Gặp Trang Nhung, chúng tôi rất bất ngờ vì cứ ngỡ Nhung đang là sinh viên. Vóc dáng cân đối, tác phong nhanh nhẹn, đặc biệt khuôn mặt khả ái và đôi mắt rất sáng của Nhung khiến người đối diện không thể không chú ý. Rót nước mời chúng tôi, Nhung thổ lộ: "Năm 2005, tình cờ em đọc được thông báo tuyển nữ phi công. Để chiều lòng mẹ, em nộp hồ sơ thi vào đại học Bách Khoa Hà Nội, một mặt bí mật nộp hồ sơ thi tuyển phi công.
Niềm vui của em và gia đình như được nhân đôi khi cùng một lúc em nhận được hai kết quả vừa trúng tuyển vào khoa Công nghệ thông tin đại học Bách khoa vừa trúng tuyển phi công. Em quyết định bảo lưu kết quả đại học Bách khoa và theo học phi công".
Trần Trang Nhung, nữ cơ phó Airbus 321. |
Tuy nhiên, mẹ Nhung phản đối gay gắt, thậm chí bà đã khóc vì quá lo lắng cho cô con gái duy nhất. Cuối cùng, trước cá tính mạnh mẽ, quyết đoán của Nhung, người mẹ đành phải đồng ý cho con gái mình thực hiện ước mơ chinh phục bầu trời. Nhung kể tiếp: "18 tuổi, em bắt đầu xa gia đình, vào TP.HCM học tại Trung tâm huấn luyện bay sau đó em sang Pháp học tiếp 2 năm".
"Điều đặc biệt, trong lớp học có 20 người thì em là nữ học viên duy nhất. Em còn nhớ hồi đó khi bước vào quay ly tâm có tới 4-5 bạn trai cao to khỏe mạnh đều nôn thốc nôn tháo, có bạn gần như ngất xỉu, thế mà em qua vòng này một cách nhẹ nhàng, không chút sợ hãi khiến các bạn nam phải… trố mắt", Nhưng kể.
Trong 2 năm đó, suốt ngày cô chỉ lao vào học, luyện tập, mọi thông tin, tín hiệu, động cơ..., đều dùng duy nhất một ngôn ngữ đó là tiếng Anh. Nhung cho biết, nếu chỉ cần nghe sai một ly về tín hiệu khẩn từ mặt đất thì điều đó vô cùng nguy hiểm với tính mạng hành khách trên tàu bay. Người trực tiếp hướng dẫn cô là thầy giáo người Pháp. Vốn từng lái máy bay quân sự nên ông nghiêm khắc với học viên. Thầy dạy chúng Nhung nhiều kiến thức mà theo cô, nếu không học bay, Nhung nghĩ mình sẽ không bao giờ biết đến. Ví dụ, khi nhìn màu sắc của mây có thể đoán được độ cao và mây nào đi qua được, mây nào thì không…
Trong nghành hàng không, mỗi lần nâng cấp bậc tuỳ thuộc vào tổng giờ bay của mỗi phi công. Đặc biệt, phi công cần có cách xử lý tình huống, trong mọi trường hợp phải kiên nhẫn và bình tĩnh, phải có thần kinh thép để xử lý mọi vấn đề. Trong các vụ tai nạn về hàng không, có tới 80% các vụ là do yếu tố con người vì vậy phải cẩn trọng tuyệt đối, nhậy bén và có óc phán đoán, Nhung chia sẻ.
Hiện tại, chi phí để đào tạo một phi công rất lớn. Tuy nhiên, không phải học viên nào cũng trở thành phi công. Sau khi tốt nghiệp, năm 2009, Nhung bắt đầu chính thức bay. "Em may mắn là nữ phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay Airbus 321 với lượng khách lên tới 200 người", Nhung tự hào.
Chồng và gia đình là nguồn động viên lớn nhất
Nhung tâm sự: "24 tuổi, em xây dựng gia đình. Vì là bạn học nên vợ chồng em rất hiểu nhau và dễ dàng chia sẻ mọi vấn đề. Từ khi có cu Tí, em gần như dành hết thời gian rảnh cho con. Mỗi khi thấy mẹ về là con líu lô đòi mẹ bế. Điều đó khiến em vô cùng hạnh phúc. Em nghĩ, phụ nữ dù có tài giỏi, thành đạt đến đâu thì vẫn phải có một mái ấm gia đình, có con, có chồng để cùng nhau chia sẻ, gánh vác những vui buồn của cuộc sống", Cô nói.
"Những lúc mệt mỏi, chồng em luôn là người động viên em nhiều nhất. Có thể nói nếu không có chồng và gia đình luôn động viên, tạo điều kiện, thì em không thể hoàn thành nhiệm vụ".
Trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng Nhung lại pha trò rất dí dỏm. Nhung kể: "Tuy vất vả nhưng em yêu nghề và nghề cũng chọn em".
Bố chồng Nhung là cơ trưởng lái máy bay quân sự, chồng, em trai và em chồng của Nhung đều là phi công. Gia đình nhà chồng Nhung rất tự hào về cô con dâu tài sắc vẹn toàn.