Sáng 24/11, khi cử tri bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng quận ở Hong Kong, nơi các lực lượng dân chủ sau đó đạt được một chiến thắng lịch sử, Đài Loan xôn xao với vụ bê bối mới.
Tại một cửa hàng tiện lợi ở Đài Bắc, nhân viên chỉ vào góc của cửa hàng, nơi các khách hàng tìm kiếm kệ báo với các tờ báo ngày xếp chồng lên nhau.
Theo Nikkei Asian Review, câu chuyện về một người đàn ông Trung Quốc 26 tuổi tuyên bố từng tham gia các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh đã tạo ra cơn sốt.
Người đàn ông xuất hiện trên báo chí Australia cuối tuần qua đã cung cấp cho tình báo nước này những chi tiết chưa từng có về sự can thiệp chính trị của Trung Quốc bên ngoài đại lục.
Dư luận Đài Loan chia rẽ vì "gián điệp Trung Quốc"
Bên cạnh các cáo buộc, anh ta tự nhận là điệp viên Wang William Liqiang, người tự xưng là từng tham gia các hoạt động can thiệp vào cuộc bầu cử địa phương Đài Loan vào mùa thu năm ngoái. Đó là cuộc bầu cử đảng Dân chủ Tiến bộ của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, hay DPP, chịu thất bại tàn khốc.
Wang William Liqiang tuyên bố là một phần trong nhiệm vụ gián điệp của Trung Quốc nhằm xâm nhập các cuộc bầu cử địa phương Đài Loan. Ảnh: Getty. |
Thông tin chấn động được đưa ra chỉ một tháng rưỡi trước cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào ngày 11/1/2020, trong đó bà Thái đối đầu ông Hàn Quốc Du của Quốc dân đảng, phe đối lập chính.
Quốc dân đảng của ông Hàn đã thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc đại lục và giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử năm ngoái nhưng không duy trì được cảm tình của cử tri. Một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy bà Thái vượt lên đáng kể so với ông Hàn trong cuộc tranh cử.
Báo chí Đài Loan bị chia rẽ mạnh theo đảng phái khi đưa tin về "gián điệp Trung Quốc".
"Trung Quốc có âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan", trang nhất một tờ báo thân cận với DPP tuyên bố.
"'Gián điệp' là kẻ bị kết tội lừa đảo. Can thiệp bầu cử là dối trá", một tờ báo khác ủng hộ ông Hàn lên tiếng.
Dù bằng cách nào, những người yêu thích chính trị Đài Loan không thể ngừng nói về vụ việc và cuộc bầu cử sắp tới, trên bàn ăn tối của gia đình và tại các nhà hàng với bạn bè. Đây cũng là chủ đề thường xuyên của cuộc trò chuyện giữa tài xế taxi và hành khách.
Báo chí Đài Loan bị chia rẽ theo đảng phái khi đưa tin về vụ bê bối được gọi là China-spygate. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Ông Hàn, ứng viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan, đột nhiên bị lôi kéo vào "vụ bê bối gián điệp Trung Quốc". Ông ngay lập tức đáp trả bằng cách nói rằng ông sẽ bỏ cuộc bầu cử nếu có bằng chứng ông đã nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Bắc Kinh.
Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp lý Trung ương của đảng Cộng sản, chuyên giám sát tư pháp và cảnh sát Trung Quốc, đã công bố "báo cáo tình hình" của cơ quan an ninh Thượng Hải trên tài khoản WeChat. Báo cáo nói rằng Wang, người xin tị nạn ở Australia, là "kẻ lừa đảo bị kết án và sử dụng hộ chiếu giả".
Những rủi ro nếu sự thật phơi bày
Hôm 25/11, khi các lực lượng dân chủ giành chiến thắng vang dội ở Hong Kong, vụ bê bối gián điệp Trung Quốc có diễn biến mới quan trọng ở Đài Loan.
Một người đàn ông và vợ bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Đào Viên Đài Loan khi tìm cách rời hòn đảo. Người đàn ông phụ trách một công ty mà Wang cáo buộc là cơ sở hoạt động gián điệp ở Hong Kong và Đài Loan. Hai người đã được đưa trở lại Đài Bắc để cơ quan điều tra thẩm vấn.
Đây là bước đi công khai đầu tiên của chính quyền Đài Loan để điều tra vụ án gián điệp. China Innovation Investment, công ty niêm yết tại Hong Kong bị Wang nêu tên, cho biết Giám đốc điều hành Xiang Xin và vợ Kung Ching, một giám đốc khác tại công ty, đang hợp tác điều tra. Chính quyền Đài Loan đã cấm cặp vợ chồng rời hòn đảo.
Lời khai của Wang chưa dừng lại ở đó. Anh tuyên bố có liên quan đến việc bắt giữ các chủ hiệu sách Hong Kong vào năm 2015.
Một poster với ảnh năm chủ hiệu sách mất tích năm 2015, bên ngoài cửa hàng Causeway Bay Books ở Hong Kong. Ảnh: Getty. |
Vụ việc tại Causeway Bay Books, một cửa hàng sách ở Hong Kong nổi tiếng về xuất bản và bán các tác phẩm chỉ trích đại lục. Các chủ hiệu sách sau đó bị đưa đến đại lục từng người một, làm dấy lên những chỉ trích gay gắt về mức độ tự trị được hứa hẹn của đặc khu.
Trong bức tranh lớn hơn, đó là hạt nhân cuối cùng dẫn đến phong trào biểu tình lan rộng ở Hong Kong trong năm nay. Lo sợ lặp lại vụ bắt cóc chủ hiệu sách, người Hong Kong biểu tình chống lại dự luật cho phép chính quyền dẫn độ nghi phạm hình sự về đại lục.
Những người biểu tình cho rằng nếu dự luật được thông qua, vụ bắt cóc bí mật tại Causeway Bay Books có thể được thực hiện giữa ban ngày.
Bê bối gián điệp Trung Quốc có khả năng giáng đòn nghiêm trọng vào DPP hoặc Quốc dân đảng nếu toàn bộ sự thật được phơi bày. Với rất nhiều nguy cơ, cuộc chiến thông tin đang phát triển giữa Trung Quốc và Đài Loan để tìm cách kiểm soát câu chuyện.
Hơn nữa, vụ việc xảy ra ở Australia, điểm nóng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang vướng vào một cuộc chiến thương mại dai dẳng.
Cuộc giằng co có những điểm tương đồng với vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, con gái đầu của nhà sáng lập Huawei Technologies Nhậm Chính Phi và là giám đốc tài chính của công ty, người bị bắt và giam giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.