Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Con nhớ mẹ và em quá!

Dịch Covid-19 đã cướp đi mẹ và em gái của anh Vũ. Giờ đây, trong căn nhà chật hẹp, cha con anh Vũ nương tựa vào nhau, từng ngày bước qua nỗi đau.

Tuong niem nan nhan Covid-19 anh 1

Không đợi ba nhắc, đúng 10h30, Thiên Vũ xới 2 chén cơm, 1 tô canh, 1 dĩa cá rồi đặt lên bàn thờ cúng mẹ và em gái. Bị ảnh hưởng chất độc da cam (dioxin), cơ thể anh Vũ chỉ cao bằng một cậu học trò lớp 9 dù năm nay đã 45 tuổi. Anh đi đứng khó khăn, thính giác kém và nói năng không tròn tiếng.

Bước chân xiêu vẹo, người đàn ông cẩn thận đem từng món đặt lên bàn. Thắp một nén nhang, anh Vũ ngồi lặng bên hai hũ tro cốt, phía trên tường là di ảnh của mẹ và em gái treo cạnh nhau.

Chạm nhẹ vào hũ tro cốt, anh Vũ cất tiếng gọi:

Mẹ ơi, dậy đi mẹ! Maika ơi, dậy đi em! Dậy ăn cơm!

“Mẹ đi chút xíu mẹ về!”

Hành lang sâu và tối dẫn vào căn phòng của gia đình ông Phan Công Bình trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Căn phòng vỏn vẹn vài m2 là nơi trú ngụ nhiều năm nay của vợ chồng ông Bình và 2 người con.

Trung tuần tháng 8, tình hình dịch Covid-19 lây lan phức tạp, cả 4 thành viên trong gia đình ông Bình nhiễm bệnh. Vì tuổi cao, lại có bệnh nền, vợ chồng ông được đưa vào bệnh viện theo dõi và điều trị. Riêng hai người con thì được điều trị tại nhà.

Tuong niem nan nhan Covid-19 anh 2

Cả gia đình ông Bình bị mắc Covid-19, nhưng chỉ có 2 thành viên qua khỏi. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Một tuần sau khi nhập viện, nhân viên y tế đem chiếc điện thoại của người vợ trao lại cho ông Bình giữ. “Cô y tá nói là vợ tôi đã khỏe rồi, nhưng chưa đi lại được, nhờ tôi giữ giùm điện thoại. Lúc đó, tôi có linh cảm không tốt. Đến khi khỏi bệnh, về tới nhà, tôi mới biết hôm đó là ngày cuối cùng của vợ tôi”, ông Bình nghẹn ngào kể lại.

Lần nào mẹ cũng đi chút xíu rồi về, sao lần này không về mẹ ơi

Thiên Vũ

Ngày 27/8, trước khi qua đời, trong cơn mê man bà Lan đã cố gắng gọi cho chồng, để được nghe tiếng nhau lần cuối. Chuyện này được người em vợ của ông Bình kể lại, hôm đó bà nhận được hàng chục cuộc gọi của chị gái, với nguyện vọng có thể nói chuyện với chồng.

Bốn ngày sau khi người vợ qua đời, con gái ông Bình cũng không qua khỏi. Họ đều ra đi trong đơn độc, không thể gặp mặt người thân lần cuối.

Ngày trở về, căn phòng nhỏ chỉ còn hai người đàn ông, họ đã vượt qua bệnh tật nhưng nỗi buồn của chuỗi ngày phía trước như mối mọt gặm nhấm tâm trí từng ngày.

Tuong niem nan nhan Covid-19 anh 3

Sau khi đón tro cốt của mẹ và em gái trở về, đêm nào anh Vũ cũng khóc vì nhớ nhung. Ông Bình cũng không kiềm được cảm xúc, ông day dứt vì không thể gặp vợ và con gái lần cuối. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Trước đây, mỗi tháng ông Bình thường chở vợ đi khám bệnh một lần. Trước khi rời khỏi nhà, bà thường dặn dò các con: “Mẹ đi chút xíu rồi mẹ về, Vũ ở nhà chơi với em!”.

“Lần nào mẹ cũng đi chút xíu rồi về, sao lần này không về mẹ ơi”, anh Vũ bật khóc. Ông Bình quay mặt đi, lau vội giọt nước trên mắt.

Dìu nhau qua nỗi đau

Ông Bình vốn là một võ sư, nhiều năm trước khi gia đình gặp khó khăn, ông chuyển sang làm công việc chở than. Năm 2018, sau lần đột quỵ, sức khỏe ông không còn như trước. Trải qua nhiều tháng vật lý trị liệu, ông mới có thể đi đứng bình thường.

“Sau lần đó cuộc đời tôi thua trắng. Gia đình tôi kiệt quệ”, ông Bình nói. Kể từ đó, cả nhà sống lay lắt, chủ yếu nhờ vào tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương và bà con hàng xóm.

Tuong niem nan nhan Covid-19 anh 4

Sau lần bị đột quỵ, sức khỏe của ông Bình yếu đi nhiều. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Bà Trần Thị Ngọc Dung, sống trong hẻm 27 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), cho biết: “Từ sau khi vợ với con gái qua đời, hai cha con sống hiu quạnh, bà con lối xóm ai cũng thương. Nhà tôi dù khó khăn, cũng thường xuyên giúp đỡ họ”.

Vũ nó nhất quyết không cho gửi tro cốt vào chùa.

Ông Phan Công Bình

Di chứng từ Covid-19 khiến ông Bình thường xuyên đau xương khớp, dần chuyển sang thoát vị đĩa đệm. Hiện tại ông phải thường xuyên uống thuốc để giảm đau, việc di chuyển, hoạt động thường ngày rất khó khăn.

Dẫu vậy, người cha 70 tuổi vẫn cố gắng chăm lo cho đứa con trai 45 tuổi bệnh tật. Nhiều đêm ông suy nghĩ: “Ở tuổi này sống chết mong manh, lỡ một ngày nào đó tôi phải đi, ai sẽ chăm sóc thằng Vũ?”.

Nhận thấy sức khỏe của ba ngày một yếu đi, gần đây anh Vũ đã biết phụ nấu cơm, rửa chén, phơi đồ. Anh cũng không đi đâu xa để luôn ở bên cạnh ba, bầu bạn. Có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, hai cha con làm quen với cuộc sống không có bàn tay của người phụ nữ quán xuyến.

Tuong niem nan nhan Covid-19 anh 5

Ông Bình quán xuyến việc nội trợ, chăm lo cho con trai chậm phát triển. Ảnh: Nguyễn Toàn.

“Chừng 15 ngày nữa là đến 100 ngày bà nhà tôi. Nhưng mà Vũ nó nhất quyết không cho gửi tro cốt vào chùa. Nó muốn mẹ và em gái lúc nào cũng ở cạnh hai cha con”, ông Bình kể.

Thương con nhiều đêm thức trắng vì nhớ mẹ, nhớ em, ông Bình bèn thay con viết một dòng chữ, rồi cẩn thận dán vào nơi trang trọng phía trên bàn thờ. Dòng chữ được viết nắn nót:

Con nhớ mẹ và em quá! Mẹ ơi!

Tuong niem nan nhan Covid-19 anh 6

Ngày không còn mẹ

Covid-19 đã khiến mẹ rời xa Hiển khi cậu chuẩn bị vào đại học. Đại dịch cũng cướp đi ngoại và mẹ của Sa khi em bước vào lớp một.

Ngày sinh nhật tuổi 25, chàng trai đón tro cốt của mẹ

Không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có bánh kem và lời hát chúc mừng, Mạnh Giàu đón tuổi 25 bên hũ tro cốt của người mẹ vừa qua đời vì Covid-19.

Thang 10 hy vong cua nguoi TP.HCM hinh anh

Tháng 10 hy vọng của người TP.HCM

0

Hàng rào chắn được tháo dỡ, đường phố trở nên đông đúc hơn, quán xá được mở cửa... sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, thành phố từng bước trở lại nhịp sống trước đây.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm