Sáng 6/11, trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết Ủy ban tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp góp phần phòng ngừa tham nhũng.
Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Về kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Tư pháp nhận thấy năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 78/1.113.422 người đã kê khai (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri, nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận…
Theo Ủy ban Tư pháp, nguyên nhân của tình trạng này là chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến. Đáng lưu ý là quy định của Luật Phòng chống tham nhũng về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, một số căn cứ không mang tính bắt buộc và có thể dẫn đến tùy nghi trong áp dụng.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn |
"Quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền quản lý, xác minh tính trung thực của việc kê khai; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp", báo cáo thẩm tra cho hay.
Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 chỉ có 39 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý trong khi đó có 433 bị cáo bị TAND các cấp xét xử sơ thẩm về tội tham nhũng; hàng trăm nghìn vụ việc bị xử phạt hành chính qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, trong đó có những vụ liên quan đến tham nhũng).
Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Ủy ban Tư pháp tán thành với đánh giá rất nghiêm túc của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN và cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng còn chưa nghiêm.
Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn, "một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm"
"Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng 'lợi ích nhóm', sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ", bà Nga nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng "nhờn luật". Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao…