Theo Reuters, con số này tương đương với chi phí mà nhà chức trách Pháp đã bỏ ra trong vòng vài tháng để tìm máy bay của hãng Air France, rơi xuống Đại Tây Dương hồi năm 2009. Tuy nhiên trên thực tế con số 44 triệu USD chưa bao gồm chi phí triển khai phương tiện quốc phòng ở các nước Anh, Pháp, New Zealand và Hàn Quốc cũng như nhiều chi phí khác.
Tàu HMAS Success của Australia (trước) và tàu Malaysia KD Lekiu tìm kiếm trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters. |
Một số chuyên gia quốc tế dự báo chi phí cuối cùng của cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 có thể lên đến hàng trăm triệu USD, tốn kém nhất trong lịch sử. Ông Angus Houston, người đứng đầu cơ quan điều phối cuộc tìm kiếm, cho biết Australia sẽ đưa ra ước tính tổng chi phí trong thời gian tới.
Trước đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố chi phí của cuộc tìm kiếm không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên ông Abbott cho rằng có thể các nước sẽ phải chia sẻ chi phí với Australia. Hiện nước này đóng góp khoảng 50% chi phí tìm kiếm. Theo Bộ Quốc phòng Australia, tiền vận hành mỗi ngày của riêng tàu HMAS Success đã lên tới 511.000 USD.
Biên tập viên Kym Bergmann của báo Asia-Pacific Defence Reporter cho biết mỗi ngày tìm kiếm khiến Lực lượng phòng vệ Australia (ADF) tốn gần 800.000 USD. Ngoài Australia, Trung Quốc và Mỹ là hai nước cũng phải đổ tiền nhiều.
Đến nay Trung Quốc triển khai 18 tàu, 8 trực thăng và 3 máy bay đi tìm MH370. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, tiền vận hành mỗi chiếc máy bay Ilyushin Il-76 của nước này là 10.000 USD/giờ. Trong khi đó, các tàu chiến Trung Quốc tiêu tốn tới 100.000 USD/ngày.
Trong khi đó, tuần trước Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã chi hơn 3,3 triệu USD cho chiến dịch tìm kiếm và đã lên kế hoạch chi tổng cộng 8 triệu USD.