- Tính đến 19/11, Việt Nam có hơn 23.500 người tử vong do Covid-19, TP.HCM có hơn 17.000 ca.
- Lễ tưởng niệm diễn ra đồng thời tại TP.HCM và Hà Nội, phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.
- TP.HCM sẽ thả đèn hoa đăng; kêu gọi tàu thuyền kéo còi; cơ sở tôn giáo đánh chuông; người dân tắt điện để tưởng niệm người tử vong vì Covid-19.
-
Tưởng niệm đồng thời ở TP.HCM và Hà Nội
20h ngày 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ qua đời trong đại dịch Covid-19. Lễ tưởng niệm diễn ra đồng thời tại TP.HCM và Hà Nội, phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Điểm cầu thành phố Hà Nội được tổ chức tại Sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng). Điểm cầu chính của TP.HCM là Hội trường Thống nhất và trực tuyến tới TP Thủ Đức cùng 21 quận, huyện từ 20h đến 20h30; từ 20h32, các địa phương bắt đầu thực hiện nghi thức tưởng niệm riêng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ qua đời trong đại dịch tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.
Tại TP.HCM, các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình tổ chức thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé lúc 20h35.
Cụ thể, quận 3 tổ chức thả đèn tại chùa Pháp Hoa (số 870 Trường Sa, phường 14, quận 3). Cùng lúc, vị trí đối diện chùa tại phường Võ Thị Sáu (quận 3) diễn ra hoạt động thả 100 đèn trên bờ kè đường Hoàng Sa. Lúc 20h32, quận 8 dự kiến thả 120 đèn hoa đăng trên kênh Tàu Hủ, chùa Long Hoa (360A Bến Bình Đông, phường 15, quận 8).
Tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại các cụm cảng sẽ kéo còi tưởng niệm; cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) đồng loạt đánh chuông tưởng niệm vào 20h30.
Cùng thời gian trên, thành phố vận động người dân tắt đèn, thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân... để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ qua đời trong đại dịch.
Kể từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 19/11, TP.HCM ghi nhận hơn 17.000 người tử vong. Đây cũng là địa phương có số ca tử vong cao nhất, chiếm 74% trong hơn 23.500 ca do Covid-19 trên cả nước.
-
Chuẩn bị hoa đăng ở chùa Pháp Hoa
Lúc 18h40, đoạn đường phía trước chùa Pháp Hoa (quận 3, TP.HCM) ùn tắc nhẹ. Đây là nơi diễn ra lễ thả hoa đăng tưởng niệm người mất vì Covid-19. Lực lượng chức năng đã có mặt để phân luồng.
Chị Dạ Thảo (quận Gò Vấp) thấy không khí tại chùa Pháp Hoa đây rất trang nghiêm. “Hôm nay tôi mặc áo dài trắng để bày tỏ sự đồng cảm và tưởng niệm với các gia đình không may có người mất vì Covid-19”, chị nói.
Ảnh: Phương Lâm.
-
TP.HCM sẵn sàng trước buổi lễ
Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), các công tác chuẩn bị cuối cùng cho lễ tưởng niệm đang được gấp rút thực hiện. Các đơn vị đang diễn tập từng công đoạn trước buổi lễ. Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Hàng trăm hoa đăng được thả ở hồ Bảy Mẫu
Tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), 6 bông hoa xếp bằng nến cốc được thắp lửa trước khi bắt đầu lễ tưởng niệm. Hàng trăm hoa đăng được thả xuống mặt hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất. Ảnh: Việt Linh.
-
-
"Hai người thân của tôi ra đi mãi mãi"
Chị Lê Bảo Ngọc (quận 8, TP.HCM) tự chuẩn bị hoa đăng mang đến dự lễ tưởng niệm người mất vì Covid-19. “Toàn bộ gia đình tôi và nhà chồng là F0. Hai người thân của tôi ra đi mãi mãi”, chị Ngọc chia sẻ.
“Cả 4 chị em chúng tôi là cán bộ Hội Phụ nữ phường Tân Hưng Thuận, quận 12. Chúng tôi không may mắc Covid-19 khi hỗ trợ lương thực thực phẩm cho bà con tại địa phương. Tôi rất hiểu nỗi đau của các gia đình, bé mất cha mất mẹ”, chị Võ Thị Xuân Lan nói.
Ảnh: Phương Lâm.
-
-
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt tại Lễ tưởng niệm
Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất TP.HCM, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM đã có mặt như ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng...
Các nguyên lãnh đạo cũng có mặt, gồm nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình; nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Lễ cầu siêu ở Chùa Một Cột
Trụ trì Chùa Một Cột Thích Tâm Kiên cho biết: “Hôm nay chúng tôi tổ chức lễ cầu siêu, thỉnh chuông, tụng kinh nhằm hồi hướng cho những người không may đã mất do dịch Covid-19, mong họ siêu thoát, về cảnh giới an lành. Tôi cũng cầu mong cho những người còn sống phong điều vũ thuận, cầu cho nhân dân hưởng an bình, cầu cho dịch bệnh sớm tiêu tan”.
Ảnh: Nhật Sinh.
-
Xúc động khi nhìn lại sự khốc liệt của dịch bệnh
Tại điểm cầu Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội Nguyễn Lan Hương liên tục lau nước mắt khi theo dõi phóng sự về đại dịch Covid-19 chiếu trên màn hình.
Ảnh: Việt Linh.
-
Hàng nghìn người đổ về đường Hoàng Sa
Hàng nghìn người dân đổ về đường Hoàng Sa, đối diện chùa Pháp Hoa (quận 3, TP.HCM). Lực lượng chức năng lập rào chắn, hạn chế phương tiện di chuyển qua đây để người dân tưởng niệm nạn nhân dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm.
-
"Nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo"
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá dịch bệnh đã lây lan cho hơn một triệu người, cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào.
“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc ‘nhắm mắt xuôi tay’ không có người thân ở bên cạnh, không lời trăng trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ, người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời”, ông Chiến xúc động nói.
Đại dịch khiến hàng nghìn người già yếu không nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ mất cha mẹ. Nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.
“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh”, ông Chiến nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông kêu gọi đồng bào đề cao ý thức phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan nhưng không hoang mang, hốt hoảng. “Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, ông nói.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Tưởng niệm người mất vì Covid-19 tại Hà Nội
Tại điểm cầu Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư thành uỷ Hà Nội, thắp hương tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19. Toàn thể đại biểu dành một phút để mặc niệm người đã qua đời vì dịch bệnh.
Ảnh: Việt Linh.
-
Dâng hương tưởng niệm tại TP.HCM
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM lần lượt thực hiện nghi thức dâng hương, hoa tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Các đại biểu dự lễ cũng lần lượt dâng hương, hoa và nến tưởng niệm đồng bào.
Cùng lúc đó, UBND quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình đồng loạt thả đèn hoa đăng tưởng niệm trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Thả hoa đăng sau lễ dâng hương
Các đại biểu làm lễ thả hoa đăng bên bờ hồ Bảy Mẫu, trong công viên Thống Nhất (Hà Nội).
Ảnh: Việt Linh.
-
Lễ tưởng niệm kết thúc
Lúc 21h, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 kết thúc tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP.HCM.
Hơn 21h, buổi lễ tưởng niệm kết thúc trong không khí xúc động. Lễ tưởng niệm không chỉ tri ân, tưởng nhớ đồng bào và chiến sĩ hy sinh, tử vong vì Covid-19, mà còn nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-