Truyền thông Trung Quốc gần đây đã đưa tin về trường hợp nấm mốc phát triển trong tai của một cậu bé 10 tuổi do thường xuyên đeo tai nghe trong một khoảng thời gian dài.
Chúng ta thường lầm tưởng rằng cơ thể con người có một số cơ chế đặc biệt có thể ngăn chặn nấm mốc phát triển trên cơ thể, ngay cả ở các nơi khó vệ sinh như ống tai. Nhưng hóa ra chỉ cần có một vài điều kiện thích hợp như nước và vi khuẩn, nấm mốc có thể dễ dàng sinh sôi nảy nở trong tai của chúng ta.
Hình ảnh nấm mốc đen xuất hiện trong tai của cậu bé người Trung Quốc. Ảnh: snsforyou. |
Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Shunyi ở Bắc Kinh đã tiếp nhận một bệnh nhân 10 tuổi sau khi cậu bé này nói tai mình bị đau và thính lực giảm. Bác sĩ đã tiến hành kiểm tra và chẩn đoán rằng cậu đã mắc bệnh nấm ống tai, hay còn gọi là “nhiễm nấm tai”.
Nguyên nhân gây ra bệnh nấm ống tai bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể trong trường hợp này, các bác sĩ đã chỉ ra hai yếu tố khiến nấm mốc xuất hiện trong tai của cậu bé 10 tuổi.
Thứ nhất, thói quen ngoáy tai thường xuyên của cậu đã làm tổn thương các mô nhạy cảm ở trong tai, việc này đã tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào ống tai và gây ra nhiễm trùng.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc cậu này thường xuyên sử dụng tai nghe trong một thời gian dài, nó đã ngăn chặn sự lưu thông gió tự nhiên của ống tai và khiến độ ẩm trong tai của cậu tăng cao.
Chính sự kết hợp của hai yếu tố trên đã tạo ra một môi trường sống phù hợp để nấm mốc phát triển.
Bác sĩ Wu Yuhua, từ Khoa Phẫu thuật Đầu và Cổ của bệnh viện giải thích thêm rằng việc đeo tai nghe đã gây ra các tác dụng phụ như độ ẩm và nhiệt độ trong tai tăng, do đó tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của nấm mốc.
Thêm vào đó, do ngoáy tai thường xuyên mà cậu bé này đã gây ra tổn thương niêm mạc. Đây cũng là một tác nhân chính gây ra nhiễm nấm tai.
Hiện tại, cậu bé 10 tuổi này đang được điều trị và sẽ sớm hồi phục hoàn toàn trong vài tuần tới. Mặc dù vậy, các bác sĩ cảnh báo rằng không nên coi nhẹ căn bệnh nấm ống tai vì nếu không được điều trị kịp thời thì nó có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho tai, đỉnh điểm là mất đi thính lực.