Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mobile Money tại Việt Nam còn nhiều hạn chế

Nội dung này được ba nhà mạng tham gia thí điểm nêu ra trong hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động, Vụ Thanh toán và Cục Viễn thông tổ chức.

Hiện nay, Mobile Money được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy dịch vụ tài chính đến mọi người dân, đặc biệt hướng tới tệp khách hàng ở những khu vực còn khó khăn, chưa tiếp cận toàn diện với tài chính ngân hàng.

Song song, Mobile Money còn đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Hiện dịch vụ đang được ba nhà mạng là Viettel, Vinaphone, Mobifone triển khai thí điểm kể từ cuối năm ngoái.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2022, tổng số người đăng ký và sử dụng dịch Mobile Money vượt 1,1 triệu khách hàng. Trong đó, số lượng người dùng thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đạt 660.000 người, chiếm hơn 60%.

Cả nước ghi nhận 3.000 điểm kinh doanh Mobile Money. Khoảng 900 điểm nằm ở những khu vực gặp khó khăn về hạ tầng, địa lý, chiếm 30%.

Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 12.800 điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục. Tổng giá trị giao dịch trong suốt thời gian thí điểm của 3 nhà mạng vượt 370 tỷ đồng, tổng số lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị.

Mobile Money chua phat huy toi da hieu qua anh 1

Mobile Money hướng đến người dân không được trang bị dịch vụ tài chính ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, nông thôn. Ảnh: VT.

Giúp người dân hiểu được lợi ích

Dù chỉ mới trải qua 6 tháng thực hiện thí điểm, ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - đánh giá những kết quả ghi nhận được cho thấy việc thí điểm Mobile Money đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của người dân, nhất là nhóm chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng. Đây là tín hiệu khả quan bên cạnh những thành quả như đảm bảo chất lượng dịch vụ hay tránh phát sinh sự cố của các nhà mạng.

Theo ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - tính đến hết quý I/2022, 70% thuê bao kích hoạt Viettel Money (dịch vụ Mobile Money của Viettel) nằm ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi thuê bao phát sinh trung bình 10 giao dịch mua bán trực tuyến.

Bên cạnh việc tận dụng hạ tầng viễn thông để tăng cường khả năng phủ sóng, cung cấp điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ, Viettel còn tung ra nhiều chương trình khuyến mại để thu hút, xây dựng thói quen giao dịch không dùng tiền mặt của người dân.

Hãng đã xây dựng hạ tầng thanh toán số như tạo ra 100 điểm chợ 4.0, triển khai cổng thanh toán trực tuyến để đóng học phí, viện phí, mạng lưới chăm sóc khách hàng phủ 11.000 phường, xã.

Tuy nhiên, phương thức này đang đặt ra bài toàn khó, không chỉ về thay đổi hành vi chi tiêu, sử dụng của người dân mà còn làm sao để họ nhận thức, tin tưởng và chuyển đồi dần từ tiền giấy sang thanh toán không tiền mặt để hưởng lợi từ nền kinh tế số.

Mobile Money chua phat huy toi da hieu qua anh 2

Dư địa phát triển Mobile Money còn nhưng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những dịch vụ tài chính khác. Ảnh: VT.

Do đó, đại diện Viettel cho rằng chính phủ cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho đối tượng yếu thế thông qua Mobile Money. Giúp dịch vụ vừa là phương thức, vừa là động lực cải thiện kinh tế, kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với người dân.

Ngoài ra, chính phủ cần tiếp tục đưa ra định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng mô hình thanh toán không tiền mặt, từ đó tạo thói quen chi tiêu trong xã hội. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để xóa bỏ tâm lý nghi ngại, phổ cập thanh toán số nhanh chóng.

Các ngân hàng, nhà mạng cũng nên duy trì hợp tác để phát huy giá trị của Mobile Money.

Bổ sung thêm, bà Phạm Minh Tú - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone - cho rằng thị trường hiện nay có quá nhiều hình thức thanh toán khiến người dùng chưa thấy được lợi ích của dịch vụ. Hiện Việt Nam có khoảng 49 ngân hàng, 43 ví điện tử, do vậy, Mobile Money đang bị cạnh tranh rất khốc liệt.

Đáng nói, hạn mức của dịch vụ này (tối đa 10 triệu đồng) thấp hơn ví điện tử rất nhiều chứ chưa bàn đến ngân hàng. Vì vậy, chính phủ cần cập nhật một số điều kiện của Mobile Money để giảm bớt sự bất cân xứng với các phương thức thanh toán khác.

Quy trình xác thực khách hàng còn phức tạp, chưa hiệu quả

Đại diện nhà mạng này còn chỉ ra một số hạn chế như quá trình xác minh thông tin thuê bao, đăng ký còn quá khó khăn.

“Khoảng 50% lượng đăng ký không thành công của ba nhà mạng liên quan đến tình trạng sai lệch thông tin CMT/CCCD. Nhiều khách hàng phải ra tận quầy để xác thực thông tin”, bà Tú phát biểu.

Đồng thời, nhà mạng này đề xuất được phép kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, định danh khách hàng. Việc tiến tới mở tài khoản Mobile Money cho toàn dân sẽ giúp đẩy nhanh quá trình giải ngân khoản thanh toán, hỗ trợ của chính phủ hoặc dịch vụ công.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tấn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone - cho rằng công đoạn để người dùng đến với Mobile Money còn mất nhiều công sức và thời gian thay vì hướng tới sự đơn giản.

Mobile Money chua phat huy toi da hieu qua anh 3

Khâu xác thực, đối chiếu thông tin khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ còn nhập nhằng. Ảnh: Ngô Minh.

Nếu được tiếp cận cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, khách hàng có thể nhanh chóng sử dụng dịch vụ miễn sao số điện thoại trùng với đăng ký.

“Nếu đạt được điều này thì hơn 120 triệu thuê bao của tất cả nhà mạng tại Việt Nam có thể đồng loạt mở và sử dụng Mobile Money trong ngày mai”, đại diện VinaPhone nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân - cho biết hệ thống đã đưa vào quản lý cấp số định danh cho 98.713.820 nhân khẩu, thu nhận 69.918.619 hồ sơ và in trả 63.422.126 thẻ CCCD trên cả nước

Tính đến nay, Bộ Công an đã triển khai kết nối với 8 đơn vị gồm Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Y tế (dữ liệu tiêm chủng), Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp.

Đối với Mobile Money, Bộ Công an đã thực hiện xác thực dữ liệu dân cư để làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác, cấp tài khoản Mobile Money, sim chính chủ gắn với tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang thí điểm xác thực thẻ CCCD, thông tin cơ bản, sinh trắc với dữ liệu lưu trữ trong chip của CCCD để tránh rủi ro trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông…

Hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT ảnh hưởng xấu đến nguồn thu thuế

Đây là nhận định của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý tại buổi đối thoại với chuyên đề “Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử” của Tạp chí kinh tế Việt Nam.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm