Đến sáng 16/11, Hà Nội đang dẫn đầu các địa phương về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 với mũi 1 là 99% và mũi 2 là hơn 80%. Đây là thành quả đạt được sau nỗ lực tranh thủ giãn cách xã hội để đẩy nhanh phủ vaccine cho người dân.
"Từng bước, thận trọng" là cách làm của Hà Nội khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng TP vẫn còn lo ngại, chưa thực sự tự tin trong các chính sách mở cửa hướng đến hậu đại dịch.
"Thủ đô cần mạnh dạn hơn nữa, tích cực hơn nữa trong các biện pháp phục hồi, lấy lại cân bằng cho cuộc sống người dân, nhất là khi TP đang nắm trong tay nhiều lợi thế", TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, nói.
Những lợi thế của Hà Nội để bình thường mới
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh cho rằng để đánh giá được khả năng ứng phó thì năng lực y tế là yếu tố quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Và Hà Nội đang có trong tay đội ngũ y, bác sĩ từ Trung ương, TP đến cơ sở rồi hệ thống y tế tư nhân rất chất lượng.
"Y, bác sĩ chuyên môn giỏi đều tập trung ở Hà Nội, vô cùng dày dặn kinh nghiệm điều trị qua 4 đợt dịch. Thậm chí khi Hà Nội không có dịch, họ còn đi khắp cả nước để hỗ trợ. Như vậy đủ hiểu chúng ta đang có một đội quân y tế tinh nhuệ thế nào", vị chuyên gia đánh giá.
Tổ phản ứng nhanh Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai (Hà Nội) trên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Hải Nam. |
Theo bà Thu Anh, với hệ thống y tế mạnh Hà Nội có 2 lợi thế. Thứ nhất là việc phân tầng điều trị đã rất rõ ràng, từng nhiệm vụ, vai trò được phân công cụ thể. Cơ quan y tế từ tuyến cơ sở sẽ nắm phác đồ cho từng tình trạng của bệnh nhân. Gánh nặng điều trị được san sẻ, bệnh viện tuyến đầu sẽ chỉ tập trung điều trị cho bệnh nhân nặng.
Thứ hai, với việc tỷ lệ vaccine bao phủ cao như hiện nay, sự vào cuộc của cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt là trạm y tế lưu động sẽ được huy động hiệu quả hơn. Khả năng điều trị được trực tiếp và kịp thời hơn, nhất là các ổ dịch mới, bùng phát mạnh.
"Hà Nội mở cửa từ từ vì lo lắng dịch bùng phát. Nhưng với năng lực y tế như hiện nay, TP hoàn toàn có khả năng đối phó được. Tỷ lệ mắc tăng nhưng số ca nhập viện, thở máy thấp là dấu hiệu đáng mừng. Cần xem xét trên cả khía cạnh này chứ đừng nhìn vào 100-200 ca mỗi ngày mà sợ hãi", bác sĩ Thu Anh nói.
"Không nên lãng phí khả năng của vaccine"
Một yếu tố nữa được bà Nguyễn Thu Anh đề cập là tỷ lệ người dân tiêm vaccine 2 mũi của Hà Nội rất cao, đây là nỗ lực, thành quả rất lớn của TP.
Chuyên gia này khẳng định với tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực y tế như hiện nay, Hà Nội có thể hoàn toàn tự tin quay về trạng thái bình thường mới. "Tiêm được đầy đủ rồi mà Hà Nội chưa đẩy mạnh các hoạt động mở cửa, khôi phục thì là sự lãng phí khả năng của vaccine", bà Thu Anh nói.
Đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh các hoạt động mở cửa, khôi phục kinh tế giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống, thu nhập, sẵn sàng cho cuộc chiến chống dịch dài hơi. Bởi nếu chờ đợi lâu hơn nữa, khi tác dụng của vaccine giảm đi mà mũi 3 vẫn chưa có đủ, thì việc phục hồi kinh tế còn khó khăn hơn nữa.
Về nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo, bà Thu Anh cho rằng TP cần sớm tính đến việc điều trị F0 nhẹ, cách ly F1 đủ điều kiện tại nhà để giảm tải cho hệ thống y tế và huy động được hiệu quả năng lực của cơ sở y tế xã, phường và trạm y tế lưu động.
Người dân ở Hà Nội tham gia tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong đợt giãn cách hồi tháng 8. Ảnh: Việt Linh. |
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết Chính phủ và Bộ Y tế thời gian qua đều đã khuyến khích các địa phương cho phép người dân cách ly tại nhà. “Đây là một trong những giải pháp phù hợp khi chúng ta đã quyết định sống chung an toàn với SARS-CoV-2”, ông Hùng khẳng định và cho rằng đa số gia đình tại Việt Nam đủ điều kiện để tự cách ly như phòng riêng, có người chăm sóc.
Theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, TP nên tạo điều kiện để người dân tự lựa chọn hình thức cách ly phù hợp. Đây cũng là lúc chúng ta cần phát huy vai trò của cả hệ thống y tế, thực hiện tập duyệt, tránh để xảy ra quá tải như TP.HCM thời gian qua.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng Hà Nội cần đẩy nhanh lộ trình cho học sinh đi học trở lại. Với việc vaccine chưa được khuyến nghị cho học sinh dưới 12 tuổi, việc chờ đợi để học sinh được tiêm vaccine không còn quá nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, học sinh độ tuổi này là nhóm tương đối an toàn nếu nhiễm bệnh vì tỷ lệ chuyển nặng rất thấp.
Tính đến tối 15/11, tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 6.331 ca. Trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.318 ca. UBND TP đã cho phép hầu hết hoạt động kinh doanh, dịch vụ trở lại, tuy nhiên kèm theo điều kiện về giãn cách, khai báo y tế và cơ sở ăn, uống phải đóng cửa trước 21h.
Một số dịch vụ, hoạt động vẫn phải tạm dừng là bar, karaoke, massage, vũ trường và học tập trực tiếp tại trường của học sinh.