Giàu lên nhờ phát minh ra thuốc nổ nhưng cuối đời hiến tặng gần như toàn bộ của cải cho nhân loại, cha đẻ giải thưởng Nobel để lại di sản gây tranh cãi trong suốt hơn một thế kỷ.
"Kẻ mua bán cái chết đã chết".
Đến nay, nhiều người vẫn tin rằng chính những lời này đã giúp đưa đến một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới - giải Nobel. Theo thông lệ, những thành tựu nổi bật nhất trong đời sống nhân loại một năm qua sẽ lần lượt được vinh danh trong tuần này.
Và "kẻ mua bán cái chết" được nhắc tới chính là Alfred Nobel, "cha đẻ" của giải thưởng, người đã đọc được những lời này trong một cáo phó dành cho... chính mình.
Trở nên giàu có nhờ phát minh ra thuốc nổ, Alfred Nobel để lại gần như toàn bộ tài sản của ông để trao thưởng cho những người đã "mang đến lợi ích lớn nhất cho nhân loại" từ vật lý, hóa học, y sinh cho đến văn học. Giải thưởng thứ năm dành cho "người đã cống hiến nhiều nhất hoặc tốt nhất cho tình hữu nghị giữa các quốc gia, bãi bỏ hoặc giảm thiểu quân đội thường trực cũng như thành lập và thúc đẩy các hội nhóm hòa bình".
Người phát minh ra thuốc nổ gây ra nhiều cái chết, cũng như sở hữu những nhà máy sản xuất đạn dược, cuối cùng trở thành cái tên gắn liền với một giải thưởng về hòa bình thế giới. Đó hẳn nhiên là một nghịch lý, và cũng là bí ẩn, như chính cuộc đời của Alfred Nobel.
Thế nhưng, sau gần 120 năm với rất nhiều tên tuổi xuất chúng đại diện cho tri thức nhân loại đã được trao giải Nobel, câu hỏi là liệu có còn cần thiết phải tiếp tục truy vấn về những điều này.
Phát minh ra đời từ thảm kịch
Alfred Nobel, sinh năm 1833 tại Stockholm, Thụy Điển, là con trai của một nhà phát minh đồng thời là doanh nhân nhưng công việc kinh doanh không mấy thuận lợi.
Alfred Nobel những năm 1850. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Những thanh thuốc nổ "dynamite" do nhà máy của Alfred Nobel sản xuất, được trưng bày tại Bảo tàng Nobel ở Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Fine Art Images/Album. |
"Kẻ mua bán cái chết"
Dĩ nhiên, thuốc nổ của Nobel cũng bắt đầu được sử dụng cho những mục đích khác. Không lâu sau phát minh, quân đội các nước bắt đầu sử dụng nó trong chiến đấu, bao gồm Chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870 hay Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898.
Không rõ Alfred Nobel có chấp thuận cho sử dụng dynamite với mục đích quân sự hay không, nhưng có thể ông đã biết được người khác nghĩ gì về phát minh của ông khi anh trai ông, Ludvig, qua đời tại Pháp năm 1888 vì nhồi máu cơ tim.
Các báo Pháp đưa tin về cái chết của Ludvig nhưng ít nhất một tờ nhầm lẫn rằng người chết là Alfred Nobel. Theo History, tờ báo này đã đăng một cáo phó gọi với tựa đề Le marchand de la mort est mort, nghĩa là "Kẻ mua bán cái chết đã chết". Bài viết cũng nói Alfred Nobel đã trở nên giàu có bằng việc phát minh ra những cách thức mới để "làm người khác tàn phế hoặc mất mạng".
Lỗi sau đó đã được sửa, nhưng Alfred Nobel được cho là đã đọc bài viết và đến nay nhiều người tin rằng đây chính là lý do giải Nobel ra đời.
Theo nhà viết tiểu sử Kenne Fant, Alfred Nobel "đã trở nên quá ám ảnh về danh tiếng của mình sau khi qua đời, đến nỗi sửa lại bản di chúc đã viết, quyết định để lại phần lớn tài sản vì một lý do mà không một người viết cáo phó nào trong tương lai có thể nói xấu".
Một phần di chúc của Alfred Nobel. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Chẳng hạn, Quỹ Nobel lưu ý rằng Alfred Nobel có thể đã nảy sinh ý tưởng đầu tiên về một giải thưởng trong lĩnh vực khoa học vào năm 1868, khi ông được Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vinh danh vì "các phát minh quan trọng được áp dụng trong thực tế của nhân loại". Ông cũng là một người đọc nhiều, nói được năm thứ tiếng và say mê viết kịch và thơ - những điều có thể đã thôi thúc ông lập ra một giải thưởng văn học.
Đối với giải Nobel Hòa bình, nhiều người tin rằng đây là kết quả từ mối quan hệ lâu năm giữa Alfred Nobel với Bertha von Suttner, nữ bá tước người Áo đồng thời là nhà hoạt động vì hòa bình. Hai người gặp nhau lần đầu vào năm 1876, khi Nobel đăng quảng cáo trên một tờ báo để tìm "một người phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành" làm thư ký và người cai quản gia đình ông. Hai người chia tay sau khi bà Suttner kết hôn, nhưng họ vẫn giữ liên lạc qua thư từ.
Nữ bá tước Bertha von Suttner. Ảnh: Public Domain. |
Trong những bức thư gửi bà Suttner, Alfred Nobel thể hiện những quan điểm trái ngược nhau về chiến tranh và hòa bình. Mặc dù về bản chất là một người yêu hòa bình, từng gọi chiến tranh là "tội ác lớn nhất trong mọi tội ác", ông hầu như chưa bao giờ tỏ ra hối hận về việc từng kiếm tiền từ ngành công nghiệp vũ khí, thậm chí còn cho rằng những loại vũ khí tinh vi hơn có thể trở thành công cụ răn đe hữu hiệu phòng ngừa xung đột.
"Các nhà máy của tôi có thể giúp chấm dứt chiến tranh trước các hội nhóm của cô", ông viết cho Suttner vào năm 1890. "Với viễn cảnh rằng ngày nào đó hai đội quân có khả năng tiêu diệt nhau chỉ trong một giây, mọi quốc gia văn minh chắc chắn sẽ lùi bước trước một cuộc chiến và giải tán quân đội của họ".
Bất chấp những lời lẽ như vậy, nhiều nhà sử học tin rằng quan điểm về việc giải trừ vũ khí của bà Suttner cuối cùng đã có tác động đến ông Nobel. Trong cuốn sách về giải Nobel Hòa bình, tác giả Fredrik S. Heffermehl lập luận rằng di chúc của nhà phát minh là "bằng chứng xác định rằng Suttner đã thuyết phục được Nobel 'làm điều gì đó' cho phong trào hòa bình".
Vinh danh những người xuất chúng
Dù lý do giải Nobel ra đời là gì, Alfred Nobel chưa từng công khai nói về việc này khi còn sống. Không ai có thể dám chắc liệu đây là chuyện lương tâm cắn rứt, là tâm nguyện của một người tài năng trong nhiều lĩnh vực hay chỉ đơn giản là dự án đánh bóng tên tuổi cuối cùng của một nhà tư bản công nghiệp giàu sụ.
Tuy nhiên, sau gần 120 năm kể từ khi những giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901, câu hỏi đó phải chăng giờ đây đã trở nên "phi thực tế"?
Một triển lãm về cuộc đời Alfred Nobel tại St Petersburg, Nga, vào tháng 3/2019. Ảnh: Reuters. |
Theo Dwight E. Neuenschwander, giáo sư vật lý tại Đại học Nam Narazene (Mỹ) đồng thời là biên tập viên cho các ấn phẩm của Viện Vật lý Mỹ (AIP), cuộc sống của Alfred Nobel "chứa đựng những điều trớ trêu và mâu thuẫn, như mọi nhân vật thú vị khác".
"Ông không có bằng đại học nhưng lại là một nhà phát minh, một nhà hóa học tài năng, có tay nghề cao về khoa học và kỹ thuật, đọc nhiều và thông thạo năm thứ tiếng. Ông sống ở các thành phố lớn trên khắp thế giới nhưng vẫn thích ở một mình hơn. Là một doanh nhân, ông quản lý các tập đoàn công nghệ đa quốc gia nhưng vẫn dành thời gian để viết tiểu thuyết và thơ", vị giáo sư viết trên website của Sigma Pi Sigma, một tổ chức thuộc AIP.
"Công việc kinh doanh của ông là sản xuất thuốc nổ và vũ khí, nhưng ông tích cực ủng hộ chủ nghĩa hòa bình. Ông tích lũy được khối tài sản lớn nhưng để lại gần như tất cả cho những người ông sẽ không bao giờ gặp mặt".
Theo Sven Tagil, tác giả cuốn Tư tưởng của Alfred Nobel về Chiến tranh và Hòa bình, nhà phát minh từng nói về một nhận thức phổ biến trong thế kỷ 19, rằng ông không phải chịu trách nhiệm về cách mà những phát minh của ông được ứng dụng. Alfred Nobel cũng cho rằng bản thân mỗi khám phá học thuật đều mang tính trung lập, nhưng có thể được sử dụng cho cả mục đích tốt và xấu.
"Sự tách bạch giữa khám phá khoa học và trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học trong thế kỷ 21 của chúng ta không rõ ràng như trong thế kỷ 19 của Alfred Nobel", giáo sư Neuenschwander nhìn nhận.
Năm 1901, 5 năm sau khi Alfred Nobel qua đời tại San Remo, Italy, và di chúc của ông gây ra tranh chấp, những chủ nhân đầu tiên của giải Nobel được tìm thấy. Kể từ đó vào mỗi mùa thu, toàn thế giới hướng về Thụy Điển và Na Uy chờ giây phút những cái tên xuất sắc được xướng lên.
Lễ trao giải Nobel tại Thụy Điển. Ảnh: Reuters. |
Sự danh giá của giải thưởng là điều không thể phủ nhận, dù thỉnh thoảng các quyết định cũng gây ra tranh cãi, chẳng hạn như việc đề cử Adolf Hitler cho giải Nobel Hòa bình năm 1939.
Quỹ Nobel là tổ chức chịu trách nhiệm về số tiền 31,5 triệu krona Thụy Điển (tương đương 2,2 tỷ krona hay 222 triệu USD theo tỷ giá hiện nay) mà Alfred Nobel ủy thác để trao thưởng. Năm nay, mỗi giải thưởng sẽ được trao 9 triệu krona (908.000 USD), và nếu giải thưởng có nhiều hơn một chủ nhân, số tiền này sẽ được chia đều.
Riêng giải Nobel Kinh tế, tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển về Kinh tế học Tưởng nhớ Alfred Nobel, sẽ do ngân hàng này tài trợ. Đây là giải duy nhất không nằm trong di chúc của ông Nobel, mà được thiết lập với khoản quyên góp của ngân hàng cho Quỹ Nobel vào năm 1968.
Tại Stockholm, Viện Karolinska trao giải y sinh, Viện hàn lâm Thụy Điển phụ trách giải văn chương và Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chịu trách nhiệm về các giải vật lý, hóa học và kinh tế. Trong khi đó, Ủy ban Nobel Na Uy sẽ công bố giải Nobel Hòa bình.
Năm nay, giải Nobel Văn chương sẽ trở lại sau bê bối quấy rối tình dục tại Viện hàn lâm Thụy Điển khiến giải thưởng không được trao vào năm ngoái. Sẽ có hai giải được trao, một cho năm 2018 và một cho năm 2019.
Những cái tên được trông đợi cho giải Nobel thường xuyên gây tranh cãi này bao gồm các nhà văn Olga Tokarczuk của Ba Lan, Ngugi Wa Thiong'o của Kenya, Ismail Kadare của Albania, Joyce Carol Oates của Mỹ và Haruki Murakami của Nhật Bản.
Giải Nobel Hòa bình, cũng là hạng mục nhiều lần gây tranh cãi, đang chứng kiến sự đặt cược vào Grera Thunberg, cô bé 16 tuổi người Thụy Điển tạo dư luận trái chiều với việc kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người đã ký hiệp định hòa bình với nước láng giềng Eritrea, và các tổ chức phi chính phủ bao gồm Phóng viên Không Biên giới và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng có thể trở thành chủ nhân mới của giải này.