Trận thua Stoke City là thất bại thứ 3 liên tiếp của Chelsea ở Ngoại hạng Anh, khiến đội bóng này chỉ có 11 điểm sau 12 trận và còn cách nhóm xuống hạng đúng 3 điểm.
Thông tin từ Sunday Express cho biết, ông chủ Abramovich đã họp bàn với ban lãnh đạo (BLĐ) về tương lai của HLV Mourinho sau trận thua vừa qua. Quyết định sẽ được đưa ra sau loạt trận giao hữu quốc tế. Hiện tại, Chelsea được cho là đã lên danh sách các HLV có khả năng thay thế Mourinho, bao gồm Brendan Rodgers, Roberto Di Matteo và Guus Hiddink.
Chỉ cách đây vài tháng, Chelsea còn đứng trên đỉnh cao danh vọng sau khi đăng quang ngôi vương Ngoại hạng Anh lần thứ 4. Bây giờ, họ đang phải gồng mình cho cuộc đua trụ hạng. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn tới cuộc khủng hoảng trầm trọng này?
Cỗ máy quá nhiều chi tiết hỏng
Từ trước đến nay, chuyện “quân thua chém tướng” thường xuyên xảy ra. HLV rất dễ bị sa thải nếu đội bóng chơi không tốt. Nhưng nghĩ thấu đáo hơn, thành bại của đội bóng phụ thuộc rất nhiều vào cầu thủ, bởi họ là những người xỏ giày ra sân chứ không phải HLV.
Các trụ cột của Chelsea sa sút khó tin đến mức nhiều người cho rằng đang có một âm mưu chống lại Mourinho. Ảnh: Getty Images |
Các chuyên gia cho rằng Mourinho đã cố gắng để làm ấm lại mối quan hệ với các môn đồ trong hai tuần qua, nhưng bất ổn ở Chelsea dường như đã nghiêm trọng đến mức không cho ông còn đường lùi. Trước đó, chiến lược gia người Bồ Đào Nha liên tục đổ lỗi cho học trò và Hazard là người phải chịu chỉ trích nặng nề nhất.
Mối quan hệ thân thiết giữa Mourinho và Hazard đã xuất hiện những vết nứt từ đầu mùa giải, nhanh chóng lan rộng và đổ sụp như một hố sâu khổng lồ. Hai thầy trò này thậm chí không thèm nhìn mặt nhau khi Hazard bị thay ra trong trận thua Liverpool 1-3. Chỉ ít tháng trước, Mourinho còn ca ngợi học trò xuất sắc ngang Messi và Ronaldo.
Eden Hazard là cầu thủ xuất sắc nhất nước Anh mùa giải trước, nhưng anh vẫn chưa ghi được bàn thắng nào sau 18 lần ra sân ở các giải đấu mùa này. Người từng là trụ cột và niềm cảm hứng, sự cứu rỗi của Chelsea lại trở thành gánh nặng của toàn đội hiện tại.
Chelsea sa sút theo hệ thống. Terry chậm chạp và cú chuồi bóng hụt dẫn đến bàn thắng của Sadio Mane trong trận Chelsea thua Southampton là hình ảnh tiêu biểu của anh. Matic sa sút thảm hại theo cách “không thể tin nổi” và thậm chí còn phải nhận hai thẻ đỏ trong tháng 10. Fabregas đánh mất những đường kiến tạo sắc lẹm. Diego Costa thì chỉ nhăm nhăm gây sự với đối phương. Còn Ivanovic, fan Chelsea thậm chí còn chế giễu: “Nếu có cô gái nào trao cho bạn nhiều cơ hội như Mourinho trao cơ hội cho Ivanovic, hãy cưới cô ấy làm vợ”.
Khi các cậu học trò đồng loạt sa sút, Mourinho chẳng còn biết bấu víu vào đâu và việc xoay chuyển tình thế là “bất khả thi”. Chelsea có thể đang là nhà ĐKVĐ Ngoại hạng Anh, nhưng điều đó không giúp họ trở thành kẻ chinh phục tự nhiên.
Không còn thủ lĩnh tinh thần
Đội trưởng Terry về bề nổi vẫn là người ủng hộ ông thầy Mourinho. Nhưng thật khó có thể nói trước điều gì, nhất là với Terry, người từng dính nghi án “lật ghế” HLV trong quá khứ. Ngay cả khi đánh mất mình và phải chật vật đấu tranh cho một vị trí chính thức, Terry vẫn là “đàn anh” của phòng thay đồ, nhưng sẽ rất khập khiễng nếu coi anh như một thủ lĩnh tinh thần. Đội trưởng cũng đá kém thì khó xốc lại khao khát thi đấu của toàn đội.
Chelsea thực sự cần thủ lĩnh tinh thần như Drogba. Ảnh: Daily Mail |
Mourinho thực sự thiếu người lãnh đạo phòng thay đồ thực thụ, có khả năng hô hào đồng đội, khiến đồng đội “nhìn mà học tập”. Những lúc Chelsea khó khăn, họ lại nhớ Didier Drogba.
Ngày còn ở Galatasaray, Drogba từng nói rằng anh cảm thấy giữa anh với ông thầy Mourinho còn có những sứ mệnh chưa hoàn thành. Sneijder từng “xin chết” vì Mourinho, nhưng có lẽ ông yêu quý Drogba nhất, vì ông đã từng 2 lần đưa Drogba về Chelsea. Lần đầu tiên là năm 2004, mua với giá 24 triệu bảng từ Marseilles. Lần thứ hai là đưa Drogba về để truyền kinh nghiệm, làm chỗ dựa tinh thần cho lớp trẻ.
Drogba thời kỳ đầu ở Chelsea không chú ý và đánh giá cao nhu cầu nổi tiếng hay thậm chí là làm “cái rốn vũ trụ” của Mourinho. Anh chỉ chuyên tâm vào công việc của mình. Đó có lẽ cũng là thông điệp mà huyền thoại của Chelsea muốn gửi đến lớp đàn em đang gặp nhiều khó khăn ở Chelsea hiện tại.
Drogba lần thứ hai về Chelsea không còn nhiều ảnh hưởng trên sân bóng. Nhưng có thể xem anh là người khuấy động phong trào với các màn DJ sôi động trước trận đấu, ăn mừng chiến thắng theo kiểu ấn tượng. Anh cổ vũ tinh thần đồng đội, đưa ra định hướng “một người vì mọi người” và “mọi người vì một người”, chạy bên đường biên nhắc nhở đồng đội khi cần “câu giờ”... Chelsea hiện tại hoàn toàn thiếu một người sống bằng năng lượng tinh thần dồi dào như thế. Một người anh cả đúng nghĩa, chưa bao giờ bị coi là “cừu đen” như John Terry.
Thất bại trong kỳ chuyển nhượng
Kỳ chuyển nhượng mùa hè hoàn toàn không diễn ra theo ý muốn của Mourinho. Sự kiện đầu tiên là việc ông chủ Abramovich cho Petr Cech tự do lựa chọn bến đỗ mới. Mourinho phản đối rất quyết liệt đặc ân dành cho Petr Cech, bởi trước đó thủ thành người CH Czech bày tỏ mong muốn gắn bó với thủ đô London, tức là sẽ chuyển đến một đội bóng đối thủ của Chelsea. Cuối cùng Cech chuyển sang Arsenal và Mourino bày tỏ sự thất vọng tột cùng.
Cuộc đào tẩu của Cech sang Arsenal có thể là khởi nguồn của mâu thuẫn mới ở Chelsea. Ảnh: Getty Image |
Đã mất Cech cho đối thủ, Mourinho thậm chí còn không được tăng cường những bản hợp đồng theo mong muốn. Cuối mùa giải trước, ông chỉ ra những vị trí Chelsea còn thiếu hụt nhân lực: một trung vệ, một tiền vệ phòng ngự, một tiền vệ cánh và một trung phong. Tất cả phải ở đẳng cấp cao nhất.
Nhưng cuối cùng, kỳ chuyển nhượng khép lại mà Chelsea không có thêm sự bổ sung nào đáng chú ý. John Stones công khai bày tỏ tình cảm và quyết dứt áo ra đi nhưng Chelsea lại không thể đưa anh về Stamford Bridge dù ra giá 40 triệu bảng.
Người ta từng ca ngợi Chelsea với thương vụ “hớt tay trên” Pedro của MU và chế giễu vụ mua Martial là “mua sắm trong hoảng loạn”. Nhưng tình thế hiện tại ra sao ai cũng hiểu.
Để chữa cháy, BLĐ Chelsea vội vàng dúi vào tay Mourinho hai cầu thủ là Papy Djilobodji và Michael Hector. Hai bản hợp đồng có trị giá tổng cộng 6 triệu bảng thì một người mới được ra sân 1 trận ở League Cup, người còn lại đang phiêu bạt ở Reading.
Kể từ khi được mang về những cầu thủ ưa thích, ảnh hưởng của Mourinho ở chiến lược chuyển nhượng đã bị phai nhạt dần. Bản hợp đồng xem được nhất của Chelsea ở mùa giải này, Baba Rahman, do GĐKT Emenalo đưa về.
BLĐ Chelsea sát cánh cùng Mourinho trong cuộc “khủng hoảng truyền thông” mà ông tạo ra, sau khi nổi đóa với bác sĩ Eva Carneiro và chuyên gia vật lý trị liệu Jon Fearn. Nhưng rồi sự kiên nhẫn cũng dần đi đến giới hạn. Mourinho liên tục đổ lỗi, chửi bới tất cả, từ học trò, phóng viên, đối thủ và các trọng tài. Án phạt cấm một trận ông phải chịu ở trận thua Stoke City vừa qua cũng đến từ hành vi chửi bới trọng tài Jon Moss rất thô thiển.
Sở dĩ Mourinho trước đây được cấp trên “lờ đi” vì ông là một chuyên gia chiến thắng. Nhưng nếu không có chiến thắng, ông sẽ chẳng còn lại gì. Phong cách hắc ám của Mourinho tạo ra quá nhiều hình ảnh xấu xí cho mỗi đội bóng mà ông huấn luyện, vậy nên người ta sẽ sa thải ông không thương tiếc, một khi ông không còn là chuyên gia chiến thắng.
Nhưng nếu sa thải Mourinho bây giờ, ai sẽ thay ông? Chelsea là một điểm nóng, là nơi mà các HLV đều muốn tránh. Và thực tế nhiều năm qua đã chứng minh rằng sa thải HLV sẽ giúp cầu thủ Chelsea đá lên chân, nhưng quãng thời gian ấy chỉ được vài tháng. Sau chuỗi trận thăng hoa ngắn ngủi, mọi chuyện sẽ trở lại như cũ. Vấn đề hiện tại là ở cầu thủ Chelsea. Vậy nên, hãy cho ông thời gian và cơ hội mua sắm ở kỳ chuyển nhượng mùa đông.