Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

G20 Indonesia

Mini Magazine

Mọi vấn đề trọng tâm đều được thảo luận ở Hội nghị cấp cao ASEAN

Chuyên gia nhận định Campuchia, trong vai trò người điều phối và chủ tịch luân phiên, đảm bảo rằng mọi vấn đề trọng tâm của khối đều được đưa ra bàn luận.

Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần 40, 41 diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, cùng hội nghị ASEAN với các đối tác là sự kiện quan trọng, đánh dấu việc nối lại đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid -19.

Chia sẻ với Zing về tầm quan trọng của sự kiện này, ông Sun Kim, giảng viên khoa Khoa học Xã hội và Quan hệ Quốc tế, Đại học Pannasastra Campuchia (PUC), nhận định đây là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đồng thời, với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hội nghị cũng “đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong khu vực” và cho thấy cam kết của Washington với các đối tác thân cận.

Trước sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chuyến thăm chính thức Campuchia trong ngày 8-9/11. Ông Sun cho rằng thủ tướng Việt Nam và Campuchia sẽ thảo luận về các vấn đề song phương, nhấn mạnh mong muốn tiếp nối mối quan hệ “ngày càng sâu sắc và nhiều tiềm năng” giữa hai nước.

Hoi nghi cap cao ASEAN anh 1

Sáng ngày 8/11, tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Campuchia. Ảnh: VGP.

Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia

- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Campuchia trong những năm gần đây? Việt Nam - Campuchia đã đạt được bước tiến nổi bật nhất trên những lĩnh vực nào?

- Hai nước có quan hệ rất lâu đời. Nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, Campuchia đã thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Kinh tế là lĩnh vực phát triển tích cực nhất trong mối quan hệ hai nước, tiếp đến là xã hội.

Hoi nghi cap cao ASEAN anh 2

Ông Sun Kim là giảng viên khoa Khoa học Xã hội và Quan hệ Quốc tế, Đại học Pannasastra Campuchia (PUC), đồng thời là nghiên cứu viên tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP). Ảnh: Sun Kim.

Campuchia nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ Việt Nam và một số mặt hàng của Campuchia cũng đang xuất khẩu sang Việt Nam.

Bên cạnh đó, trước đại dịch Covid-19, khách du lịch Việt Nam đến Campuchia xếp thứ hai về số lượng. Hàng năm nhiều sinh viên Campuchia cũng có cơ hội học tập tại Việt Nam.

Không chỉ trong ngoại giao nhân dân, trong lĩnh vực quân sự, nhiều lực lượng Campuchia cũng được cử sang huấn luyện tại Việt Nam. Chúng ta cũng có thể thấy những tòa nhà tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước được xây dựng ở nhiều tỉnh thành của Campuchia.

Có thể nói mối quan hệ giữa hai nước ngày càng sâu sắc và nhiều tiềm năng hơn, mang lại lợi ích cho cả hai. Vì vậy, theo kết luận của tôi, hai nước đã xây dựng được một nền tảng vững chắc, đặc biệt trong quan hệ kinh tế và xã hội.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ Việt Nam - Campuchia trong những năm tới? Hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?

- Hai nước sẽ tăng cường hợp tác, đặc biệt là kết nối giữa con người với con người, hợp tác trong lĩnh vực du lịch và kinh tế. An ninh cũng là một lĩnh vực quan trọng cần hợp tác, đặc biệt trong hoạt động trao đổi huấn luyện quân sự mà hai nước đã tiến hành suốt thời gian qua.

- Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41? Theo ông, hội nghị sẽ tập trung vào vấn đề gì?

- Tình hình Myanmar sẽ được đề cập trong chương trình làm việc hoặc các cuộc họp. Vấn đề phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 cũng sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận.

Có thể nói mối quan hệ giữa (Việt Nam - Campuchia) ngày càng sâu sắc và nhiều tiềm năng hơn, mang lại lợi ích cho cả hai.

Ông Sun Kim, giảng viên Đại học Pannasastra Campuchia (PUC)

Một vấn đề quan trọng khác sẽ được nhắc tới là an ninh mạng và kỹ thuật số. Trong năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực. Do đó, kỹ thuật số là một chủ đề cần thiết để thúc đẩy RCEP. Số hóa không chỉ mang lại lợi ích (về kinh tế) mà còn liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh mạng.

Bên cạnh đó, một số vấn đề quốc tế như tình tại Ukraine, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ được thảo luận.

Về sự kết nối trong khối, các chương trình trao đổi và (mối liên kết) giữa các trường đại học cũng sẽ là một chủ đề quan trọng. Với tư cách chủ tịch ASEAN 2022, điều Campuchia có thể làm là tăng cường kết nối người dân giữa các nước.

Hoi nghi cap cao ASEAN anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 - Ảnh: VGP.

- Là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao ASEAN, ông nghĩ rằng Campuchia có thể thực hiện những biện pháp gì nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác quan trọng của khối như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản?notenot

- Theo tôi, Campuchia có thể thực hiện 2 hành động là điều phối và thúc đẩy chương trình trình nghị sự của ASEAN. Campuchia có thể đặt ASEAN làm trung tâm trong chính sách đối ngoại của nước này thông qua việc sử dụng các hình thức ngoại giao thân thiện để điều phối các cuộc gặp của khối.

Trong các cuộc gặp trên, Campuchia trong vai trò người điều phối và chủ tịch luân phiên, có thể đảm bảo mọi vấn đề trọng tâm của khối như các cuộc khủng hoảng trong khu vực, quá trình khôi phục đà phát triển của nền kinh tế nội khối cũng như kiểm soát đại dịch Covid-19 được đưa ra bàn luận.

Bên cạnh đó, Campuchia cũng sẽ lắng nghe và quan sát ý kiến của mỗi quốc gia thành viên về những phản ứng của ASEAN trước những vấn đề nóng trên toàn cầu như tình hình xung đột ở Ukraine, tình trạng gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Mỹ - Trung Quốc.

Tôi tin rằng với tư cách chủ nhà, Campuchia chỉ có thể hành động hiệu quả với vai trò của một người vận động, lắng nghe những ý kiến của các quốc gia để đưa ra những ý kiến hoặc kết thúc cuộc thảo luận để các nội dung được trao đổi tại hội nghị có thể diễn ra suôn sẻ.

Sự trở lại của Mỹ trong khu vực

- Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ?

- Có thể nói, Mỹ luôn quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Do đó, sự xuất hiện của Tổng thống Joe Biden trong hội nghị cho thấy sự trở lại của Mỹ trong khu vực, cũng như cam kết của Washington trong việc duy trì quan hệ với các đối tác thân cận, chẳng hạn Thái Lan và Philippines. Điều này sẽ giúp các nước ASEAN tự tin hơn so với khoảng thời gian chính quyền trước.

Bên cạnh đó, trong các cuộc hội đàm, Tổng thống Biden sẽ không chỉ đề cập đến hỗ trợ về mặt an ninh, mà còn nhắc đến cách hỗ trợ ASEAN trong khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hoi nghi cap cao ASEAN anh 4

Trưởng đoàn các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10. Ảnh: TTXVN.

- Theo ông, khu vực Đông Nam Á có tầm quan trọng như thế nào trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden?

- Mỹ coi trong khu vực Đông Nam Á vì nhiều lý do. Đầu tiên là tiềm năng phát triển kinh tế của khu vực. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khu vực ASEAN đã đạt được những bước phát triển kinh tế vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình trong khu vực liên tục duy trì trên 5%.

Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối cũng vượt qua mức 3.000 tỷ USD với số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2017 đạt 50 tỷ USD. Bên cạnh đó, vị trí chiến lược cũng như nguồn tài nguyên dồi dào tại khu vực biển Đông cũng là một mối quan tâm lớn đối với Mỹ.

Đây là những yếu tố rất quan trọng khiến cho nước Mỹ muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Trong giai đoạn năm 2011, dưới thời cựu Tổng thống Obama, nước Mỹ đã giảm tốc độ trong quá trình xoay trục về châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, do vẫn vướng phải những vấn đề ở khu vực Trung Đông như cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Biden, ông tin rằng sự lãnh đạo của nước Mỹ phải là số một trên toàn cầu, không chỉ tại những quốc gia phương Tây mà còn cả khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt là tại khu vực sông Mekong, nơi Mỹ đã nâng cấp sáng kiến hợp tác giữa Mỹ và các nước thuộc vùng sông Mekong lên quan hệ đối tác thông qua việc mở rộng các lĩnh vực hợp tác và bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho khu vực này.

Tuy nhiên, với những vấn đề nội tại trong nước Mỹ như bất ổn xã hội và chính trị, tình trạng nền kinh tế tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tôi nghĩ rằng Tổng thống Biden sẽ không thể nhanh chóng áp dụng chiến lược châu Á của mình.

- Sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Tổng thống Biden sẽ tới Bali, Indonesia để dự hội nghị các nhà lãnh đạo những nền kinh tế nhóm G20, nơi ông sẽ có cuộc gặp trực tiếp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông, cuộc gặp sắp tới sẽ có tác động gì tới quan hệ giữa 2 cường quốc này?

- Theo tôi, cuộc gặp sắp tới tại Bali, Indonesia sẽ không khiến cho quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng hơn mà nhằm mục đích giúp Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden hiểu được những yêu cầu và quan điểm của nhau, đồng thời tìm được những chủ đề mà hai bên có sự đồng thuận.

Một điều mà chúng ta có thể cảm thấy lạc quan. Đó là Mỹ và Trung Quốc giờ đây có một diễn đàn như G20 để các nhà lãnh đạo của 2 bên có thể thường xuyên bàn luận và trao đổi quan điểm của nhau.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng Tổng thống Biden, trong cuộc gặp, sẽ cố gắng thuyết phục ông Tập cùng tìm ra những hành động nhằm ủng hộ ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Myanmar. Đồng thời, ông Biden sẽ cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc, với ảnh hưởng kinh tế lớn của nước này đối với Bình Nhưỡng, đóng một vai trò tích cực hơn trong việc hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Sun hiện là giảng viên và điều phối sinh viên của khoa Khoa học Xã hội và Quan hệ Quốc tế (SSIR), Đại học Pannasastra Campuchia (PUC).

Ngoài việc giảng dạy và hỗ trợ sinh viên, ông Kim còn là nhà nghiên cứu tại Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Công nghệ Tallinn (TUT) ở Tallinn (Estonia), và nghiên cứu viên tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) ở Phnom Penh, Campuchia.

Các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm quan hệ Mỹ - Trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương/Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á; quan hệ Mỹ - Campuchia, Trung Quốc - Campuchia, Việt Nam - Campuchia; và các vấn đề của ASEAN.

Hiện nay, với sự hỗ trợ tài chính từ KAS Campuchia, ông Kim là người sáng lập tổ chức sinh viên League of International Relationships (LIRA)-SSIR, và là giám đốc điều hành Hội nghị theo mô hình ASEAN dành cho sinh viên Campuchia (CNMAM).

Tổng thống Biden tuyên bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD cho ASEAN

850 triệu USD sẽ được Mỹ hỗ trợ cho khu vực ASEAN trong năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai bên, theo tuyên bố của Tổng thống Joe Biden.

Giấc mộng gia nhập ASEAN của quốc gia trẻ nhất châu Á

Hiểu rõ tầm quan trọng của ASEAN, tổng thống Timor-Leste đã dành nhiều thập kỷ để vận động giúp nước này có thể gia nhập khối. Đối với ông, đó được coi là giấc mộng cả đời.

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách

“ASEAN trong chiến lược nước lớn” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành. Cuốn sách phác họa bức tranh sống động trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; những tính toán, điều chỉnh chính sách, cọ xát chiến lược của nước lớn ở khu vực này; những bước đi cần thiết cho một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

G20 Indonesia

An Bình - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm