Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam trong năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm ngoái. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đồng thời ước tính nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia. Đến năm 2025, quy mô của TMĐT tại Việt Nam dự kiến đạt 39 tỷ USD.
Trong khi đó, nhờ mức tăng trưởng lên tới 53% của TMĐT, nền kinh tế số của Việt Nam trong năm 2021 đã vươn lên mốc 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Với quy mô khoảng 13 tỷ USD, ngành TMĐT của Việt Nam nay xếp thứ tư trong khu vực.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đang gặp nhiều hạn chế khi tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày một nhiều trên không gian mạng.
Hàng giả hàng nhái lộng hành trên sàn
Không khó để người dùng tìm thấy các mặt hàng mang thương hiệu quốc tế, được bảo hộ tại Việt Nam nhưng giá rẻ chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với niêm yết.
Bộ Công Thương cho biết tính riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua TMĐT.
Trong vòng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho rằng các hình hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên kênh TMĐT.
Điểm đặc biệt của TMĐT là giúp quá trình mua sắm của người dân trở nên dễ dàng hơn. Bên bán và bên mua hầu như không cần tiếp xúc trực tiếp, không phụ thuộc khoảng cách địa lý và các phương thức thanh toán cũng đơn giản và thuận tiện hơn.
Lợi dụng điều này, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng tăng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua sắm truyền thống của người dân bị hạn chế.
Nhìn chung, phương thức gian lận phổ biến nhất là buôn bán những sản phẩm không giống như quảng cáo. Đơn cử, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, video sản phẩm chính hãng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa sau khi đến tay người tiêu dùng lại khác biệt về mẫu mã, chất lượng hoặc tình trạng.
Theo Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - tỷ lệ gian lận trên TMĐT sẽ không chỉ dừng ở con số 50%.
“Tốc độ phát triển TMĐT rất nhanh và mạnh. Sự cộng hưởng của dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi số trong nước đã thúc đẩy sự sôi động của TMĐT. Tuy nhiên từ đó cũng phát sinh ra những hoạt động gian lận thương mại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt đối với sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm”, ông Sinh nhận xét.
Ảnh hưởng đến nguồn thu thuế
Ngoài việc làm xấu môi trường kinh doanh, méo mó sự cạnh tranh, hình ảnh doanh nghiệp, đất nước, thui chột tính hấp dẫn, sức sáng tạo và tổn hại cho người tiêu dùng, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng tình trạng hàng giả, nhái lộng hành còn xói mòn nguồn thu thuế.
“Hàng lậu thì thường đi kèm trốn thuế. Không phải ngẫu nhiên chúng ta đang có những cải cách để thu thuế tốt hơn qua các giao dịch TMĐT. Chưa kể những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ”, ông nhận định.
Trên thực tế, Bộ Tài chính cùng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp TMĐT đang phối hợp nhằm tìm ra giải pháp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của người bán.
Kể từ ngày 1/1/2022, Bộ đang áp dụng Thông tư 100 thay thế Thông tư 40 trước đây. Cụ thể, sàn TMĐT sẽ có hai lựa chọn là nộp thuế thay cá nhân kinh doanh nếu được ủy quyền hoặc cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, vị tiến sĩ tin rằng sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái còn cản trở quá trình phát triển của nền kinh tế không tiền mặt. Ví dụ, nếu thiếu tin tưởng vào bên bán hàng, người dùng có xu hướng mong muốn thanh toán COD (nhận hàng rồi trả tiền) nhiều hơn thay vì hoàn tất giao dịch ngay trên nền tảng.
Hàng lậu thì thường đi kèm trốn thuế. Không phải ngẫu nhiên chúng ta đang có những cải cách để thu thuế tốt hơn qua các giao dịch TMĐT
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Đặc biệt, đất nước đang chuyển sang mô hình phát triển kinh tế dựa trên sự sáng tạo, giảm phụ thuộc vào năng suất hay sức lao động. Do đó, nếu không hạn chế được vấn đề này, khát vọng, mong mỏi của Việt Nam khó mà đạt được khi đất nước thiếu người sáng tạo.
Về trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược sàn TMĐT Vỏ Sò - đánh giá việc cố gắng mở rộng quy mô, số lượng người bán của các sàn khiến các khâu kiểm soát, xác minh hàng hóa chưa được chặt chẽ, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối.
Song song, tiêu chuẩn chất lượng của một sản phẩm cũng chưa được chú trọng, đảm bảo khiến người cuối cùng chịu thiệt thòi chính là người tiêu dùng.
Để khắc phục tình trạng này, ngành TMĐT cần có khung pháp lý phù hợp với sự tham gia quyết liệt của các bộ, ban, ngành. Việc đưa người bán lên sàn cần đi qua các khẩu kiểm định như kiểm tra mã số thuế, thông tin doanh nghiệp hay thậm chí xác minh danh tính (KYC).
Một giải pháp đáng lưu tâm được đại diện Vỏ Sò nêu ra là hợp tác với những đơn vị bên thứ ba có nhiệm vụ chuyên truy xuất nguồn gốc, kiểm định tiêu chuẩn chất lượng.
Các startup Việt Nam gọi được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2021
Năm 2021, các startup Việt Nam nhận tổng cộng 1,4 tỷ USD vốn đầu tư từ quỹ trong và ngoài nước. Con số này cao gấp 1,5 lần mức kỷ lục ghi nhận trước đó.
Mobifone nắm giữ hơn 15.000 tỷ đồng tiền mặt
Tổng công ty Viễn thông MobiFone vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, ghi nhận doanh thu hợp nhất 31.217 tỷ cùng hơn 4.800 tỷ lợi nhuận trước thuế.
Các quỹ đầu tư tiền số tiếp tục tháo chạy
Các quỹ đầu tư tài sản kỹ thuật số có tuần thứ 2 liên tiếp rút khỏi thị trường tiền mã hóa với tổng giá trị khoảng 97,3 triệu USD.