Canh bạc lớn của đời người
Cơ trưởng Nguyễn Hồng Chiến trong buồng lái. |
Cơ trưởng Nguyễn Hồng Chiến gây thiện cảm ngay với tôi từ cái nhìn đầu tiên. Một khuôn mặt hiền hòa với nụ cười rộng mở cho ta thấy cảm giác viên mãn của một người đã chạm đến ước mơ. Song quãng đường anh đã vật lộn để hôm nay tên anh gắn liền với hai từ cơ trưởng quả chẳng bằng an.
Một thoáng ưu tư lướt trên khuôn mặt phúc hậu của anh Chiến khi nhớ lại đoạn trường tự học lái máy bay: Tôi dường như sinh ra là để… bay - anh Chiến kể lại cơ duyên đến với nghề phi công. Năm 22 tuổi, tôi thi đậu tiếp viên hàng không và bay cho Hãng hàng không Pacific Airlines (PA).
Sau 11 năm gắn bó với bầu trời, đã là tiếp viên trưởng lương bổng cũng khá nhưng trong tôi, khi đó, giấc mơ trở thành phi công cứ cồn cào mỗi lần vào buồng lái phục vụ phi công. 33 tuổi, đâu còn trẻ trung nữa, nhưng lạ là cứ muốn học lái máy bay. Tôi thổ lộ giấc mơ bay với bạn bè là phi công, chẳng ngờ được khích lệ. Thế là khát vọng bay thêm một lần bùng cháy.
“Thông thường, các phi công của Việt Nam khi đó được Vietnam Airlines tuyển dụng và đưa đi đào tạo tại nước ngoài. PA không có chế độ đó. Song mê bay, tôi hỏi thông tin qua các phi công người Việt và cả người nước ngoài, liên hệ với trường đào tạo phi công bên Mỹ và hỏi các điều kiện được tham dự khóa học, rồi quyết định sẽ tự chi tiền học, thỏa khát vọng trở thành phi công. Tôi đem ước mơ đó chia sẻ với lãnh đạo PA. Thật may, TGĐ Dương Cao Thái Nguyên đã đồng ý trợ giúp 50% học phí.
Mừng quá, nhưng khi thủ tục xong, nhận được visa cũng là lúc PA gặp cơn lốc khó khăn về tài chính. Giấc mơ tan thành mây khói. Gần 100.000USD học phí (70.000USD học cơ bản và khoảng 30.000USD học chuyển loại máy bay) giờ đây sẽ phải tự mình lo hết…”- giọng anh Chiến như chùng hẳn. Cú sốc này giờ như vẫn đậm nét trong anh.
Tôi vội hỏi “Thế anh làm cách nào vượt qua?”. “Mẹ tôi” - Chiến nghẹn lời - “ Mẹ đã bán căn nhà được 100 cây vàng bù học phí cho tôi. Có chức danh cơ trưởng hôm nay, công của mẹ tôi không hề nhỏ”. Tôi nhẩm tính thời điểm năm 2004, 100USD là 2 chỉ vàng. Như vậy, học phí để trở thành phi công của anh Chiến vào khoảng 200 cây vàng…, một con số “khủng”! Quả thật anh Chiến phải có khát vọng bay nóng bỏng đến thế nào mới dám dấn thân vào một “khe cửa hẹp” đến thế, khác nào ''đánh một canh bạc lớn'' trong đời.
Chông gai và đơn độc
Cơ trưởng Nguyễn Hồng Chiến và giấc mơ bay đã thành hiện thực sau bao nhọc nhằn gian khó. |
Kiếm tiền đi học đã khó, nhưng bắt đầu nhập cuộc còn gian khổ bội phần. Vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến Florida được mấy ngày thì gặp bão, nơi ở bị ướt lụt. Cả thành phố đi tránh bão. Giao thông công cộng tê liệt. Bơ vơ chẳng biết làm cách nào về nhà thì cậu bạn người Mỹ cùng học thương tình cho đi nhờ xe về ngủ một đêm. 3h sáng hôm sau, cậu bạn chở ra bến xe mua vé sang bang Maryland tá túc nhờ người bạn khác tránh bão.
Ngồi suốt 24 giờ trên xe khách chỉ có một cái bánh mì và chai nước suối cầm hơi, tủi thân lại cứ nghĩ quẩn, không biết có tiêu tan cơ nghiệp gom góp bao năm? Sau bão, ngôi trường tan hoang, nhưng quyết tâm phải thành công của Chiến trở nên càng sắt đá! Chả thế mà phi công của Vietnam Airlines học bay cơ bản trong 18 tháng, còn anh Chiến học ngày, học đêm chỉ mất 9 tháng. “Thực ra, cũng là để tiết kiệm tiền” - anh Chiến chân thành.
“Học nghề lái máy bay có vẻ rất vất vả ngay cả với các thanh niên cường tráng. Còn anh đã U.40, chắc gian khổ hơn nhiều?” - tôi hỏi. - “Cơ bản là tôi đã có 11 năm làm tiếp viên nên cũng quen với môi trường bay. Tôi nhập cuộc khá nhanh. Tuy nhiên cũng có một lần suýt chết”. “Suýt chết?” - tôi tròn mắt. - “Đó là lần bay huấn luyện từ tiểu bang Arizona qua California. Khi đang bay giữa sa mạc thì một động cơ ngừng hoạt động. Trên máy bay chỉ có hai thầy trò, trời đang lúc chiều tối.
Máy bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp, song giữa sa mạc mênh mông nếu kẹt lại thì vô cùng nguy hiểm. Máy bay huấn luyện lúc đó lại không có không lưu dẫn đường mà bay bằng mắt thường. Sự cố là rất nguy hiểm, nhưng vì đã có kinh nghiệm xử lý nên tôi không bị hoảng loạn. Tôi bình tĩnh tập trung tìm nơi hạ cánh. May mắn giữa sa mạc mà vẫn có được một sân bay tư nhân.
Cả thầy và trò cùng thở phào khi rời máy bay: Thoát nạn, vì đường bay từ tiểu bang Arizona qua California là 4 tiếng, nhưng lúc bị hỏng động cơ mới cất cánh gần 1 tiếng. Nếu trên sa mạc mà không có sân bay thì...” - cơ trưởng Chiến bỏ lung. Tôi đế trêu anh: “… thì hôm nay lấy ai mà kể cho tôi nghe câu chuyện phi công đầu tiên của VN sau hòa bình tự bỏ tiền túi đi học lái phi công” - khiến anh cười ngất.
Tôi ngỏ ý muốn xem các bức ảnh khi học cũng như lúc nhận bằng phi công tại Mỹ thì có cảm giác mắt anh chợt đỏ hoe. Anh trầm giọng: Tôi là người Việt duy nhất tự bỏ tiền đi học, một mình đơn độc. Hôm nhận bang, không có ai chụp cho tấm hình. Nhiều lúc tủi thân lắm. Các học viên khác đều đi theo nhóm của các hãng hàng không… Nghe anh kể, bất giác tôi cũng thấy mắt mình rân rấn, trong lòng trào lên cảm giác yêu thương và tự hào khi có một người Việt mình ý chí đến thế, nhẫn nại đến thế để thành công nơi đất khách quê người.
Sau 9 tháng học và 2 tháng tránh bão, anh Chiến cầm trong tay tấm bằng phi công hân hoan trở về nước. Nhưng rồi lại thêm gáo nước lạnh giội vào ngọn lửa đam mê nghề bay đang hừng hực trong anh; bởi khi đó PA không thuê phi công vì đã thuê ướt tàu bay (bao gồm cả phi công). Thất vọng, nhưng anh Chiến không nản, lại quay trở lại Mỹ học bay chuyển loại sang lái Boeing 737.
Hái quả
Trời đã không phụ người có công. Sau bao vất vả, cuối cùng vào đầu năm 2007 anh Chiến đã ngồi được vào ghế lái chiếc Boeing 737 của PA nhấc bổng “khát vọng bay” cao tít trời xanh. Sau 4 năm anh đã trở thành cơ trưởng. Đây là thời gian có thể nói là nhanh nhất với một phi công để trở thành cơ trưởng. Còn vào thời điểm này, anh Chiến đã là cơ trưởng người Việt duy nhất trong 37 cơ trưởng của Vietjet Air.Ngay cả Đoàn trưởng đoàn bay của Vietjet Air- ông Neil Besana người Mỹ, nổi tiếng đòi hỏi cao- cũng phải thừa nhận về chuyên môn cơ trưởng Nguyễn Hồng Chiến ngang ngửa với 36 cơ trưởng nước ngoài… Nghề bay với thu nhập vào hàng nhất-nhì trong các ngành nghề cũng đã giúp anh hoàn vốn bỏ ra đi học. Còn lãi là một cuộc sống đẳng cấp cao, sự trải nghiệm thú vị trên mỗi chuyến bay. Những buổi ban mai tinh khôi giữa bồng bềnh mây trắng. Những giờ bay căng thẳng đầy trách nhiệm, nhưng cực vui vì được gắn bó với niềm đam mê cất cánh mỗi ngày.
Anh kể, nghề bay đòi hỏi sự tập trung cao độ và khả năng quan sát cùng lúc rất nhiều thông số. Trên một buồng lái có tới 6 màn hình với hàng trăm thông số liên tục nhấp nháy. Chỉ cần một phút lơ là đã có thể bỏ qua sự cố chết người. “Đã bao giờ anh sao nhãng?” - tôi hỏi. - “Chưa!” - anh trả lời không chút đắn đo. - “Khi đã ngồi vào ghế lái, tôi không cho phép mình lơ là. Tính mạng của hàng trăm hành khách, tài sản lớn của hãng phụ thuộc cả vào cơ trưởng”.
“Thế đã khi nào anh gặp sự cố?”. “Cũng có. Nhưng nghiêm trọng nhất là lần máy bay mất áp suất khi bay từ TPHCM ra Đà Nẵng. Khi máy bay đạt độ cao bay bằng, bỗng đồng hồ báo mất áp suất. Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm, nếu không xử lý kịp, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn sẽ lịm đi không thở được nữa. Tôi phải lập tức hạ độ cao để cân bằng áp suất và hạ cánh xuống Đà Nẵng. Cũng đã có chuyến bay của Hy Lạp bị mất áp suất mà phi công không phát hiện xử lý kịp thời, nên cả chuyến bay đều không còn thở được vì thiếu ôxy, máy bay cứ bay tự do đến khi hết xăng thì rơi xuống núi”.
“Nghề bay rất thú vị nhất là với các bạn trẻ, anh có lời khuyên gì cho những ai muốn học tập anh, tự túc học bay?”. Anh cười thật tươi và ''bật mí'': “Tôi được biết Vietjet Air đang có kế hoạch đào tạo phi công kết hợp với các cơ sở nước ngoài và tôi hy vọng có thể được “chấm” làm thầy giáo. Hiện tại, VN phải dùng tới 40% phi công ngoại, trong khi lương của phi công nước ngoài cao hơn phi công VN tới 40%. Nếu Vietjet Air có thể đào tạo phi công thì các bạn trẻ có giấc mơ bay như tôi sẽ không phải gian truân nhiều nữa. Tôi thì sẵn sàng đem hết kiến thức, kinh nghiệm truyền dạy, bởi thầy Việt trò Việt sẽ giúp học viên dễ hiểu hơn nhiều và cũng bởi tôi không muốn phi công Việt nào nữa lặp lại hành trình gian truân như tôi”.