Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp ngại vay vốn

Lãnh đạo các tỉnh Đông Nam Bộ cho hay tăng trưởng tín dụng và mức độ tiếp cận gói ưu đãi lãi suất ở mức thấp do doanh nghiệp e ngại các cơ chế, thủ tục của cơ quan chức năng.

Mở đầu Hội nghị “Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều 11/5 tại TP.HCM, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp 30,8% GDP cả nước năm 2022, là khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số doanh nghiệp đứng đầu cả nước, chiếm 41,2%.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số địa phương có mức tăng GRDP quý I ở mức thấp hoặc tăng trưởng âm. Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn ở mức thấp do những khó khăn chung và một số khó khăn đặc thù của khu vực.

ngan hang nha nuoc,  nhnn,  tin dung anh 1

Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị chiều 11/5. Ảnh: NHNN.

Tăng trưởng tín dụng thấp

Cụ thể, theo Phó thống đốc, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế thấp do cầu tín dụng giảm, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Đồng thời, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...) dẫn tới việc các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Riêng tại Đông Nam Bộ, lãnh đạo NHNN đánh giá tăng trưởng kinh tế khu vực rất thấp, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế giảm sút. Doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn. Sức mua của người tiêu dùng giảm. Số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động thấp. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.

Đặc biệt, kinh doanh bất động sản là ngành trọng yếu, đặc biệt tại TP.HCM, nhưng những khó khăn của thị trường đã tác động đén các ngành có liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng... Trong khi đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, thấp hơn trung bình cả nước, ảnh hưởng tới sức cầu nền kinh tế và tác động gián tiếp với cầu tín dụng.

Lãi suất cao, thủ tục khắt khe

Với TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay gần 50% số doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do thị trường đang không hiệu quả. Một bộ phận có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn, tạo thanh khoản. Với khoản vay đến hạn, kế hoạch thanh toán gặp khó do hàng bán không được hoặc bán mà chưa được thanh toán.

Điều đáng nói, doanh nghiệp ngại tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 2% lãi suất, một mặt do nhu cầu thấp, một mặt ngại phải làm việc với các cơ quan chức năng.

ngan hang nha nuoc,  nhnn,  tin dung anh 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì hội nghị chiều 11/5 cùng lãnh đạo NHNN. Ảnh: NHNN.

Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh tiềm năng và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp ngại khi tham gia vào gói ưu đãi 2% lãi suất sẽ phải làm việc nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm toán...

Đến ngày 31/3, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 59 doanh nghiệp được vay tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng, tương ứng số tiền được hỗ trợ chỉ khoảng 787 nghìn tỷ đồng. Bà Hoàng đánh giá kết quả này chưa tương xứng với thực tế và không đạt kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh các doanh nghiệp đã cân nhắc giữa lợi ích của gói ưu đãi và các chi phí phải bỏ ra. Đến nay, toàn tỉnh chỉ giải ngân được 677 tỷ đồng theo gói này.

Mặt khác, ông cho hay mặt bằng lãi suất dù đã được điều chỉnh vẫn ở mức cao. Lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 10-11%/năm, trong khi trước đây chỉ khoảng 7-9%. Lãi suất cho vay trung và dài hạn 11-13%/năm, trước đây chỉ 8,5-11%/năm nên nhiều doanh nghiệp vẫn cân nhắc.

Bên cạnh các vướng mắc này, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phản ánh thêm một vấn đề thực tiễn khi triển khai cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ. Bà cho hay mỗi ngân hàng có một yêu cầu hồ sơ riêng, do đó trong nhiều trường hợp đến khi ngân hàng chấp thuận thì khoản vay đã quá hạn, gây khó cho doanh nghiệp.

Mặt khác, bà nhấn mạnh NHNN cần có kế hoạch quyết liệt hơn để thanh tra, xử lý việc các ngân hàng ép buộc doanh nghiệp, người dân mua bảo hiểm khi vay vốn. "Trong điều kiện doanh nghiệp, người dân khó khăn, cần vốn, hành vi này về tình có vẻ không ổn, về lý càng không đúng quy định", bà nói.

Trong bối cảnh này, các tỉnh đều kiến nghị NHNN bên cạnh tổ chức các chương trình kết nối với doanh nghiệp thì tập trung đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn, cũng như có những chính sách, giải pháp linh động để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đồng thời, NHNN và các ngân hàng thương mại nỗ lực kéo giảm lãi suất về mức hợp lý, cũng như nghiên cứu thêm chính sách, kéo dài chính sách giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ xấu đối với các trường hợp khó khăn, chậm thanh toán.

Đối với khoản vay mới đề nghị nghiên cứu điều kiện phù hợp như không siết định giá tài sản, tỷ lệ giải ngân trên định giá tài sản...

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Phó thống đốc NHNN: Lãi suất cho vay đã giảm về mức 9-9,2%

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất tiền gửi bình quân đang giảm về mức 6-6,1%/năm, lãi suất cho vay bình quân 9-9,2%/năm, đây là mức giảm khá tích cực.

NHNN yêu cầu ngân hàng giải thích lý do lãi suất cho vay vẫn cao

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đây thậm chí mới là mức lãi suất cho vay bình quân ở một số ngân hàng, như vậy sẽ có những khoản vay phải chịu lãi suất cao hơn.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm