Thượng tá - nhà văn Phan Đình Minh. Nguồn: cand. |
Điều đó thể hiện ở nhiều tập truyện đã xuất bản trước đây, và một lần nữa, nó thể hiện ở tập mới nhất, gồm 16 truyện, có tên Gió Trương Chi. 16 truyện ngắn khá đa dạng về chủ đề, nhưng chụm lại ở hai điểm.
Thứ nhất, không gian nghệ thuật của các truyện kể thường là không gian mang đặc trưng làng xã nông thôn, hoặc những thị trấn thị xã nửa tỉnh nửa quê.
Thứ hai, thế giới nhân vật rất đa dạng: quan chức lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu, trưởng xã, trưởng thôn, nông dân, công nhân, tiểu thương, lao động làm thuê ở nước ngoài, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhân viên nhà tang lễ, kẻ buôn thần bán thánh, kẻ cho vay nặng lãi, kẻ chán đời nốc rượu như Chí Phèo...
Các nhân vật ấy thiết lập những mối quan hệ với nhau theo rất nhiều cách, và các mâu thuẫn xung đột giữa họ cũng nảy sinh theo rất nhiều kiểu. Nhưng tựu trung, đó chỉ là những tư liệu sinh động để tác giả thể hiện suy ngẫm và mời gọi người đọc cùng suy ngẫm, về tính người và tình người giữa muôn dòng chảy xuôi ngược làm thành cuộc sống ngày hôm nay.
Tập truyện Gió Trương Chi. |
Văn của Phan Đình Minh trong tập truyện ngắn này trọng nhịp điệu và rất nhiều từ lạ, đắt, cũng như có nhiều từ quen nhưng nhà văn lại không dùng chúng theo nghĩa từ điển thông dụng. Với văn ấy, Phan Đình Minh dựng lên một số nhân vật theo mẫu “grotesque” (thô kệch, nghịch dị) khá ấn tượng, như Cao Cả Xuề trong truyện Mật đắng, con sâu rượu từng ba lần mổ gan, luôn cởi trần phơi cái bụng băm vằm vết mổ để gây sự, dọa nạt…
Nhưng cũng văn ấy, Phan Đình Minh lại tạo tác những nhân vật rất tử tế, đầy ắp nhân tính và nhân tình, như cô Duyền và Cao Của Pính, người chồng của cô, trong truyện Mùa hoa liễu quế hương. Hay như hai ông và một bà nghệ nhân tuồng làng Thạch Lãm trong truyện Cha tôi, kép Cúc, những con người yêu nghệ thuật, đầy tinh thần trượng nghĩa, luôn cư xử rất đàng hoàng, biết nhận lỗi và cũng rất biết bỏ qua trước những thái độ chân thành, cầu thị.
Tập Gió Trương Chi đôi khi ẩn chứa tinh thần giễu cợt sâu cay, như ở truyện “Phần mềm”, trước cái thói vô tích sự, ưa làm điệu làm bộ quan trọng, nhưng là trên công sức người khác. Đôi khi đó là sự phẫn nộ ghìm nén, như ở truyện Nút send, trước sự hoang dâm đốn mạt của cặp nhân vật ông bố và con trai.
Tuy nhiên vượt lên, gây ấn tượng sâu sắc hơn cả, vẫn là những truyện viết về sự tử tế của con người, như truyện Gió Trương Chi, kể về hai cha con người nhạc sĩ luôn đau đáu với một tác phẩm khí nhạc để đời. Cả tập Gió Trương Chi, đó là một thế giới muôn sự người...