Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel từ lâu đã mắc nợ Tổng thống Trump, người đã nhiều lần trao tặng những món quà ngoại giao vào những thời điểm quan trọng khi ông Netanyahu phải chiến đấu vì sinh mạng chính trị của mình.
Lãnh đạo các quốc gia Vùng Vịnh cũng biết ơn ông Trump, người đã ủng hộ chính phủ của họ, trấn áp kẻ thù không đội trời chung là Iran và bảo vệ họ trước những chỉ trích dữ dội ở chính trường Washington.
Giống ông Netanyahu, họ trông chờ ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11. Và tại Nhà Trắng hôm 15/9, ông Netanyahu và một nhóm quan chức các nước Arab ở Vùng Vịnh đã đáp lại những ưu ái này. Họ đã thực hiện phần việc của mình để trả ơn và hỗ trợ ông Trump thông qua lễ ký kết hòa ước giữa Israel với hai quốc gia Vùng Vịnh - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain - mà ông Trump đã ca ngợi là "đột phá lịch sử".
(Từ trái qua) Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed tham dự lễ ký kết Hòa ước Abraham, để bình thường hóa quan hệ giữa Israel và hai nước Vùng Vịnh, tại Nhà Trắng hôm 15/9. Ảnh: Reuters. |
Nước cờ trước bầu cử
Về bản chất, các thỏa thuận không tạo ra "hòa bình" mà ông Trump tuyên bố. Chúng không chấm dứt tình trạng xung đột thực tế, nhưng giúp thiết lập quan hệ bình thường - bao gồm việc đi lại và tiếp xúc ngoại giao - giữa quốc gia Do Thái và các nước Arab vốn chưa từng gây chiến với nhau. Thực tế, trong nhiều năm qua, các nước này đã trở thành đồng minh của nhau, đặc biệt là trong việc liên kết chống lại Iran.
Tuy nhiên, như tuyên bố trong các quảng cáo mới về chiến dịch tranh cử của ông Trump, chúng tạo nên trọng tâm thông điệp của tổng thống về chính sách đối ngoại khi chiến dịch năm 2020 sắp đi đến hồi kết: rằng bất chấp những phát ngôn cứng rắn và sự khó đoán của ông, ông vẫn đang mang lại sự hòa hảo mới cho khu vực Trung Đông hỗn loạn.
Tòa thị chính Tev Aviv, Israel, được chiếu sáng với hình ảnh quốc kỳ UAE sau khi hai nước công bố thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ hôm 13/8. Ảnh: AP. |
Gần như không có nghi ngờ gì về việc ông Netanyahu và các lãnh đạo của UAE và Bahrain - chắc hẳn đã nhận được cái gật đầu của nước láng giềng hùng mạnh, Saudi Arabia - có động cơ giúp ông Trump thể hiện mình là một nhà ngoại giao hiệu quả.
Quảng cáo trên Facebook của ban vận động tranh cử nói ông Trump đã "đạt được hòa bình ở Trung Đông", lưu ý rằng ông đã được đề cử giải Nobel Hòa bình (dù viết sai chính tả thành "Noble").
"Không thể xem nhẹ việc chuyện này diễn ra 48 ngày trước cuộc bầu cử của chúng ta", Halie Soifer, giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Do Thái Mỹ, cho biết. "Trong ba cuộc bầu cử ở Israel trước đây, ông Donald Trump đã ủng hộ Thủ tướng Netanyahu nhiệt tình. Và bây giờ, ông Netanyahu đến Washington giữa lúc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị của chính ông ấy tại quê nhà".
Bà Soifer lưu ý rằng cái gọi là "hòa bình ở Trung Đông" nói trên chỉ là chiêu trò. Ban vận động tranh cử của ông Trump đã sử dụng thuật ngữ thường được dùng để mô tả thỏa thuận quy mô lớn được mong đợi giữa Israel và Palestine - nỗ lực ngoại giao của ông Trump nay đã hoàn toàn bị đình trệ - cho các tuyên bố ngoại giao khiêm tốn hơn nhiều.
"Người ta phải hiểu rằng điều này được thúc đẩy bởi chương trình chính trị của ông Donald Trump, và những lợi ích trong việc ghi điểm trước cuộc bầu cử", bà Soifer nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thái tử Salman bin Hamad bin Isa al-Khalifa của Bahrain trong cuộc gặp hồi tháng 8. Ảnh: AFP/Getty. |
Yoel Guzansky, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv và là cựu trưởng ban Vùng Vịnh của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, cho rằng điều tương tự cũng đang xảy ra ở các nước Vùng Vịnh.
"Những quốc gia đó thực sự muốn ông Trump tiếp tục nắm quyền. Họ lo lắng về việc ông Biden đắc cử", ông nói. "Họ sợ rằng ông ấy có thể mềm mỏng với Iran và cứng rắn hơn với họ, về nhân quyền, và những thứ tương tự, và chấm dứt ngay cả việc bán vũ khí mà ông Trump rất tự hào".
Các quan chức chính quyền Trump bác bỏ những nhận định như vậy, nói họ đang bị những người chỉ trích tổng thống từ chối ghi nhận công lao trong nỗ lực ngoại giao nhằm chính thức kết nối Israel với các lãnh đạo ở Vùng Vịnh, những người vẫn không chắc liệu thế giới Arab có sẵn sàng chấp nhận Israel là đối tác hay không.
Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của ông Trump, và Robert C. O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, lên máy bay khởi hành từ Tev Aviv, Israel, đến Abu Dhabi, UAE, hôm 31/8. Ảnh: Reuters. |
"Không có nhiều cuộc đối thoại giữa Israel và Bahrain, hay Israel và UAE, ở tất cả cấp độ khác nhau trước khi điều này xảy ra. Chúng tôi đã xây dựng lòng tin với cả hai bên", Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của ông Trump, người phụ trách về ngoại giao Trung Đông trong chính quyền Mỹ, cho biết vào tuần trước.
Về sự kiện ngày 15/9, ông Kushner bình luận: "Rất hiếm khi bạn có được một thỏa thuận hòa bình. Càng hiếm hơn khi bạn có hai thỏa thuận hòa bình trong một ngày".
Lối thoát cho ông Netanyahu
Và các đối tác Trung Đông của ông Trump có lý do để ký kết các thỏa thuận ngay lúc này ngoài việc cho nước chủ nhà cơ hội tổ chức buổi lễ trên Bãi cỏ Nam Nhà Trắng với khoảng 200 quan khách.
Saudi Arabia và UAE đang đối mặt với cuộc khủng hoảng uy tín ở Washington vì can thiệp quân sự trong nội chiến ở Yemen, thảm họa nhân đạo đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu. Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, hy vọng sẽ vượt qua tình thế gần như bị quốc tế xa lánh sau nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại vào tháng 10/2018; ông được cho là sẽ thể hiện ủng hộ các hiệp định mới với tư cách cá nhân.
Đối với ông Netanyahu, chuyến đi Washington được coi là một cuộc chạy trốn ngắn ngủi, hoặc đánh lạc hướng dư luận, khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước liên quan đến việc ứng phó với đại dịch của ông. Chuyện này, cũng như việc ông đang chờ xét xử về tội hối lộ và gian lận, có thể đe dọa sự nắm quyền của vị thủ tướng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters. |
Trong nhiều tháng, các nhà phân tích cũng đã dự đoán rằng ông Netanyahu sẽ xuất hiện bên cạnh ông Trump trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử tại Mỹ. Đây được xem là cách để ông Netanyahu trả ơn cho ông Trump sau nhiều năm nhận được sự ủng hộ về chính trị, cũng như đảm bảo rằng nhiệm kỳ tổng thống và các chính sách của ông Trump vẫn được tiếp tục.
Xét cho cùng, ông Trump đã đối xử rất tốt với ông Netanyahu trong thời kỳ nhà lãnh đạo Israel đấu tranh cho sinh mạng chính trị của mình. Chẳng hạn, chỉ hai tuần trước khi ông Netanyahu phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bầu cử gian nan hồi đầu năm ngoái, ông Trump đã công nhận quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, nơi từ lâu đã vướng vào tranh chấp.
Khi ông Netanyahu phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu phổ thông khác vào đầu năm nay, cùng bản cáo trạng với các tội danh mới, ông Trump đã tổ chức tiếp đón ông tại Nhà Trắng để công bố kế hoạch hòa bình cho Israel và Palestine, trong đó ủng hộ mạnh mẽ các lợi ích của Israel.
Một lần nữa khi phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng trong nước, ông Netanyahu sẽ tham dự một sự kiện sôi động tại Nhà Trắng. Ông rời sân bay vào đêm 13/9 ngay sau khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc ba tuần, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 18/9, ngay trước năm mới và khoảng thời gian được gọi là "Những Ngày Thánh Cao cả" của người Do Thái.
Các cuộc biểu tình phản đối ông Netanyahu đã làm tắc nghẽn đường phố bên ngoài dinh thự của ông ở Jerusalem vào mỗi cuối tuần trong nhiều tháng. Và hôm 13/9, người biểu tình chống tham nhũng đã tràn ra đường cao tốc bên ngoài sân bay quốc tế Ben-Gurion khi ông khởi hành chuyến công du kéo dài 2 ngày, trong đó một số người cầm biển nói ông hãy đi luôn đừng trở về.
Người biểu tình mang cờ Palestine giẫm lên hình ảnh Thái tử Mohammed bin Zayed, lãnh đạo thực tế của UAE, tại khu thành cổ Jerusalem. Ảnh: Reuters. |
Tính toán của UAE
Giống ông Netanyahu, UAE cũng biết ơn ông Trump. Tương tự nhà lãnh đạo Israel, Mohammed bin Zayed, thái tử của Abu Dhabi và là người cai trị trên thực tế của UAE, đánh giá cao quan điểm cứng rắn của tổng thống Mỹ đối với Iran, việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ủng hộ đồng minh thân cận của UAE, Saudi Arabia.
"Tôi nghĩ rằng tính toán của UAE là rất nhiều, đây là sự ưu ái mà chúng tôi dành cho chính quyền Trump", Robert Malley, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, người giám sát các vấn đề Trung Đông tại Nhà Trắng của ông Obama, bình luận. Ông Malley cho biết tâm lý của UAE đối với chính quyền Trump đã đến mức "Chúng ta nợ họ".
Ông nói thêm rằng UAE, cũng như Israel, rất lo lắng về việc nếu được bầu làm tổng thống, ông Joe Biden rất có thể sẽ có các chính sách ít phù hợp với chính sách của họ hơn. Ông Biden dự kiến tái tiếp xúc ngoại giao với Iran, và đảng Dân chủ của ông rất để ý đến những chỉ trích có ảnh hưởng đối với cả Israel và các nền quân chủ Arab ở Vùng Vịnh.
Jared Kushner (giữa) gặp các quan chức Israel và UAE tại Abu Dhabi hồi tháng 8. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu với các phóng viên hôm thứ 14/9, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng các thỏa thuận sẽ được ký trong ngày 15/9 sẽ không được công bố cho đến sau sự kiện và ám chỉ rằng đại diện của "các quốc gia Arab khác" không được nêu tên có thể tham dự.
Quan chức này nói rằng chính quyền Trump đang xem xét bán máy bay chiến đấu F-35 cho UAE, động thái mà nhiều người nghi ngờ là điều kiện để vương quốc này đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ phủ nhận sự đổi chác như vậy và nói thêm rằng bất kỳ hành động nào mà chính quyền thực hiện, điều đó sẽ đảm bảo rằng "lợi thế quân sự định tính" của Israel, như được định nghĩa trong luật pháp Mỹ, sẽ được bảo vệ.
Đối với Palestine, nhiều người sẽ xem sự kiện hôm 15/9 với thái độ không đơn thuần là bất bình. UAE đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel mà không hỏi ý kiến người Palestine, những người từ lâu đã ép các nước Arab từ chối thiết lập quan hệ bình thường với Israel cho đến khi các yêu sách chính trị và lãnh thổ cốt lõi của họ được đáp ứng.