Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất cả nước, Đà Lạt không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên lãng mạn, nên thơ mà còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực phong phú.
Ngoài những đặc sản được nhiều người biết đến như bánh ướt lòng gà, lẩu gà lá é, bánh căn, bánh tráng nướng, kem bơ, bánh mì xíu mại…, ở Đà Lạt còn có một món ăn lạ miệng, độc đáo từ khâu chế biến đến cách thưởng thức. Đó là gà đập niêu.
Món ăn có tên đầy đủ là “gà nổ muối hột trong nồi đất” nhưng thường được gọi ngắn gọn là "gà đập niêu" hay "gà đập lu", vừa nghe vui tai, vừa gây tò mò cho thực khách. |
Sở dĩ món này có tên gọi như vậy vì gà được làm chín bằng cách nướng trong niêu đất và thực khách muốn ăn phải dùng chày đập niêu. Ngoài ra, cách gọi này cũng giúp phân biệt gà đập niêu với các món gà nướng thông thường khác như gà nướng lu.
Gà đập niêu thực chất là món gà nướng nhưng hút khách bởi hương vị lạ miệng và cách thưởng thức “có một không hai”.
Để món ăn được ngon nhất, người ta phải chọn loại gà tre thả vườn, cân nặng khá nhỏ, khoảng 1,2-1,5 kg. Loại gà này khi nướng sẽ có thịt săn chắc, ngọt thơm, đảm bảo thời gian làm chín vừa phải và cũng thuận tiện xếp vào trong niêu đất.
Gà được làm sạch, giữ nguyên con và tẩm ướp với một số nguyên liệu mang đặc trưng hương vị núi rừng Tây Bắc như mắc khén và hạt dổi. Mắc khén không cay như ớt nhưng tạo vị tê nhẹ nơi đầu lưỡi. Còn hạt dổi được mệnh danh "vàng đen Tây Bắc" giúp món ăn dậy mùi thơm khi kết hợp với mắc khén.
Niêu đất cũng được chọn mua từ một lò gốm ở Phan Rang với thiết kế đặc biệt để khi đập, niêu không bị vỡ vụn và tránh ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. |
Sau đó, chờ cho gà ngấm đều các gia vị rồi đem hấp sơ, nướng qua than lửa hồng rồi xếp gọn vào niêu đất.
Đầu bếp sẽ đặt một viên đá núi lửa (đã được làm nóng sẵn) ở dưới đáy niêu đất rồi cho gà lên trên, phủ chút sả xung quanh. Quá trình “xông hơi” trong niêu sẽ giúp gà chín từ từ và có mùi thơm hấp dẫn.
Tổng thời gian chế biến món gà đập niêu cho đến khi bày biện “lên mâm” là khoảng 50-60 phút. Bởi vậy, nếu muốn thưởng thức món ăn này, du khách ghé thăm Đà Lạt nên liên hệ và đặt bàn trước để được phục vụ chu đáo nhất.
Nhân viên sẽ mang nguyên chiếc niêu đất đựng gà nướng tới tận bàn cho thực khách và thực hiện màn biểu diễn dùng chày đập niêu. Họ sẽ dùng một sợi xích quấn quanh miệng niêu rồi nhấc niêu lên, cứ xoay đều tay đến đâu thì tay còn lại dùng chày hoặc búa gõ nhẹ theo đến đó.
Thao tác này phải thực hiện với lực vừa phải sao cho niêu đất vỡ làm đôi theo chiều ngang, để lộ phần gà nóng hổi, bốc khói nghi ngút bên trong. Không được để niêu vỡ vụn, bắn tung tóe vào thức ăn.
Công đoạn cuối cùng là rưới bia tươi lên phần gà nướng còn nóng hổi. Bia giúp thịt gà mềm hơn và có mùi thơm đặc trưng, mang lại cảm giác khác biệt so với các món gà nướng khác.
Gà nướng có lớp da vàng giòn, dậy mùi thơm hấp dẫn. |
Thực khách cũng có thể tự đập niêu đất nếu thích trải nghiệm. Tuy nhiên, kiểu ăn gà nướng này cũng mang tính chất "hên xui". Có lúc thực khách đập được phần đáy niêu tròn như chiếc đĩa nhưng đôi khi, chiếc niêu đất bị bể toang làm mất thẩm mỹ.
Chị Nữ cho biết, món gà đập niêu ngon khi thịt gà chín tới, da giòn, màu vàng tươi và dậy mùi thơm hòa lẫn từ nhiều thứ gia vị. Ngoài ra, thịt gà cũng có độ dai, mềm vừa phải, không quá khô.
Thực khách có thể thưởng thức gà đập niêu với các loại đồ chấm kèm như mắc khén, muối tiêu chanh, muối ớt xanh hay tương ớt, tùy khẩu vị và sở thích.
Theo chị Nữ, món gà đập niêu được thực khách thưởng thức đông nhất vào buổi trưa và tối, từ 18-20 giờ. Mỗi suất có giá 299.000 đồng, đủ cho 3-4 người ăn.