp tục theo học tại Đại học Kim Il Sung, trường đại học danh tiếng nhất tại Triều Tiên. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành thành viên ưu tú của Hội Văn học 15/4 - đơn vị chuyên xuất bản tiểu thuyết về các anh hùng của giới cầm quyền tại Triều Tiên.

Dù từng xuất bản nhiều sách nhưng cuốn “Người bạn” mới là tác phẩm giúp nâng tầm tên tuổi của ông Paek trong văn đàn. Cuốn sách từng được chuyển thể thành loạt phim truyền hình phát sóng rộng rãi tại Triều Tiên.

Năm 1992, “Người bạn” được xuất bản và bán rất chạy tại Hàn Quốc. Năm 2011, cuốn sách tiếp tục được biên dịch sang tiếng Pháp. Năm 2019, vở kịch “Người bạn” dựa trên tác phẩm cùng tên được trình diễn trong một sự kiện giao lưu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm