Chia sẻ với Zing bên lề họp báo Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023 chiều 11/5, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết TP vừa công bố chỉ số đánh giá DDCI. Theo đó, có đến 50% doanh nghiệp trên địa bàn cho biết đang gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh cầm chừng. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do nhu cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước.
"Hiện nay tâm trạng chung của doanh nghiệp là cố gắng cầm cự, giữ đơn hàng và trông chờ vào đơn hàng mới. Có những doanh nghiệp không cầm cự được, phải bán bớt một phần tài sản để trả nợ vì không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc mất uy tín trong vấn đề thanh toán", Chủ tịch HUBA chia sẻ.
Trong bối cảnh này, ông cho rằng doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, cố gắng tìm được thị trường ngách, cố gắng cầm cự và duy trì. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hướng đến tăng trưởng xanh mới có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là thực tế đã được nhìn thấy ở ngành may mặc thời gian qua.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: T.N. |
Do đó, diễn đàn HEF 2023 tập trung vào chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không". Chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 13 đến 17/9, trong đó sự kiện chính thức được tổ chức vào ngày 15/9.
Theo ông Hòa, cả thế giới đều đang tìm đến giá trị xanh, nếu Việt Nam không bắt nhịp chuyển đổi sẽ không thể thâm nhập sâu hơn và hội nhập toàn diện hơn với thế giới.
"Đó là một vấn đề phải làm và rất khó để làm được. Do đó, diễn đàn lần này sẽ hướng tới cộng đồng doanh nghiệp vì đây là những người trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi. Họ cũng là người chịu sự tác động trực tiếp bởi nếu không nhận thức được. Hiện ngành may mặc đã chịu điều này", ông nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông cho rằng diễn đàn cũng sẽ tập trung tìm ra giải pháp và hướng đi phù hợp cho TP.HCM. Giải pháp này mang tính chất đa chiều gồm sản xuất xanh, tiêu chuẩn xanh, môi trường sống xanh, tín dụng xanh... và cần cả những chính sách hỗ trợ thúc đẩy.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, TP.HCM tổ chức một buổi gặp gỡ trực tiếp với khoảng 100 CEO đến từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới để lắng nghe góp ý, tư vấn giải pháp phát triển kinh tế bền vững và mời gọi đầu tư.
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay dự kiến có sự tham gia của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành cùng 1.200-1.500 đại biểu gồm các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, IFC, ADB..., các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước...
Đặc biệt, diễn đàn cũng dự kiến thu hút các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Đại diện Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết đang có những kết nối, làm việc với ban điều hành WEF để đưa HEF trở thành một mạng lưới trong chuỗi sự kiện của diễn đàn này. Dự kiến tháng 7 sẽ có đoàn làm việc của WEF sang làm việc và có những hợp tác cụ thể.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.