Hình minh họa phi thuyền Voyager-1 bay tới rìa của hệ Mặt Trời. Ảnh:SPL. |
"Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng mà chúng tôi từng hy vọng rằng chúng tôi sẽ đạt được khi dự án này bắt đầu hơn 40 năm trước: Đưa một phi thuyền tới không gian liên sao. Từ nay chúng ta có thể bắt đầu nghiên cứu không gian giữa các hệ sao", giáo sư Ed Stone, trưởng nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu từ Voyager-1, phát biểu.
Hệ thống cảm biến trên Voyager-1 cho thấy môi trường xung quanh nó đã thay đổi, nghĩa là nó không còn di chuyển trong Thái Dương Hệ mà đã lọt ra vùng không gian liên sao. Voyager-1 có một thiết bị mang tên Plasma Wave Science. Thiết bị này có khả năng đo mật độ các hạt mang điện tích xung quanh tàu.
Khi so sánh chỉ số hồi tháng 4 và 5 năm nay với chỉ số từ tháng 10 và 11 năm ngoái, các nhà khoa học nhận thấy mật độ hạt proton xung quanh tàu đã giảm tới 100 lần. Mật độ hạt proton càng giảm thì tàu càng xa mặt trời.
Dựa vào các dữ liệu, NASA cho rằng Voyager-1 rời khỏi Thái Dương Hệ vào ngày 25/8 năm ngoái.
"Vào ngày 25/8/2012, khoảng cách giữa tàu với trái đất là 121 đơn vị thiên văn, nghĩa là gấp 121 lần khoảng cách giữa địa cầu với mặt trời", giáo sư Don Gurnett, một chuyên gia của Đại học Iowa và phụ trách nhóm phân tích dữ liệu của thiết bị Plasma Wave Science, phát biểu.
Voyager-1 được phóng vào ngày 5/9/1977. Còn Voyager-2, một phi thuyền khác, bay lên vũ trụ vào ngày 20/8 cùng năm. Nhiệm vụ ban đầu của hai tàu là thám hiểm các sao Mộc, Thổ, Hải Vương, Thiên Vương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào năm 1989, chúng bay về phía trung tâm dải Ngân Hà theo hai hướng. Lò phản ứng hạt nhân của hai tàu sẽ ngừng sản xuất điện trong khoảng 10 tới 15 năm nữa. Sau khi lò phản ứng ngừng hoạt động, các thiết bị điện tử và phát sóng của hai tàu sẽ "yên nghỉ" vĩnh viễn.