Đúng 20h30, hàng dài nhà dân, quán xá, khách sạn... trên con đường Trường Sa (quận 3, TP.HCM) đồng loạt tắt đèn.
Trước sân nhà, người dân đặt một chiếc bàn, trang trọng chưng một lẵng hoa và những cây nến. Trong quán cà phê, tiếng nhạc tắt lịm nhường chỗ cho một không gian trầm mặc. Ngoài công viên dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc, hàng trăm ngọn nến được thắp sáng. Tiếng chuông ngân vang hòa trong tiếng cầu kinh râm ran. Tất cả hướng về những hương linh không may qua đời trong đại dịch Covid-19.
Người dân thắp nến tưởng tại khu vực bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa (quận 3). Ảnh: Nguyễn Toàn, Jacky Trần. |
Bà Quyên tỉ mỉ thắp từng cây nến trên chiếc bàn đặt ở trước sân, lặng người hồi lâu, nhìn ra con đường dần chìm vào tĩnh lặng.
“Hồi mới bùng dịch, tôi cũng nghĩ sẽ sớm qua, đâu có ngờ lại để lại hậu quả nghiêm trọng đến thế này. Đau đớn lắm, dân mình mất mát nhiều quá”, người phụ nữ 63 tuổi chia sẻ. Gia đình bà Quyên may mắn vượt qua dịch bệnh, thế nhưng đứng trước nỗi đau chung của hàng nghìn gia đình trên cả nước, có lúc bà đã không kiềm được cảm xúc.
“Hôm nay thành phố tổ chức buổi lễ tưởng niệm này, tôi cố gắng chuẩn bị thật trang trọng. Trước tôi tưởng nhớ về những người đã mất, sau tôi cầu bình an cho những người ở lại”, bà Quyên nói.
Kể từ ngày 27/4 đến 16/11, TP.HCM ghi nhận hơn 17.000 ca tử vong. Đây cũng là địa phương có số ca tử vong cao nhất, chiếm 74% trong hơn 23.500 ca tử vong do Covid-19 trên cả nước.
Tiễn mẹ một đoạn đường
Có mặt tại chùa Pháp Hoa (quận 3) từ 19h, gia đình chị Hân đã chuẩn bị một số hoa đăng để làm lễ tưởng niệm người mẹ quá cố.
Chậm rãi thả từng chiếc đèn xuống mặt nước, người phụ nữ không khỏi xúc động khi nhớ ký ức về mẹ. Đầu tháng 6, mẹ chị Hân nhập viện vì nhiễm Covid-19. Ban đầu, gia đình vẫn thường xuyên hỏi thăm được tình hình sức khỏe của bà nhưng sau khi lực lượng y tế quá tải, thông tin dần ít đi.
Chị gửi một chiếc điện thoại vào viện và nhờ một bệnh nhân nằm cạnh giường của mẹ cập nhật thông tin của bà mỗi ngày. Gần 20 ngày sau, gia đình chị Hân nhận được dòng tin nhắn: “Bà trở nặng rồi, chắc không qua khỏi”.
Người dân đọc kinh nguyện cầu cho người đã mất tại bờ kè Nhiêu Lộc. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Ngày mẹ qua đời, chị Hân chỉ kịp gửi cho bà vài bộ đồ mới, chị đứng nhìn từ đằng xa và tiễn bà đi một đoạn ngắn đến chợ Tân Định.
Đến tận hôm nay, khi tự tay thả những chiếc hoa đăng xuống dòng nước, người phụ nữ cũng không thể tin ngày tiễn mẹ về bên kia thế giới lại mặc đồ bảo hộ thay vì áo tang và qua chốt bằng giấy báo tử.
“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc ‘nhắm mắt xuôi tay’ không có người thân ở bên cạnh, không lời trăn trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ, người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời”, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xúc động nói.
Đại dịch khiến hàng nghìn người già yếu không nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ mất cha mẹ. Nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.
An lòng người ở lại
“Cái chết cô độc nhất là chết vì Covid-19”, anh Vũ chua chát nói khi đang viết những dòng thông tin của mẹ lên hoa đăng để thả xuống dòng kênh.
3 ngày sau khi nhập viện, mẹ của anh qua đời. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh khiến anh và gia đình không kịp đón nhận. Không thể làm cho mẹ một đám lễ chu đáo và trọn vẹn, anh Vũ luôn canh cánh trong lòng.
“Tôi buồn miết, vì đạo làm con không thể làm tròn chữ hiếu với mẹ. Hôm nay cả gia đình tôi đến buổi lễ này, tự tay viết những dòng tưởng niệm gửi đến mẹ, lòng tôi cũng vơi bớt nỗi day dứt”, người đàn ông nói.
Đồng cảm xúc với anh Vũ, chị Thủy cho biết bản thân cũng cảm thấy ấm lòng hơn khi chứng kiến mọi người dân cả nước cùng dành sự tưởng nhớ đến người đã mất trong đại dịch, trong đó có bố và mẹ chị.
Đau thương rồi sẽ qua
“9h45, ngày 28/8, ông cụ ra đi sau hai tuần ngắn ngủi điều trị Covid-19”, bà Đinh Thị Thu Trang nhớ như in.
Một tháng, bà Trang đau đớn giã từ 3 người thân xấu số. “Cha tôi mất khi 86 tuổi, sau đó là chị họ của tôi, 60 tuổi, còn người bác của tôi 88 tuổi”, bà bộc bạch.
Bà Trang nhớ lại hồi tháng 7, khi thành phố đưa ra quyết định thắt chặt giãn cách xã hội đầu tiên, người nhà của bà sau khi đi siêu thị mua thực phẩm trữ đông thì được phát hiện mắc Covid-19
Thời điểm đó, ông cụ đã già yếu, chân không thể đi lại. “Lẽ ra ông sẽ không thể bị nhiễm bệnh, nhưng vì con cháu sang thăm, tôi đã từ chối nhưng ông gạt đi. Ông và cả gia đình tôi bị lây nhiễm từ lần đó”, bà Trang kể.
Bà Đinh Thị Thu Trang bồi hồi kể về người cha đã khuất. Ảnh: Thư Trần. |
Nước mắt không ngừng rơi, bà Trang nói cái chết của người cha già yếu khiến bà đau lòng nhất. Nhưng nhìn xung quanh, những đứa trẻ non dại mất cả cha lẫn mẹ khi vừa chào đời khiến bà ngẫm nghĩ trong chua xót.
Nhiều ngày trôi qua, nỗi lòng người phụ nữ tự nguôi ngoai, bà chỉ mong cuộc chiến sớm dừng lại, thành phố sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Những đứa trẻ không may mất mẹ, mất cha được chăm lo chu đáo. Đau đớn nào rồi cũng chóng qua.
Mất người mẹ thứ hai
Đại lễ khép lại đã 30 phút, dòng người ngược xuôi di tản về tứ phương. Bà Giang Múi, 58 tuổi chậm rãi đặt cành hoa trắng muốt lên tấm bia kết đầy hoa cúc.
Chốc chốc, bà đưa tay quệt ngang dòng nước mắt chực tuôn dài trên má, miệng lẩm nhẩm điều gì đó. Đã 100 ngày trôi qua kể từ ngày người dì kính yêu của bà lìa đời trong đại dịch. Chưa lúc nào, bà Múi thôi quên nỗi đớn đau.
“Ngày dì ra đi, tôi không thể về thắp một nén nhang”, bà nghẹn ngào.
Cuối tháng 7, cuộc chiến Covid-19 cam go hơn bao giờ, bà và gia đình trở thành F0 trong hàng trăm nghìn ca bệnh của thành phố. Trước giờ lên xe đến bệnh viện dã chiến cách ly, bà Múi nhắn nhủ dì mình ở nhà ráng giữ sức khỏe. Nhưng đâu thể ngờ bà chỉ vừa cách ly được 3 hôm, dì của bà được phát hiện mắc Covid-19.
Dì của bà nhập viện với tiên lượng xấu và đã ra đi mãi mãi chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi mắc bệnh. Lời hứa chờ bà Múi quay về hôm ấy cũng vĩnh viễn dang dở…
Bà Múi nghẹn ngào trong buổi lễ tưởng niệm. Ảnh: Thanh Phúc. |
Trong trí nhớ của bà Múi, mẹ mất quá sớm, hình ảnh người dì tần tảo nuôi bà và anh chị em lớn khôn. Khắc cốt ghi tâm ân nghĩa đó, bà chỉ mong sau hơn nửa đời người, bà được tận hiếu phụng dưỡng người mẹ thứ hai.
Nhắm mắt lại, bà thầm thì nguyện ước rồi đây, số ca tử vong của thành phố sẽ giảm, không có kẻ tóc bạc khóc tiễn người đầu xanh, dịch sẽ chóng qua đi và nỗi đau những người ở lại như bà sẽ được xoa dịu.
Mong nỗi đau này không lặp lại thêm lần nào
Tay ôm ngọn nến bập bùng, ánh mắt bà Vân rưng rưng nhìn về sân khấu chính của Hội trường Thống nhất, nơi hàng trăm người đang dâng những nén hương, bông hoa để tưởng niệm đồng bào ra đi vì đại dịch, trong số đó có mẹ bà.
“Lúc mẹ mất, mấy chị em không khóc được một giọt vì điếng hết trơn, cũng không thể làm cho bà một đám tang. Nay thấy mẹ mình được làm một lễ đàng hoàng, tôi cảm động lắm”, bà Vân nói trong nước mắt.
Mẹ bà Trần Thị Mỹ Vân (60 tuổi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) ra đi ở tuổi 91, cái tuổi đã gần đất xa trời. Nhưng khi người mẹ luôn ở bên mình hơn 6 thập niên đột ngột ra đi, bà Vân thấy trống rỗng.
Đại dịch bùng phát, bà Vân tự nguyện tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, tham gia chống dịch. Trong danh sách tiêm vaccine cho tuyến đầu, bà không may bị sót tên nên không được tiêm sớm. Sau đó, bà không may mắc Covid-19.
Tại Hội trường Thống nhất, người dân cầm hoa trắng và nến để tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Những ngày đi cách ly điều trị, bà Vân phải nói dối mẹ là chỉ đi công tác để mẹ đỡ lo. Vừa khỏi bệnh trở về thì đến lượt mẹ và em gái mắc Covid-19.
“Mẹ mình không đi bệnh viện vì khi mình gọi bên y tế, họ khuyên nên để ở nhà vì bà lớn tuổi, đưa đi thì có thể sẽ không thấy mặt luôn. Thế nên mình mới để bà ở nhà. Bà mất trong tay mình”, bà Vân xúc động.
Mẹ mất được 2 ngày, bà Vân tiếp tục phải đi cách ly lần 2 vì tái nhiễm. Bà và em gái đều đi cách ly điều trị, tro cốt của mẹ già đành gửi ở chùa. Điều an ủi lớn nhất với bà Vân là ít ra, người mẹ đã được hỏa thiêu. Mong muốn của mẹ bấy lâu nay coi như được toại nguyện.
Thương nhớ mẹ, lần này, hành trình 2 tuần điều trị của bà Vân gian truân hơn nhiều so với lần mắc đầu tiên. Phải tới lần xét nghiệm thứ 4, bà mới âm tính và được về nhà.
“Xưa nay tôi ở với mẹ, giờ về căn nhà trống không sau mà thấy trống rỗng. Đại dịch không có viên đạn nào, mà biết bao nhiêu người ra đi”, người phụ nữ 60 tuổi rưng rưng.