Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mối hiểm họa mới với cuộc chiến chống Covid-19 ở châu Á

Khi biến thể Delta đang hoành hành trên toàn cầu, châu Á đứng trước một lựa chọn khó khăn: Theo đuổi phương pháp chống dịch truyền thống, hay học cách sống chung với Covid-19.

Từ London (Anh), New York (Mỹ) cho đến Hong Kong (Trung Quốc), biến thể Delta (lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ) đang trở thành một mối đe dọa, làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch quay trở lại cuộc sống trước đại dịch Covid-19 của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở châu Âu và Bắc Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta dường như đặt dấu chấm hết cho hy vọng về một mùa hè bình thường, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao thúc đẩy việc nối lại hoạt động du lịch và đi lại.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến thể này khiến nhiều quốc gia lao đao bởi số ca bệnh tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn.

Làn sóng Covid-19 mới này cũng củng cố thêm lập trường siêu thận trọng của các nền kinh tế “zero-Covid” - cụm từ ám chỉ các quốc gia chống dịch thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.

Biện pháp chống dịch truyền thống này tuy giúp giảm tỷ lệ tử vong, song cũng hứng chịu nhiều chỉ trích từ các khu vực khác trên thế giới - những nơi hướng tới cuộc sống hậu đại dịch.

Theo South China Morning Post, sau 18 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, các chủng đột biến đã cho thấy tính cấp bách của chiến dịch tiêm chủng và sự đánh đổi giữa việc nên cố gắng loại bỏ hay cùng tồn tại với virus corona.

chau A thay doi cach chong dich anh 2

Đường phố Sydney, Australia vắng vẻ sau lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Thống trị ít nhất 80 quốc gia, vùng lãnh thổ

Biến thể Delta được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể Alpha (lần đầu xuất hiện ở Vương quốc Anh) và hơn 50% so với chủng được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Biến thể này cũng có khả năng kháng vaccine hơn so với các chủng khác, mặc dù những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn được bảo vệ khỏi nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

“Biến thể Delta đặt ra một thách thức lớn đối với các quốc gia có nguồn cung vaccine hạn chế”, Zoe Hyde - nhà dịch tễ học tại Đại học Western Australia, cho biết.

Tại Anh - nơi các nhà chức trách trì hoãn việc mở cửa trở lại cho đến ngày 19/7, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng gấp 6 lần kể từ cuối tháng 5, biến thể này chiếm khoảng 99% các trường hợp mắc Covid-19 mới.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự kiến đến cuối tháng 8, biến thể Delta sẽ chiếm hơn 90% các trường hợp Covid-19 mới ở châu lục này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 24/6 kêu gọi các quốc gia thành viên EU kiểm dịch mọi du khách đến từ Anh, đồng thời cảnh báo châu lục này đang “bước đi trên lớp băng mỏng” do sự lây lan nhanh chóng của chủng Delta.

Tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm - hôm 23/6 cho biết biến thể Delta chiếm 20% các trường hợp mắc mới và sẽ là chủng virus chiếm ưu thế tại xứ sở cờ hoa trong vòng vài tuần tới.

Indonesia và Thái Lan, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức một con số, chứng kiến làn sóng Covid-19 mới.

Singapore - nơi đã tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho hơn 50% dân số và một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực - cũng không nằm ngoài danh sách “nạn nhân” của biến thể Delta.

Có hơn 550 khu vực và hành khách nhập cảnh vào quốc gia này ghi nhận mắc chủng Delta kể từ cuối tháng 5.

Lãnh đạo Hong Kong ngày 23/6 buộc phải phong tỏa một khu dân cư sau khi một nhân viên sân bay được xác định là trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta.

Chính quyền bang New South Wales, Australia ban bố lệnh phong tỏa khu vực trung tâm thành phố Sydney và nhiều quận xung quanh vì ca mắc biến chủng Delta tăng đột biến.

“Từ góc độ dịch tễ học, tình hình tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - nơi duy trì thành công các trường hợp nhiễm virus corona ở mức thấp - không khá hơn nhiều so với một năm trước”, phó Giáo sư Karen A. Grépin thuộc khoa Y của Đại học Li Ka Shing.

“Vì vậy, nếu những nơi này chứng kiến ​​sự lây lan virus trong cộng đồng trên diện rộng, chúng ta có thể thấy số lượng lớn các trường hợp nhập viện và tử vong”, ông nói.

chau A thay doi cach chong dich anh 3

Nhiều quốc gia châu Á đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới vì sự xuất hiện của biến chủng Delta. Ảnh: Bloomberg.

Thận trọng trước mọi quyết định

Ở Anh, nơi hơn 80% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, tỷ lệ tử vong vẫn gần như không đổi mặc dù tăng hơn 15.000 ca bệnh mỗi ngày.

Theo một phân tích của Public Health England công bố vào tháng 6, vaccine Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ khỏi việc nhập viện tương ứng là 96% và 92% sau 2 liều vaccine.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, một vài quốc gia đang thận trọng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.

Hôm 20/6, Hong Kong thông báo sẽ nới lỏng thời gian cách ly xuống còn 7 ngày đối với hành khách quốc tế đã tiêm đủ hai liều.

Ở Australia, chính phủ cho biết sẽ không mở cửa lại biên giới cho đến giữa năm 2022. New Zealand, quốc gia đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020, không đưa ra bất cứ lịch trình mở cửa nào với thế giới.

Theo Thira Woratanarat - nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, biến thể Delta có thể thống trị châu Á trước thời điểm cuối năm nay.

Ông khẳng định việc mở cửa trở lại cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tỷ lệ tiêm chủng cao, khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả, năng lực xét nghiệm và hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia.

“Mở cửa trở lại nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch quốc tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, các quốc gia cần đạt được 3 trên 4 yếu tố trên, trước khi quyết định mở cửa biên giới”, ông Woratanarat nói.

Cần học cách "sống chung với lũ"

Đóng cửa biên giới đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội tại các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, với nhiều nơi du lịch là ngành mũi nhọn.

Trong một cuộc khảo sát do Bloomberg công bố vào ngày 25/6, hầu hết nền kinh tế lớn tại đây được dự đoán không trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch cho đến năm 2023.

Donald Low, giáo sư chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết sự xuất hiện của các biến thể mới cho thấy xã hội cần học cách sống chung với virus.

“Thực tế có bằng chứng cho thấy Covid-19 sẽ không biến mất. Tất cả nên được tiêm phòng để xã hội có thể chuyển sang trạng thái bình thường sau đại dịch”, giáo sư Low nói.

Ông Low cũng khẳng định đã đến lúc các nhà chức trách nên bắt đầu “suy nghĩ về việc chuyển đổi từ biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt sang tìm cách giảm thiểu thiệt hại”.

Việc áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt - dù cần thiết vào thời điểm đầu đại dịch - không thể kéo dài thêm được nữa, ông nhấn mạnh.

chau A thay doi cach chong dich anh 4

Người dân Singapore đeo khẩu trang ở nơi công cộng giữa đợt bùng phát hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên lên lộ trình sống chung với Covid-19. Người dân Singapore sẽ học cách chung sống với Covid-19, coi đây như một căn bệnh tái phát, có thể kiểm soát được.

Họ sẽ vẫn đi làm, du lịch, mua sắm mà không cần cách ly, phong tỏa dù Covid-19 chưa biến mất, và tiêm nhắc lại vaccine hàng năm.

“Các chính trị gia cần đưa ra kế hoạch kết thúc việc đóng cửa biên giới, thống nhất một thông điệp rằng con người nên học cách sống chung với Covid-19 trong khi giảm thiểu ít nhất thiệt hại về người”, Gigi Foster - giáo sư kinh tế tại Đại học New South Wales, Australia - khẳng định.

Bài liên quan

Mỹ đạt cột mốc đột phá về chống Covid-19

Mỹ đạt cột mốc đột phá về chống Covid-19

Mỹ đạt nhiều cột mốc đáng khích lệ trong cuộc chiến chống Covid-19, khi mà số ca tử vong giảm xuống dưới 300 người mỗi ngày, cùng với 45% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

Phương Linh