Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mổ xẻ tiết lộ gây chấn động Hong Kong của ‘gián điệp TQ bỏ trốn’

Nhiều ý kiến nêu điểm đáng nghi trong lời kể của Wang Liqiang, người sang Australia xin tị nạn, tự nhận là gián điệp Trung Quốc đã hoạt động ở Hong Kong và Đài Loan.

Người đàn ông 27 tuổi Wang Liqiang đã được truyền thông quốc tế đưa tin suốt tuần qua, tạo nên làn sóng lo ngại ở Australia về các chiến dịch gián điệp, can thiệp của Trung Quốc.

Tuy nhiên một số ý kiến chuyên gia hoài nghi những thông tin mà Wang Liqiang đưa ra, và kết luận Wang không phải là gián điệp cấp cao mà Bắc Kinh phái đi để phá hoại các nơi khác, mà có thể chỉ đóng vai phụ trong các nỗ lực tình báo của Trung Quốc.

Wang nói đã tham gia các chiến dịch can thiệp của Trung Quốc ở Hong Kong và Đài Loan, nhưng những ý kiến từ chính Hong Kong và Đài Loan, trong đó có lãnh đạo cơ quan quân báo Đài Loan, gọi Wang là “kẻ nói dối”.

‘gian diep Trung Quoc’ xin ti nan Australia anh 1

Wang Liqiang tự nhận là gián điệp Trung Quốc và đã đào tẩu sang Australia. Ảnh: The Age.

Quá trẻ để làm gián điệp ở cả Hong Kong, Đài Loan?

Nhiều nguồn tin đã nói với tờ The Weekend Australian rằng dù những thông tin đến từ Wang vẫn đang được kiểm chứng, kết luận chung của các cơ quan tình báo Australia là anh không phải là một gián điệp cao cấp như đang tự nhận, Paul Maley, biên tập viên mảng an ninh quốc gia của tờ báo, viết trong một bài bình luận.

Ngoài ra, những người hoài nghi Wang cho rằng việc anh ta có tham gia quá nhiều nhiệm vụ, từ chỉ đạo đội quân trên mạng ở Đài Loan tới việc bắt cóc chủ hiệu sách Hong Kong đưa sang đại lục, là dấu hiệu cho thấy Wang có thể đang nói quá vai trò gián điệp của mình.

“Việc một nhân viên tình báo cấp thấp (đó là giả sử của chúng tôi, vì anh ta mới 27 tuổi) có vai trò lớn trong những hoạt động táo bạo nhắm ở các vùng lãnh thổ khác nhau, trong một thời gian ngắn, là rất hiếm”, bài viết của ông Paul Maley dẫn lời Adam Ni, nhà nghiên cứu từ Đại học Macquarie và là người biên tập một chuyên trang về chính trị Trung Quốc.

Ông Ni đặt câu hỏi tại sao tình báo Trung Quốc lại để vợ và con của Wang sống ở Australia, vì như thế sẽ để cho Wang cơ hội trốn sang nước ngoài.

“Việc Wang khẳng định mình là gián điệp của Trung Quốc là đáng ngờ dựa vào các bằng chứng hiện có”, ông Ni nói.

“Dù vậy, một số tuyên bố của anh cũng đặt dấu hỏi liệu Wang có tham gia một chút vào một số hoạt động mang tính do thám, can thiệp nước ngoài”, ông nói thêm.

Việc Wang làm việc tại Hong Kong như anh khẳng định có thể giúp anh tìm cách ảnh hưởng tới các sinh viên ở đây hoặc phá hoại các tiếng nói ủng hộ độc lập cho đặc khu.

‘gian diep Trung Quoc’ xin ti nan Australia anh 2

Du khách Trung Quốc chụp ảnh ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra, Australia vào tháng 1. Ảnh: New York Times.

Hộ chiếu Hàn Quốc giả nhưng lộ liễu

Leonid Petrov, chuyên gia an ninh người Hàn Quốc ở Đại học Quốc gia Australia, cho biết có những “sai sót nghiêm trọng” trong tấm hộ chiếu Hàn Quốc giả mà Wang nói tình báo Trung Quốc đã cấp cho anh, cũng đã được nhắc đến trong các bản tin. Không những tên tiếng Anh và tên tiếng Hàn không khớp, mà tên tiếng Hàn dường như là tên phụ nữ.

“Liệu tình báo Trung Quốc có cấp hộ chiếu giả mà lại rởm như vậy cho điệp viên của mình hay không?”, ông Paul Maley bình luận trên tờ The Weekend Australian.

“Có hẳn một thị trường hộ chiếu Hàn Quốc giả”, bài viết dẫn lời tiến sĩ Petrov. “Hộ chiếu Hàn Quốc là một trong những hộ chiếu quyền lực nhất trên thế giới. Bạn có thể đi đến nhiều nơi mà không cần visa”.

Wang vẫn chưa phản hồi trước những điểm đáng ngờ trong câu chuyện của mình.

“Càng gây nghi ngờ là rõ ràng Wang có mục đích khi công khai câu chuyện”, ông Maley viết. “Wang đang xin tị nạn và dù kết quả điều tra của an ninh Australia như thế nào, thì Australia cũng không thể trục xuất Wang về nước”, vì Wang có thể lập luận rằng anh chắc chắn sẽ bị Trung Quốc trừng phạt.

“Wang có thể là gián điệp, có thể không, nhưng chắc chắn anh sẽ được định cư ở Australia”, biên tập viên tờ The Weekend Australian viết.

‘gian diep Trung Quoc’ xin ti nan Australia anh 3

Wang nói tình báo Trung Quốc đã cấp cho anh hộ chiếu Hàn Quốc giả. Ảnh: The Age.

Thiếu hiểu biết về cơ quan tình báo của mình

Một thông tin của Wang đã gây chấn động Đài Loan là việc anh đã tham gia chiến dịch lớn tại đây, chỉ đạo đội quân trên mạng nhằm can thiệp vào bầu cử địa phương vào năm ngoái, với mưu tính cuối cùng là khiến lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bị thất bại trong cuộc bầu cử cấp cao sắp tới vào tháng 1/2020.

Bà Thái và đảng ủng hộ độc lập của bà đã tận dụng cơ hội này để công kích sự can thiệp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những đánh giá gay gắt nhất về câu chuyện của Wang đến từ Trung tướng Wong Yen-ching, từng giữ vị trí số 2 trong cơ quan tình báo quân sự của Đài Loan. Ông coi Wang là “kẻ nói dối trắng trợn”.

‘gian diep Trung Quoc’ xin ti nan Australia anh 4

Báo chí Đài Loan bị chia rẽ theo đảng phái khi đưa tin về vụ bê bối được gọi là China-spygate. Ảnh: Nikkei Asian Review.


Từng làm trong nghề quân báo hơn 35 năm, Wong là một trong những chuyên gia dày dạn nhất của Đài Loan về các chiến dịch phản gián đối phó với Trung Quốc, theo Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập tờ South China Morning Post, trong một bài bình luận mới đăng trên tờ báo này.

‘gian diep Trung Quoc’ xin ti nan Australia anh 5
Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập tờ South China Morning Post.

Một trong những thành công lớn nhất của Trung tướng Wong Yen-ching là mua chuộc được một thiếu tướng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong thập niên 90 - đó là nhân vật cấp cao nhất trong quân đội Trung Quốc mà Đài Loan mua chuộc được.

Theo bài viết của ông Wang Xiangwei, Trung tướng Wong trong cuộc phỏng vấn với báo chí Đài Loan đã liệt kê 10 thiếu sót lớn trong câu chuyện của người tự nhận là điệp viên Trung Quốc Wang Liqiang.

Ông Wong nói Wang Liqiang tỏ ra thiếu hiểu biết về chính cơ quan tình báo mà anh nói mình làm cho, và cũng quá trẻ để được giao các nhiệm vụ lớn nhắm vào Đài Loan. Hồ sơ của Wang cũng quá mỏng để có thể được tình báo quân đội tuyển mộ.

Ông Wong cũng nói việc bắt cóc các chủ hiệu sách Hong Kong không phải do tình báo quân đội Trung Quốc thực hiện như Wang nói. Ông Wong nói các nhánh tình báo của Trung Quốc hiếm khi hợp tác với nhau như giới tình báo của các nước khác.

Quan trọng hơn, ông Wong nói khó có khả năng một điệp viên làm việc trên hai mặt trận cùng một lúc là Hong Kong và Đài Loan, vì các cơ quan tình báo trên thế giới đều phân địa bàn rõ ràng cho các mật vụ của họ.

Wang tự nhận rằng mình tham gia sâu vào vụ bắt cóc và đưa sang Trung Quốc 5 chủ hiệu sách Hong Kong vào tháng 10/2015. Bắc Kinh cáo buộc những người này đã xuất bản sách bôi nhọ lãnh đạo Trung Quốc. Vụ việc khiến quốc tế đồng loạt lên án Bắc Kinh.

‘gian diep Trung Quoc’ xin ti nan Australia anh 6

Một poster với ảnh năm chủ hiệu sách mất tích năm 2015, bên ngoài cửa hàng Causeway Bay Books ở Hong Kong. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, chính Lam Wing Kee, một trong số 5 người trên, nói với báo chí Hong Kong tuần trước rằng lời kể của Wang có thể là “nghe được” ở đâu đó, và nói Wang có thể chỉ là tình báo cấp thấp. Và chi tiết về các vụ bắt cóc được đưa tin rộng rãi vào thời điểm đó.

Trung tướng quân báo Đài Loan cũng nói vợ và con của các nhân viên tình báo Trung Quốc đóng ở nước ngoài thường phải ở đại lục, như một phương thức kiểm soát. Nếu Wang đúng là gián điệp, việc vợ và con anh có thể sang Australia là điều khó hiểu.

Ông Wong thậm chí còn cho rằng lời kể của Wang đa phần lấy từ báo chí.

Cần kiểm chứng các nghị sĩ Australia sang Hong Kong

Trong bài bình luận trên South China Morning Post, cựu tổng biên tập tờ báo này Wang Xiangwei cũng nghi ngờ cáo buộc của Wang Liqiang về Huang Xiangmo, một tỷ phú Trung Quốc bị Australia từ chối định cư.

Wang Liqiang kể rằng ông Huang từng đưa một nhóm nghị sĩ Australia tới Hong Kong để gặp Xiang Xin, người mà Wang Liqiang nói là sếp của mình và là chủ tịch một công ty đầu tư ở Hong Kong, nhưng thực chất là trụ sở cho hoạt động quân báo của Trung Quốc.

Tỷ phú Huang, ở Hong Kong, nói Wang Liqiang là “kẻ nói dối tệ” và nói không hề biết Wang.

Trong một loạt tweet, ông Huang thách người tự nhận là điệp viên kia hãy chỉ ra những nghị sĩ nào mà ông đã đưa tới Hong Kong và vào khi nào. Ông nói đó là những thông tin dễ dàng kiểm chứng, vì lịch làm việc của các nghị sĩ phía Australia là thông tin công khai.

‘gian diep Trung Quoc’ xin ti nan Australia anh 7

Sinh viên Hong Kong và đại lục đang cãi cọ ở Đại học Queensland ở Australia vào tháng 7. Ảnh: Twitter.

Cựu tổng biên tập South China Morning Post cũng đặt dấu hỏi về quá khứ của Wang và việc anh ta trở thành lính quân báo.

Theo lời kể của Wang và thông tin trong các hồ sơ, anh học ngành nghệ thuật ở Đại học An Huy từ 2011-2014. Sau đó một quan chức ở trường khuyên anh nên làm việc cho công ty đầu tư về công nghệ, tài chính và truyền thông ở Hong Kong, chính là công ty mà anh làm việc cho Xiang Xin, người anh nói là sếp mình. Vì vậy, Wang chuyển tới Hong Kong năm 2014.

“Để một người Trung Quốc làm việc ở Hong Kong, phải có công ty bảo trợ xin giấy phép đi làm do cơ quan nhập cảnh của Hong Kong chấp thuận, một quy trình có thể kéo dài nhiều tháng”, ông Wang Xiangwei viết trên South China Morning Post. “Thật khó hiểu nếu tình báo quân đội Trung Quốc phải mất công tuyển mộ một người mới ra trường, học về nghệ thuật, rồi cử sang Hong Kong để làm việc”.

“Tất nhiên, việc Wang dám đẩy mọi việc đi xa tới vậy có thể cho thấy anh ta có một số thông tin gì đó, nhưng vẫn không rõ đó là những thông tin gì”, ông Wang Xiangwei viết tiếp.

Chính phủ Australia cũng đang cẩn trọng trong vụ việc, cho biết đang cân nhắc nghiêm túc đơn xin tị nạn của Wang, nhưng cũng đang “cố tách bạch sự thật và bịa đặt”.

Trong một thông cáo hiếm hoi ngày 25/11, Mike Burgess, giám đốc cơ quan tình báo nội địa của Australia, cho biết cơ quan của ông biết về vụ ông Zhao và coi đây là vụ việc nghiêm trọng.

Trung Quốc lên tiếng nói ông Wang là kẻ lừa đảo đã bị kết án. Tờ Global Times, phụ san của tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, công bố video phiên tòa năm 2016 trong đó ông Wang thừa nhận đã lừa đảo 17.000 USD.

“Không còn nghi ngờ gì nữa về việc Bắc Kinh đang táo bạo đẩy mạnh hoạt động do thám các nước khác, nhằm khẳng định mình hơn trên trường quốc tế, nhưng khó có khả năng Wang là một mắt xích quan trọng trong bộ máy đó”, ông Wang Xiangwei viết trên South China Morning Post.

“Mục đích chính của anh ta có thể là xin tị nạn ở Australia do phiên tòa lừa đảo trên”.

Cú sốc với Australia sau báo động dồn dập về gián điệp Trung Quốc

Australia đang trải qua cú sốc lớn và xét lại sự hợp tác “cùng nhau làm giàu” với Trung Quốc, khi một doanh nhân cáo buộc đặc vụ Bắc Kinh âm mưu cài cắm ông vào Quốc hội Australia.

Hong Kong, Đài Loan rúng động vì 'gián điệp Trung Quốc' rò rỉ tin mật

Câu chuyện về "điệp viên" 26 tuổi Wang William Liqiang, người đang xin tị nạn tại Australia, khiến Hong Kong và Đài Loan chấn động giữa bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc đại lục.


Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm