UBND Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh và tử vong do dịch Covid-19. Chương trình được tổ chức lúc 20h ngày 19/11 và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Tại đây, một số hình ảnh, phóng sự về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ được trình chiếu, sau đó là phát biểu của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đến 20h30, nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong diễn ra.
Chương trình thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, thành phố Hà Nội trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân, tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19.
Điểm cầu thành phố Hà Nội được tổ chức tại Sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng). Thành phần tham dự lễ tưởng niệm dự kiến khoảng 300 đại biểu, gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...
Một chiến sĩ quân đội tại TP.HCM làm nhiệm vụ vận chuyển tro cốt nạn nhân dịch Covid-19 hồi tháng 8. Ảnh: Chí Hùng. |
Về công tác phòng, chống dịch, đại biểu đến dự phải đảm bảo đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, đủ 14 ngày; có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Sở Y tế Hà Nội bố trí xét nghiệm miễn phí cho đại biểu từ 13h30 đến 17h30 ngày 18/11, tại Phòng khám Đa khoa, số 21 Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm).
Đến ngày 18/11, cả nước đã ghi nhận hơn 23.000 trường hợp tử vong vì Covid-19. Trong đó, TP.HCM là địa phương có số ca tử vong lớn nhất với hơn 17.000 người, Bình Dương là hơn 2.500 người.
Tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 8/11, GS.TS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho rằng người dân cả nước nên dành cho họ một ngày để tưởng nhớ nạn nhân của đại dịch. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân.
"Hầu hết người đã mất trong đại dịch ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và vì dịch bệnh nên không được mai táng chu toàn. Dành cho họ ngày quốc tang là rất nhân văn, rất nhân nghĩa, nhân ái đúng với đạo nghĩa của con người Việt Nam", ông Trí nói.