Theo thống kê được công bố từ BMJ Global Health vào ngày 14/5, chỉ tính những video được xem nhiều nhất trên YouTube có nội dung liên quan tới virus corona, thì một phần tư số lượng video này chứa "thông tin sai lệch hoặc không chính xác".
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Ottawa Canada đã sử dụng số liệu từ 150 video có lượng người xem cao nhất trên YouTube trong ngày 21/3, khi tìm kiếm với từ khoá "coronavirus" và "Covid-19".
Kết quả cho thấy có 27,5% số video chứa thông tin không chính xác, các video này đã được xem hơn 62 triệu lần.
Đa số những thông tin sai lệch thường liên quan tới tốc độ lây lan của virus, các triệu chứng, cách phòng ngừa và các phương pháp điều trị. Trong đó, rất nhiều video cố tình đưa thông tin về công ty dược phẩm đã có vaccine nhưng từ chối bán cho công chúng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nội dung của cơ quan chính phủ, chuyên gia y tế "có chất lượng tốt, thông tin chính xác". Tuy nhiên, những video này thường ít được xem vì thông tin khó hiểu và không hấp dẫn bằng nội dung giải trí của các "ngôi sao" trên Internet và YouTuber.
Thông tin của cơ quan chính phủ tuy chính xác nhưng thường khó hiểu và không hấp dẫn. |
Khi dịch Covid-19 bùng phát, YouTube đưa ra cam kết sẽ truyền tải thông tin kịp thời và hữu ích cho người xem. YouTube còn khẳng định sẽ tăng cường sự xuất hiện của các kênh nội dung chính thống như Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) hay thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Về tình trạng tin giả, YouTube cho biết đã có qui định rõ ràng để cấm những nội dung liên quan đến phương pháp điều trị bệnh không có cơ sở y tế. Đối với thông tin có khả năng gây hiểu nhầm, YouTube sẽ dùng biện pháp hạn chế sự xuất hiện.
Hiện tại, các nội dung bất đồng quan điểm với NHS và WHO về sự tồn tại và phương thức lây nhiễm của Covid-19, đều được xem là vi phạm chính sách của YouTube.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tác động của những video tin tức không chính thống đến các cộng đồng trên toàn thế giới", đại diện YouTube cho biết thêm.