Mùa nắng nóng, các thiết bị điều hòa cần được vệ sinh, bảo trì để có thể hoạt động hiệu quả, tiết kiệm điện năng. Từ nhu cầu này, nhiều bên cung cấp dịch vụ vệ sinh máy lạnh đã lợi dụng hình ảnh các thương hiệu uy tín để đánh lừa người dùng.
Với từ khóa "vệ sinh máy lạnh", Google cho ra kết quả tìm kiếm đầu tiên là trang "cskh-nguyenkim.com". Website này có tiêu đề “Vệ sinh máy lạnh tại nhà - Tưng bừng khuyến mãi 50.000 đồng” cùng biểu tượng cho thấy từ khóa này đã được mua để hiện vị trí cao trên kết quả tìm kiếm.
Trang giả mạo Nguyễn Kim để cung cấp dịch vụ vệ sinh máy lạnh đang có thứ hạng cao trên Google Search. |
Tuy vậy, đây lại là website giả mạo Nguyễn Kim, thương hiệu lớn trong ngành điện gia dụng. Bên cạnh đó, trang này sử dùng giao thức HTTP kém bảo mật thay vì HTTPS và thiết kế không đồng bộ với màu sắc nhận diện thương hiệu của Nguyễn Kim.
Trong vai người dùng, phóng viên gọi lên tổng đài theo điện thoại trên website giả mạo. Hai trong ba số điện thoại là thuê bao di động. Thông thường, các trung tâm điện máy thường dùng đầu số 1800 cho việc chăm sóc khách hàng. Người dùng cần lưu ý yếu tố này khi gọi đến các trung tâm dịch vụ để tránh nhầm lẫn.
"Anh muốn sửa máy lạnh nào, có cần bơm gas không, địa chỉ nhà ở đâu", một giọng nam liên tục đặt ra những câu hỏi cho phóng viên.
Người này cố tình lảng tránh việc xác nhận mình là nhân viên của Nguyễn Kim. Qua nhiều lần đặt câu hỏi, cuối cùng người này tự nhận là "nhân viên bảo trì máy lạnh của Nguyễn Kim". Tuy vậy, phía Nguyễn Kim xác nhận đây chỉ là một trang giả mạo.
Đây không phải website duy nhất sử dụng thương hiệu của Nguyễn Kim để lừa dối người tiêu dùng.
"Các trang giả mạo này kinh doanh không cần uy tín bởi họ vốn đã dựa vào uy tín của người khác. Sử dụng dịch vụ vệ sinh máy lạnh từ những bên cung cấp này, người dùng có nguy cơ lâm vào cảnh tiền mất tật mang bởi có thể họ thay thế các linh kiện, gas lạnh không đúng thông số và chất lượng", đại diện thương hiệu máy lạnh Gree nói với Zing.
Bên cạnh những rủi ro về chất lượng dịch vụ, người dùng còn có thể bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm 2018, website trungtamsuachuanguyenkim.com (vẫn còn hoạt động) đã sử dụng thương hiệu Nguyễn Kim để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng.
Theo báo Công An TP.HCM, tháng 4/2018, Công an Q.4, TP. HCM cho biết đã thụ lý vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lập trang web mạo danh Nguyễn Kim. Kẻ gian tự nhận là nhân viên Nguyễn Kim, đến tận nhà khách hàng để lấy sản phẩm mang về bảo hành. Thực chất, đây là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Qua xác minh, cơ quan công an được biết trang web trên được đăng ký bởi Nguyễn Văn Cược (SN 1983, địa chỉ xã Lộc Sơn, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Sự việc trên khiến Nguyễn Kim phải lên tiếng cảnh báo gần 40 trang web giả mạo họ. Tuy vậy, hiện nay Nguyễn Kim vẫn là đơn vị bị giả mạo thương hiệu nhiều nhất khi người dùng tìm kiếm bằng Google.
Zing đã liên hệ Nguyễn Kim nhưng đại diện nhà bán lẻ này vẫn chưa có câu trả lời về cách kiểm soát những trang web giả mạo.
Nguyễn Kim không phải nhà bán lẻ duy nhất bị các trang giả mạo, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến thương hiệu. Các chuỗi bán lẻ lớn như Điện Máy Xanh, Thế giới di động hoặc các thương hiệu như Samsung, Sony, Acer đều bị giả mạo.
Trả lời Zing, đại diện Điện Máy Xanh cho biết công ty đội ngũ pháp lý chuyên giải quyết những trang web như vậy nhằm bảo vệ hình ảnh thương hiệu và lợi ích khách hàng.
"Sau khi phát hiện, các website này sẽ được xem xét và gửi đến cơ quan chức năng và đơn vị liên quan để xử lý triệt để”, đại diện Điện Máy Xanh cho biết.