Ống trụ bị nhiễm chất phóng xạ Caesium-137. Ảnh: Bangkok Post. |
Theo CNN, thông tin trên được tiết lộ chỉ 2 tháng sau khi Australia cũng buộc phải tiến hành một cuộc “săn lùng” diện rộng để tìm một viên nang nhỏ chứa chất phóng xạ. Sau đó, nó đã được tìm thấy bên cạnh đường cao tốc.
Tuy nhiên, không giống như hộp đựng viên nang được tìm thấy tại Australia, thiết bị chứa ống kim loại nhiễm phóng xạ bị thất lạc tại Thái Lan đã biến mất ở một khu vực rất đông dân cư.
Các nhà chức trách cho biết vật kim loại này có hình trụ, dài 30 cm và rộng 13 cm, được báo cáo là mất tích trong quá trình kiểm tra định kỳ của nhân viên vào ngày 10/3. Sự việc diễn ra tại nhà máy điện than ở Prachin Buri, một tỉnh ở miền trung Thái Lan, phía đông thủ đô Bangkok (Thái Lan).
Tỉnh Prachin Buri có dân số gần nửa triệu người và sở hữu một số công viên quốc gia nổi tiếng của Thái Lan, bao gồm Công viên quốc gia Khao Yai nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Được dùng để đo lượng tro trong hoạt động sản xuất nhiệt điện, ống trụ có chứa Caesium-137, một chất phóng xạ cao với khả năng gây chết người. Theo một tuyên bố từ Văn phòng Nguyên tử vì hòa bình (OAP), một cơ quan quản lý của chính phủ về nghiên cứu phóng xạ và hạt nhân ở Thái Lan, các đội tìm kiếm và máy bay không người lái đã được triển khai để thu hồi thiết bị này.
Phó thư ký của OAP, bà Pennapa Kanchana, chia sẻ với CNN ngày 15/3 rằng họ đang sử dụng thiết bị phát hiện phóng xạ để xác định vị trí của vật hình trụ.
Vật nhiễm phóng xạ bị thất lạc ở tỉnh Prachin Buri, Thái Lan. |
“Chúng tôi đang tìm kiếm tại các cửa hàng tái chế chất thải trong khu vực. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ sử dụng thiết bị khảo sát để phát hiện tín hiệu. Đối với những khu vực không thể tiếp cận, chúng tôi đã điều động máy bay không người lái và robot”, bà Pennapa Kanchana nói.
Ngoài ra, cũng tham gia vào cuộc tìm kiếm, cảnh sát Thái Lan tin rằng ống trụ đã bị mất từ tháng 2, nhưng chỉ được nhà máy điện quốc gia số 5 thông báo chính thức vào ngày 10/3. Cảnh sát trưởng huyện Si Maha Phot, ông Mongkol Thopao, nói với CNN rằng cảnh sát đã kiểm tra đoạn phim CCTV từ nhà máy, nhưng bị cản trở bởi “tầm nhìn hạn chế” của camera.
“Chúng tôi chưa rõ liệu vật này đã bị đánh cắp và bán cho một cửa hàng tái chế hay bị thất lạc ở nơi nào khác. Cảnh sát đã cử đội tìm kiếm đến các cửa hàng tái chế xung quanh khu vực nhưng vẫn không tìm thấy”, ông Mongkol Thopao cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Caesium-137 có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người tiếp xúc với nó, bao gồm bỏng da do tiếp xúc, bệnh phóng xạ và nguy cơ ung thư chết người. Caesium-137 có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, có nghĩa là nó có thể gây rủi ro cho người dân trong nhiều thập kỷ tới nếu không được tìm thấy.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.