Tác phẩm kể lại hành trình phiêu lưu khắp đất nước Thụy Điển cùng đàn ngỗng trời của Nils, một đứa trẻ lười nhát, đáng ghét bị gia thần biến thành Tí Hon. Trong cuộc chu du ấy, với những điều được trải qua, được chứng kiến, trái tim nhân hậu trong con người đứa trẻ ngỗ ngược, xấu xí đã được đánh thức, nâng niu và bồi đắp.
Đó là một cuộc hành trình đầy những điều tốt lành, với trọn vẹn những bài học về tình yêu thương chan chứa. Những bài học quan trọng nhất của ngỗng đầu đàn Akka là dạy cho người ta sống lương thiện; chuyện về Gorgo, con đại bàng non mồ côi cả bố lẫn mẹ, Akka vất vả hết sức mới nuôi nó sống được, và dù nó thuộc loài ăn thịt, là giống côn đồ giữa các loài chim, vẫn cố dạy cho nó thành “một con chim lương thiện”, và nói đi nói lại mãi điều đó như một điệp khúc.
“Akka tự cho rằng nuôi dạy một con đại bàng thành một con chim hiền lành và vô hại là một điểm danh dự”, nhưng bản tính giống loài của nó thì làm sao mà thay đổi đi được, tuy vậy suốt đời nó không bao giờ đánh một con ngỗng và “trong thế gian nó chỉ sợ có một kẻ: Akka, mẹ nuôi của nó”. Đối với Nils thì Gorgo trung hậu, biết đền ơn trả nghĩa khiến Nils phải nói: “Mình thấy ngay là cậu đã có một bà mẹ nuôi hiền đức; mẹ Akka núi Kebnekaise”.
Ngỗng Akka không chỉ là người chỉ dẫn, mà còn là người bảo bọc, che chở vô cùng tận tụy và thông minh. Akka đã “cảm hóa” được Nils bằng tấm lòng bao dung của mình. Ở trong chuyến phiêu lưu ấy, mỗi loài đều mang trong mình những cá tính riêng biệt, góp phần tạo nên một thế giới đầy màu sắc. Những hoạt động tưởng chừng như nhỏ nhất, đều được Selma lưu tâm, và vẽ lại bằng những nét vẽ chi tiết, cẩn thận và đầy thi vị.
Tác phẩm Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils. |
Những câu chuyện ngụ ngôn kể chuyện loài vật để nói chuyện con người vào thời Selma Lagerlöf viết Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils đã trở nên cũ kỹ và gây nhàm chán. Nhưng bằng sự tưởng tượng phi thường, lối viết thong dong, truyền cảm, tha thiết, tác giả đã khơi gợi nên những yêu thương sâu sắc của đời sống, thức tỉnh biết bao những trái tim cằn cỗi và buồn bã.
Một cuốn sách dài hơn 500 trang sách, một cuốn sách dạy đạo đức, nhưng là thứ đạo đức được “dạy dỗ” bằng lối văn chương giản dị và thơ mộng như cổ tích. Đọc sách của Selma, là bước vào thế giới ngập tràn tình yêu thương, và trìu mến, khiến mỗi người đọc, dù là trẻ con hay người lớn đều được khơi gợi lòng mến thương ở nơi sâu thẳm nhất tâm hồn. Đó là điều kỳ diệu nhất mà văn chương có thể mang lại cho con người.
Viết tiểu thuyết, Selma Lagerlöf có phương pháp rất độc đáo. Đó là xây dựng một cuốn truyện dài bằng nhiều truyện ngắn ghép lại rất mạch lạc, thành một khối thống nhất toàn vẹn. Nhưng mỗi truyện ngắn thường cũng tình tiết hoàn chỉnh, có thể tách ra khỏi cuốn sách mà tồn tại độc lập được; và mỗi truyện ngắn là một saga thú vị.
Truyện cổ Gösta Berlings cũng như Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils, hai cuốn truyện dài nổi tiếng nhất của Lagerlöf, đều viết theo kỹ thuật rất tài tình như vậy. Vì Selma Lagerlöf nói với bạn đọc chủ yếu là nói bằng saga.
Selma Lagerlöf - nữ nhà văn đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Ảnh: riksarkivet
. |
Nils Holgersson cuối cùng cũng trở về với cha mẹ, và thế giới con người của cậu, nhưng những người bạn đã đồng hành cũng cậu trong chuyến phiêu lưu kỳ diệu kia, là một kỷ niệm tuyệt vời nhất mà cậu sẽ không bao giờ quên được. Nó sẽ mãi ở trong cậu, nhắc cậu về những điều tha thiết nhân ái trong đời sống.
Ngay từ khi tác phẩm ra đời, Nils đã cùng các bạn mình trong truyện, sớm chinh phục được lòng yêu mến của người đọc sách khắp năm châu, đã đem đến niềm vui với bao điều suy nghĩ, bao nỗi yêu thương cho không biết bao nhiêu bạn đọc, trẻ em cùng người lớn và cụ già, ở dưới mọi bầu trời, và điều đó cũng không hề thay đổi cho đến tận ngày hôm nay.
Một cuốn sách đồ sộ và đẹp đẽ như vậy, xứng đáng được nhận sự thưởng lãm mà không cần phải dông dài phân tích nhiều lời. Cứ đắm chìm vào cuộc phiêu lưu ấy, bay thật cao, mở rộng tâm hồn mình, để đón nhận những yêu thương, những cảm động kỳ diệu luôn tồn tại giữa đời sống bình dị này.
Selma Lagerlöf là nữ văn sĩ đầu tiên đoạt giải thương Nobel văn học, năm 1909, vì những tác phẩm đã “kết hợp được sự trong sáng và giản dị của ngôn ngữ, vẻ đẹp của văn phong và trí tưởng tượng phong phú với sức mạnh đạo lý và độ sâu của các cảm xúc tín ngưỡng”. Bà cũng là một thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, từ năm 1914. Bà mất năm 1940, tại nhà riêng, ở tuổi 81.