Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

ĐBQH: Cơ chế đột phá sẽ giúp TP.HCM phát triển hạ tầng và kinh tế

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thiết kế với nhiều chính sách mới, mang tính đột phá, đặc thù để phát triển TP.HCM trong giai đoạn tới.

dac thu tp hcm anh 1

Chính phủ vừa Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết 54 hết hiệu lực. Dự kiến trong tuần này, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận và xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

Mục tiêu của nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Ngay sau khi Quốc hội thông qua, nghị quyết sẽ được thực hiện trong 5 năm; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Bên hành lang Quốc hội, đa số các đại biểu đều đồng tình với việc ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, tạo xung lực và đột phá mới cho sự phát triển TP.HCM. Tuy vậy, cần rất lưu ý đến các cơ chế, chính sách được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu.

Cần nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có nhiều điểm đột phá, có thể giúp phát huy được tiềm năng và lợi thế của TP.HCM bởi đây là đô thị đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế. Mặt khác, TP.HCM có sân bay, bến cảng, có hạ tầng và trong nhiều năm. Thành phố đã từng đóng góp 1/4 GDP cả nước và 26-27% tổng thu ngân sách.

Ông nhắc lại vấn đề hiện nay của TP.HCM là gặp rất nhiều điểm nghẽn, trong đó, điểm nghẽn lớn nhất đó là vấn đề thể chế. Thể chế cho một đô thị đặc biệt - đông dân nhất cả nước - điều này cũng đặt ra thể chế này phải có những đặc thù riêng, không thể giống như các tỉnh thành khác được. Thể chế đó phải có sự tích hợp và phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thành phố.

dac thu tp hcm anh 2

TP.HCM đang gặp nhiều điểm nghẽn về kinh tế, xã hội, hạ tầng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thứ hai, nguồn lực để tái đầu tư. Để nuôi dưỡng nguồn thu thì cần có nguồn lực đủ lớn và trong thời gian để đầu tư hạ tầng. Hạ tầng kinh tế xã hội hiện nay của TP.HCM xuống cấp trầm trọng dẫn đến các điểm nghẽn về giao thông đô thị, giao thông kết nối vùng. Ngoài ra, vấn đề về chất lượng cuộc sống của người dân cần giải quyết. Nhất là các vấn đề về môi trường, ngập nước, ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cao hệ thống y tế, giáo dục.

Hạ tầng hiện nay của TP.HCM đang thiếu đồng bộ. Do đó, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm quan trọng, nhất là hạ tầng về kinh tế - xã hội của Thành phố.

Nghị quyết mới với các cơ chế chính sách đặc thù và đột phá để TP.HCM có thể đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Có thể thí điểm mô hình “sandbox”, mô hình thực nghiệm để phát triển kinh tế số, cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài ra, là các vấn đề về bộ máy, biên chế cho cán bộ viên chức, tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố.

Nhiều vấn đề mới đột phá

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dự thảo mới có 12 điều với 7 nhóm cơ chế, chính sách có những vấn đề mới đột phá. Chẳng hạn thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) rất phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông. Trong dự thảo cũng quy định về thu hút nhiều ngành nghề, dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm… Đây đều là những điểm đặc biệt giúp Thành phố có thể đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo, tạo đột phá về hạ tầng.

Dự thảo cũng cho phép TP.HCM đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được áp dụng hợp đồng BOT ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án theo hợp đồng BT.

dac thu tp hcm anh 3

Cơ chế mới cho phép TP.HCM thực hiện dự án theo hợp đồng BT. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một nội dung quan trọng khác là đề xuất cơ chế chính sách tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), giúp thành phố tập trung được nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hoặc hỗ trợ vốn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện.

“Giải pháp đó không phải xin thêm tiền mà là cơ chế đột phá tạo điều kiện để thành phố huy động được các nguồn lực nhằm chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố”, ông nói.

Một trong những điểm đặc biệt mà đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ là dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền tối đa cho thành phố để chủ động giải quyết nhanh những đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển. TP.HCM sẽ có cơ hội thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển những ngành mang tính mũi nhọn, đột phá như ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vi mạch…

Cần tập trung nguồn lực đúng địa chỉ

Bình luận về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng các cơ chế mới được thiết kế làm sao phải giúp tập trung nguồn lực để giải quyết một số vấn đề cấp bách, quan trọng để thúc đẩy phát triển TP.HCM.

“Các giải pháp cần hướng đến những địa chỉ rõ ràng. Ví dụ, tập trung cho khu vực Thủ Đức hay quận nào, công trình nào, thời gian bao lâu và dự kiến quy mô nguồn lực là bao nhiêu, tránh các chính sách chung chung”, ông Hiếu nói.

Ủy ban Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị việc mở rộng khai thác không gian mới với Thủ Đức và các vùng lân cận hơn là việc chỉnh trang không gian cũ trong nội đô gây tốn kém chi phí.

Ông cũng băn khoăn việc huy động nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp và cho rằng việc này cần hạn chế. Ông lấy ví dụ trong vấn đề phí và lệ phí, đề xuất xây dựng BOT trên đường hiện hữu, thu phí nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất. Dù việc này có mục tiêu tốt nhưng nếu sử dụng quá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì sẽ có những phản ứng bất lợi.

Về nguồn lực con người, theo ông Hiếu, bên cạnh thu hút nhân tài mới thì cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn.

dac thu tp hcm anh 4

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình). Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được xem là một khung khổ pháp luật để TP.HCM "đi trước, hành động trước", góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho bản thân Thành phố.

“Hãy cho TP.HCM được phép thực hiện cơ chế và chủ động triển khai các chính sách, biện pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện một cách minh bạch, công khai với trách nhiệm giải trình rõ ràng”, ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh cơ chế chính sách là một phần rất quan trọng nhưng cũng chưa thể thành công nếu không có sự vận dụng năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ thực thi. Ông mong muốn các cơ chế chính sách sẽ được phát huy hết, giúp TP.HCM tăng trưởng nhanh, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế vốn có, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.


Thuận Hiếu

Bạn có thể quan tâm