Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Quốc hội đồng ý 4 nhóm chính sách mới lần đầu được quy định áp dụng cho TP.HCM gồm: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua quy định 2 nhóm chính. Thứ nhất là nhóm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội. Thứ hai là các chính sách mới lần đầu tiên được quy định.

Với nhóm chính sách mới lần đầu được quy định tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông

Về đầu tư, Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Khi đó, TP.HCM căn cứ tình hình thực tiễn tại từng khu vực để tạo ra một số không gian xung quanh các điểm nhà ga, đường sắt, đường vành đai giúp phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan như mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Mô hình nhằm tháo gỡ khó khăn cho Thành phố trong việc tạo các khu đất sạch để triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.

Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Ảnh: Quỳnh Danh.
thi diem tp hcm anh 1
thi diem tp hcm anh 1

Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Ảnh: Quỳnh Danh.

Thành phố cũng có thể thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật. UBND TP.HCM tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Nghị quyết cũng cụ thể hóa các trường hợp, điều kiện thu hồi đất vùng phụ cận và cơ bản thống nhất với điểm d khoản 1 Điều 112 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Để bảo đảm chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng, Nghị quyết cũng quy định “phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định trong nội dung đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung Thành phố”.

Đây được đánh giá là chính sách góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng nguồn thu cho ngân sách từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án đô thị và quy định này thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Có thể dùng ngân sách thanh toán dự án BT

Một trong những cơ chế đặc biệt là Quốc hội cho phép TP.HCM tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho Thành phố, tăng hiệu quả đầu tư dự án, thu hút nhà đầu tư tham gia, giảm mức chi trả của người dân.

Khác với nhiều địa phương khác, trên địa bàn TP.HCM, nhiều trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, nhiều trường hợp, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư rất lớn, cao gấp nhiều lần các địa phương khác.

thi diem tp hcm anh 2

TP.HCM được phép thực hiện dự án BT và được thanh toán bằng ngân sách. Ảnh: Quỳnh Danh.

TP.HCM cũng được phép thực hiện dự án BT và được thanh toán bằng ngân sách. Đây là cơ chế nhằm đa dạng hóa hình thức đầu tư và tạo cơ sở pháp lý, huy động tối đa nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 31.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các dự án BT có nhiều tác dụng trong việc huy động được nguồn lực, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương khi thực hiện dự án. Tuy vậy, triển khai dự án BT, nhất là BT đổi đất lấy hạ tầng cũng đặt ra nhiều quan ngại khi tổng mức đầu tư dự án tăng không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp.

Nghị quyết đã tăng mức dư nợ vay của Thành phố lên 120% để tạo thêm dư địa cho Thành phố huy động nguồn lực phát triển. Theo tính toán, trong giai đoạn tới, nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án đến năm 2030 của TP.HCM là rất lớn, trong khi từ sau năm 2026, Thành phố không còn bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp. Do đó, cơ chế này giúp tạo thêm dư địa, nguồn lực cho TP.HCM.

Nghị quyết cũng cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.

Ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm

Về cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước, trong đó, ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố.

TP.HCM có thể thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Trong đó, HĐND TPHCM được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

thi diem tp hcm anh 3

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết với những cơ chế hiện tại, Thành phố sẽ phát triển xứng tầm với vị thế và tiềm năng. Ảnh: Phạm Thắng.

Đồng thời, quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ địa phương khác trong nước, hỗ trợ địa phương tại quốc gia khác trong trường hợp cần thiết.

Đối với dự án sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác, HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha do HĐND TP.HCM quy định.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn.

Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường về đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. TP.HCM xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.

TP.HCM được thành lập Sở An toàn Thực phẩm

Việc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố được quy định, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Về tổ chức bộ máy chính quyền, theo dự thảo nghị quyết, HĐND TP.HCM thành lập Sở An toàn Thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn Thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn Thực phẩm.

UBND huyện thuộc TPHCM có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch.

HĐND TP Thủ Đức quyết định thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức. HĐND TP Thủ Đức có không quá 2 phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND TP Thủ Đức có không quá 4 phó chủ tịch.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Bài liên quan

Thuận Hiếu

Bạn có thể quan tâm