Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một số nơi ở miền núi và ven biển Quảng Bình thiếu nước trầm trọng

Tại Quảng Bình, từ đầu tháng 5 đến nay, các đợt nắng nóng gay gắt khiến tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa...

Tỉnh Quảng Bình đang bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài khiến người dân tại một số địa phương khu vực miền núi và ven biển thiếu nguồn nước sinh hoạt trầm trọng.

Quang Binh anh 1

Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều hồ, đập tại huyện Minh Hóa cạn kiệt nước. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN.

Những ngày nắng nóng gay gắt này, gia đình chị Cao Thị Hoa Lý và nhiều hộ dân tại thôn Tiền Phong (xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) phải chật vật với nguồn nước sinh hoạt.

Gần 400 giếng đào, giếng khoan ở đây nước đã cạn kiệt, những giếng có nước thì nhiều hộ sử dụng chung, bơm lên rất khó khăn, nước còn có độ phèn cao.

Chị Cao Thị Hoa Lý cho biết toàn thôn có 300 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu nhưng 90% người dân trong thôn đang chịu cảnh thiếu nước nghiêm trọng, tình trạng diễn ra thường xuyên hàng năm vào mùa nắng nóng.

Quang Binh anh 2

Người dân thôn Tiền Phong (xã Trung Hóa, huyện Minh Hoá) lắp đặt máy bơm dẫn nước từ khe suối về sử dụng cho tắm giặt, sinh hoạt. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN.

Từ sau Tết đến nay, do thiếu nước nên bà con phải đi xin nước ở giếng nhà nào còn để nấu ăn, uống, còn nước sinh hoạt, tắm giặt đều phụ thuộc vào khe suối. Những ngày nắng nóng, người dân phải mua dự trữ 5 - 10 bình để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Để có thêm nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng, người dân thôn Tiền Phong phải đi xin nhưng cần lắp đường ống ít nhất 300m. Bà con đi lấy nước cũng tranh thủ lúc sáng sớm hoặc đêm nước lên mới tích trữ được, còn ban ngày phải xuống khe, suối mới lấy được để về sinh hoạt.

Theo chị Cao Thị Hoa Lý, việc thiếu nước khiến cuộc sống của bà con rất vất vả, chật vật. Người dân thôn Tiền Phong muốn mua nước về để sinh hoạt, ăn uống cho đảm bảo, song do điều kiện kinh tế khó khăn nên phải đi xin ở các thôn khác tích trữ trong nhà.

Ông Cao Quang Khánh (thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) cho biết, gia đình ông cùng 10-15 hộ dân khác trong thôn đã lắp đặt máy bơm nước từ Khe Rục Lạc để sử dụng trong sinh hoạt. Song từ đầu mùa nắng nóng đến nay, nước trong khe dần cạn kiệt, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài tầm 20 ngày nữa là hết nước trong khe Rục Lạc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa) Cao Văn Chương cho biết toàn xã có trên 70% hộ dân thiếu nước trong mùa nắng nóng.

Giếng khoan của một số hộ còn nước bà con cũng san sẻ cho nhau, còn lại thì ra khe, suối chở nước về dùng. Địa phương đã báo cáo lên huyện để tìm hướng khắc phục. Hiện có 2 giếng dự phòng của quốc phòng, nếu được sẽ sử dụng giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân.

Quang Binh anh 3

Hàng trăm giếng nước tại thôn Tiền Phong (xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá) đã cạn kiệt nước. Ảnh: Tá Chuyên/ TTXVN.

Tại Quảng Bình, từ đầu tháng 5 đến nay liên tiếp diễn ra các đợt nắng nóng gay gắt và hiện tượng thiếu nước diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa như, Trọng Hóa, Dân Hóa, Trung Hóa, Lâm Hóa và một số công trình cấp nước của huyện Lệ Thủy.

Ngoài ra, một số vùng ven biển, ven cửa sông cũng có hiện tượng xâm nhập mặn và nguồn nước bị ảnh hưởng rất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay từ đầu năm, nắng nóng rất gay gắt và dự báo một năm nắng nóng cường độ rất cao.

Tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý cấp nước có giải pháp để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn hán này.

Riêng đơn vị đã có giải pháp cụ thể để chuẩn bị vật tư thiết bị cũng như thổi rửa các giếng khoan, sẵn sàng cấp nước kể cả cấp nước lưu động cho bà con. Về giải pháp lâu dài, hiện các công trình cấp nước cho người dân chủ yếu là công trình nhỏ lẻ nên cần đầu tư công trình với quy mô lớn, tập trung lấy nguồn nước từ hồ nước ngọt, công trình thủy lợi có nguồn nước bền vững để kết nối các công trình lại và cấp nước đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Bùi Thái Nguyên cũng đề xuất tỉnh Quảng Bình cùng cơ quan Trung ương xem xét cấp nguồn vốn để xây dựng các công trình cấp nước tại những nơi thiếu hoặc chưa có như, vùng Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy, Tân Thủy (huyện Lệ Thủy), vùng Phù Hóa, Cảnh Hóa, Liên Trường (huyện Quảng Trạch) và một số vùng Tân Hóa, Trung Hóa (huyện Minh Hóa) đang thiếu nước trầm trọng trong mùa hạn hán.

Hơn 100 hộ dân ‘khát’ nước bên thủy điện ở Lai Châu

Nhiều tháng qua, hơn 100 hộ dân sinh sống tại bản Nà Dân, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Đà Lạt đang thiếu nước sinh hoạt thế nào?

Mực nước của hồ chứa nước chính để sản xuất nước sinh hoạt cho toàn TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương đã tụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước.

Tỉnh miền Tây đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp hạn mặn, thiếu nước

Ngày 6/4, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, vừa ký quyết định số 586 về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt mùa khô năm 2024.

Sách hay về môi trường

How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến ​​thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.

We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.

https://www.vietnamplus.vn/quang-binh-mot-so-noi-o-mien-nui-va-ven-bien-thieu-nuoc-sinh-hoat-tram-trong-post960096.vnp

Tá Chuyên/Vietnam+

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm