Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối liên hệ giữa đường ruột và lo âu

Mối liên hệ giữa lo lắng và đường ruột còn được đưa vào ngôn ngữ. Chúng ta nói ruột gan nhộn nhạo để chỉ cảm giác lo âu nhẹ hoặc dùng cụm từ thắt ruột để nói về cảm giác khiếp sợ.

Lo au anh 1

Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels.

Ngay cả khi không mắc rối loạn lo âu đi chăng nữa, thì có lẽ bằng trực giác, bạn vẫn có thể hiểu rằng tồn tại mối liên hệ giữa cảm giác lo âu và đường ruột.

Hãy thử nghĩ tới cảm giác trong dạ dày khi bạn đang lo lắng mà xem. Có lẽ bạn nhớ mình từng chạy vào nhà vệ sinh trước một bài thi quan trọng ở trường. Có lẽ bạn từng thấy buồn nôn hay nôn khan khi sắp bắt đầu bài thuyết trình lúc đi làm.

Mối liên hệ ấy thậm chí còn được đưa cả vào ngôn ngữ. Chúng ta nói ruột gan nhộn nhạo để chỉ cảm giác lo âu nhẹ hoặc dùng cụm từ thắt ruột để nói về cảm giác khiếp sợ. Những hình tượng ngôn từ đó không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Dù ta có nhận ra hay không, chúng đều bắt nguồn từ mối quan hệ hai chiều phức tạp giữa ruột và não.

Năm 2018, Gilliard Lach và các đồng nghiệp đã làm sáng tỏ mối liên hệ sinh lý học giữa rối loạn lo âu với các vấ đề về ruột. Công trình của họ tập trung vào peptit trong ruột; đó là các chuỗi axit amin ngắn được cơ thể chúng ta sử dụng như các phân tử tín hiệu, giúp truyền tải thông tin giữa ruột và não bộ. Trong ruột, các tế bào chuyên biệt (gọi là tế bào nội tiết) sẽ sản xuất hơn 20 phân tử tín hiệu, trong đó có peptit.

Việc tạo ra loại phân tử tín hiệu cụ thể nào là do các vi khuẩn trong ruột quyết định. Bằng cách điều khiển hệ vi khuẩn đường ruột ở chuột rồi sau đó giám sát sự thay đổi tương ứng của các loại peptit khác nhau trong ruột và não bộ của chúng, nhóm của Lach có thể theo dõi được ảnh hưởng của những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột đối với các triệu chứng lo âu, từ đó chứng minh rằng giữa chúng có một mối liên hệ sâu sắc. Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể đưa ra được kết luận nào về cách thức để áp dụng kiến thức này vào các chiến lược trị liệu hệ vi sinh nhằm chống lại chứng lo âu ở người, nhưng đó chắc chắn là một điều sẽ khả thi trong tương lai.

Một phần của não đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột là hạch hạnh nhân. Đó là một cấu trúc nằm sâu trong não và là bộ phận then chốt trong một mạch thần kinh, thứ này sẽ bị rối loạn khi bạn lo âu.

Trên thực tế, mối liên hệ giữa hệ vi sinh và sự phát triển của hạch hạnh nhân mạnh đến mức một số nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta nên nhắm vào hệ vi sinh để ổn định hoạt động của hạch hạnh nhân và làm giảm lo âu.

Nghiên cứu đã chỉ ra những con chuột không có hệ vi sinh (nghĩa là chúng thiếu tất cả các vi sinh vật và vì thế không có hệ vi sinh đường ruột) có hạch hạnh nhân lớn hơn so với những con chuột có hệ vi sinh bình thường. Hạch hạnh nhân của chúng cũng hoạt động quá mức, thường làm việc quá thời gian so với thông thường và theo một cách không lành mạnh.

Đối với hạch hạnh nhân, lớn hơn và hoạt động nhiều hơn chắc chắn không phải điều tốt. Ở người, hạch hạnh nhân hoạt động quá mức sẽ khiến bạn khó kiểm soát cảm xúc, như thể trong não bạn có một cái chuông báo động đang kêu liên tục.

Nếu sự thiếu hụt vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hình dạng cũng như chức năng của hạch hạnh nhân thì đó là một dấu hiệu thuyết phục cho thấy rằng hệ vi sinh giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của não bộ.

Năm 2004, Nobuyuki Sudo và các đồng nghiệp đã nhận thấy rằng trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (trục HPA) của những con chuột không có vi sinh vật cũng phản ứng quá mức đối với căng thẳng.

Điều đáng kinh ngạc là, chỉ cần đưa vào trong hệ vi sinh của đám chuột nói trên một vi khuẩn đặc biệt là có thể đảo ngược tình trạng này. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng chỉ cần thay đổi một vi khuẩn thôi - một trong vô số vi khuẩn ở đường ruột là có thể cải thiện được cách một cá nhân phản ứng với căng thẳng!

Nếu bạn nghi ngờ việc não bộ của chuột có thực sự chứa nhiều điểm trùng khớp đến thế với cuộc sống loài người đầy căng thẳng của chúng ta hay không, xin hãy yên tâm rằng các nghiên cứu được thực hiện trên người gần đây đã tìm thấy những kết quả tương tự.

Năm 2018, một nghiên cứu đã so sánh hệ vi sinh ở những người mắc rối loạn lo âu lan tỏa với những đối tượng đối chứng khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những bệnh nhân mắc rối loạn lo âu lan tỏa có hệ vi khuẩn rất khác biệt, vừa ít hơn vừa kém đa dạng hơn so với hệ vi khuẩn ở những đối tượng đối chứng khỏe mạnh.

Đặc biệt, những vi khuẩn tạo ra các axit béo chuỗi ngắn - chẳng hạn như các peptit mà chúng ta vừa nói tới, dấu hiệu của một đường ruột khỏe mạnh - rất khan hiếm, trong khi các vi khuẩn xấu lại phát triển quá mức.

Đây là một ví dụ rõ ràng khác cho thấy sức khỏe đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ như thế nào. Có một chi tiết thú vị trong nghiên cứu trên, đó là nếu chúng ta chỉ đơn giản dùng các phương pháp không liên quan tới ăn uống để điều trị chứng rối loạn lo âu, thì sẽ không thể tạo ra sự thay đổi tương ứng trong hệ vi khuẩn đường ruột của bệnh nhân.

Nói cách khác, mặc dù đường ruột có ảnh hưởng to lớn đến hành vi của não bộ nhưng điều ngược lại thì chưa chắc đã đúng - việc điều trị các triệu chứng tâm thần bằng thuốc chống lo âu hoặc các liệu pháp tâm lý không đồng nghĩa với việc tình trạng mất cân bằng trong đường ruột sẽ tự động được điều chỉnh đâu vào đó. Để giải quyết gốc rễ vấn đề, bạn còn phải nhắm tới các vi khuẩn thực sự.

Cuối cùng, những rối loạn trong hệ vi sinh có thể làm suy yếu thành ruột, bộ phận vốn thường đóng vai trò như hàng rào ngăn cản các phân tử và chất chuyển hóa của vi khuẩn xâm nhập máu. Vì một thành ruột yếu sẽ cho phép vi khuẩn rò rỉ qua niêm mạc ruột rồi lọt vào vòng tuần hoàn máu (và thậm chí xâm nhập não bộ) nên đây được gọi là hội chứng rò rỉ ruột.

Mặc dù chắc chắn vẫn có các hợp chất cần phải đi vào và đi ra khỏi đường ruột, nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn cần tiếp tục giam giữ vi khuẩn trong hệ vi sinh ở yên tại đó. Bởi vì một khi vi khuẩn được phép thoát ra ngoài, chúng có thể gây tổn thương toàn bộ cơ thể, kể cả não bộ. Chẳng hạn, chúng ta đã tìm được bằng chứng cho thấy lipopolysaccharide, một thành phần của màng tế bào ở vi khuẩn, chính là nguyên nhân gây ra các hành vi giống như chứng lo âu ở chuột.

Uma Naidoo/Huy Hoàng Book và NXB Thanh Niên

SÁCH HAY