Mỹ cho biết lá chắn tên lửa nằm trong kế hoạch đã hơn một thập kỷ này là cần thiết để chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên, với việc Berlin, Paris và London có thể nằm trong tầm ảnh hưởng của tên lửa Triều Tiên từ năm tới, các quan chức cho hay NATO còn cần nhiều radar cùng thiết bị đánh chặn đặc biệt để tiêu diệt tên lửa của Bình Nhưỡng.
"Lá chắn hiện tại của NATO còn thiếu tầm ngắm và những radar cảnh báo sớm để hạ tên lửa Triều Tiên. Đó là một liên kết yếu", Reuters dẫn lời Michael Elleman, chuyên gia phân tích bảo vệ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói.
"Việc theo dõi sớm cũng là khó khăn bởi tên lửa Triều Tiên có thể bay qua Nga, nơi mà NATO rõ ràng không thể đặt radar", ông bổ sung.
Các chuyên gia cũng cho hay loại thiết bị đánh chặn cần thiết để hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể phá vỡ thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời Liên Xô giữa Mỹ và Nga bởi nó có tầm ngắm xa hơn.
Mỹ hoàn tất việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc hôm 7/9. Ảnh: Reuters. |
Moscow từ lâu đã phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ, cho rằng mục tiêu thực sự của Washington là để đối trọng vũ khí hạt nhân của Nga chứ không phải để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ các nước như Triều Tiên và Iran.
Mối quan ngại của Nga sẽ gây khó khăn cho việc tái đàm phán Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987. Theo các chuyên gia, việc tái đàm phán INF là cần thiết để lá chắn tên lửa có hiệu quả hoàn toàn.
Mọi kế hoạch của liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm đối đầu với những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng hiện vẫn còn sơ khởi. Sau vụ thử hạt nhân lần 6 và mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên hôm 3/9, hai nhà ngoại giao cấp cao của NATO nói với Reuters rằng việc bảo vệ chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng chỉ mới bắt đầu được xem xét tại trụ sở NATO ở Brussels.
Một nhà ngoại giao khác nêu lên suy đoán Triều Tiên có thể sẽ nhắm vào các đồng minh châu Âu của NATO như một cách để đe dọa đối tác thân cận nhất của các nước này là Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Elleman, khi lá chắn tên lửa đã sẵn sàng vào năm 2018, Mỹ có thể ưu tiên đặt chúng tại các cơ sở thử nghiệm tên lửa ở Alaska và California, cũng như triển khai tại Nhật Bản và Hàn Quốc, hơn là châu Âu.