Tết ở mỗi vùng miền mang một màu sắc riêng. Nếu miền Bắc đón xuân với hoa đào, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành thì người miền Nam chào đón năm mới với hương thơm của bánh tét, thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt...
Bánh tét
Nếu ngày Tết miền Bắc có bánh chưng trên mâm cỗ thì ở miền Nam không thể thiếu bánh tét. Thông thường, người dân thường gói bánh trước Tết cả tuần để chuẩn bị cho mâm cơm cuối năm. Bánh có hình trụ, chắc chắn với các nguyên liệu quen thuộc như thịt heo, đậu xanh, đậu đen, gạo nếp... và được gói lại bởi lá chuối hoặc lá dong.
Bánh tét có nhiều loại khác nhau như bánh tét nhân chay hoặc nhân mặn, bánh tét lá dứa, bánh tét lá cẩm, bánh tét gấc... Sau khi luộc chín, người ta đem bánh cắt ra từng lát để thưởng thức cùng củ kiệu hoặc dưa món để tăng thêm hương vị .
Mang ý nghĩa hội tụ đất - trời, bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Nam. Ảnh: Mp.trangpham. |
Canh khổ qua
Đúng như tên gọi, người miền Nam cho rằng khi ăn món canh khổ qua thì mọi nỗi khổ trong năm cũ đều sẽ qua, những điều may mắn hạnh phúc sẽ tới. Vị ngọt đậm đà của nước súp kết hợp với vị đắng đặc trưng của khổ qua tạo cho món ăn có hương vị đặc biệt.
Món canh này được chế biến từ những trái khổ qua được làm sạch ruột sau đó nhồi hỗn hợp thịt băm, nấm, mộc nhĩ, miến và nêm nếm gia vị rồi đem nấu chín. Canh khổ qua nhồi thịt là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm chiều 30 Tết của người miền Nam.
Món ăn này có công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là trong dịp Tết. Ảnh: Polishedkitchen, hungryhuy. |
Thịt kho hột vịt
Nhắc đến món ăn ngày Tết cổ truyền miền Nam, phải kể đến món thịt kho trứng hay thịt kho hột vịt (theo cách gọi của người miền Nam). Miếng thịt thái vuông tượng trưng cho đất, trứng tròn tượng trưng cho trời. Món thịt kho trứng tượng trưng cho vạn sự vuông tròn hài hòa.
Để có món thịt kho ngon, bạn nên kho thịt ba chỉ cùng trứng vịt luộc cho đến khi nước dùng sánh lại và các nguyên liệu trên đều chuyển sang màu vàng nâu. Người ta thường thưởng thức thịt kho cùng cơm trắng với dưa món để tăng thêm hương vị.
Thịt ba chỉ thấm đẫm vị béo ngọt của nước dừa cùng với vị bùi bùi của trứng đảm bảo sẽ "hao cơm". Ảnh: Yensplate/, quynhu.joyn. |
Củ kiệu tôm khô
Đây là món ăn kèm không thể thiếu trong các bữa ăn cùa người miền Nam vào dịp Tết. Củ kiệu ngâm tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa phú quý trong năm mới. Củ kiệu ngon đúng điệu là khi được ăn kèm với bánh tét, thêm chút dưa món sần sật.
Củ kiệu trước khi đem đi ngâm trong hỗn hợp nước muối, nước mắm, đường thì được làm sạch, phơi khô. Củ kiệu muối có vai trò như món khai vị. Bởi vị chua của nó giúp cho các món ăn chính đỡ ngán hơn.
Vị chua của củ kiệu muối giúp hệ tiêu hóa tránh quá tải trong những ngày Tết. Ảnh: Chef_thuy_pham, ntvvirus. |