Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mở thêm khu vực quy tập mộ để làm vành đai 4 ở Hà Nội

Người dân không muốn quy tập mồ mả về nghĩa trang tập trung, Ban chỉ đạo dự án Vành đai 4 Hà Nội quyết định mở thêm các diện tích đất ở thôn, xã để di dời.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố liên quan đến tiến độ triển khai dự án đường vành đai 4 Vùng thủ đô.

Đến ngày 3/2, thành phố đã bàn giao được 204,65 ha, đạt 25,64% tổng diện tích đất cần thu hồi để làm đường vành đai 4.

vanh dai 4 Ha Noi anh 1

Lãnh đạo xã Văn Bình (Thường Tín) trao đổi với người dân về phương án di dời mồ mả để thi công vành đai 4. Ảnh: Ngọc Tân.

Trong đó, số mồ mả đã di dời là 5.187 trên tổng số 11.682 ngôi mộ, đạt 44%. Một số huyện đã hoàn tất công tác di chuyển mộ như Mê Linh (100%), Sóc Sơn (100%).

Về công tác bố trí tái định cư, đến ngày 3/2, tất cả dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng vành đai 4 tại Hà Nội đã được phê duyệt.

Trong quá trình di dời mồ mả, Hà Nội chủ trương quy tập mộ về các nghĩa trang tập trung. Tuy nhiên, điều này vấp phải khó khăn do người dân địa phương không muốn di dời mồ mả người thân ra ngoài phạm vi thôn, xã hiện tại.

Theo nguyện vọng của người dân và phong tục tập quán địa phương, việc di chuyển mộ thường được thực hiện trước ngày 23 tháng Chạp, trong phạm vi quanh khu vực làng, xóm đang sinh sống.

vanh dai 4 Ha Noi anh 2

Sau khi di dời mồ mả ra khỏi chỉ giới đường vành đai 4, người dân xã Văn Bình (Thường Tín) tập kết mộ phần về một khu nghĩa trang tập trung trên địa bàn xã. Ảnh: N.Đ.

Để đáp ứng nguyện vọng của người dân và phù hợp với phong tục, tập quán của vùng miền, Hà Nội có chủ trương cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang hiện có tại thôn, xã, phường để quy tập các ngôi mộ.

Việc thuận theo phong tục, tín ngưỡng của người dân phần nào cho thấy những khó khăn của thành phố trong việc quy hoạch nghĩa trang theo hướng tập trung, tránh manh mún, nhỏ lẻ.

Trao đổi với Zing, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định việc phải di dời mồ mả nhường đất xây vành đai 4 là đóng góp, hy sinh của người dân cho lợi ích chung, nhưng đây đồng thời cũng là thời cơ để Hà Nội tái quy hoạch lại hệ thống nghĩa trang cấp thôn xã, tránh tình trạng tự phát, manh mún.

Việc xây dựng nghĩa trang theo quy mô nhỏ, manh mún và rải rác trên địa bàn Hà Nội là thói quen lâu đời, nhưng nay không còn phù hợp vì làm ảnh hưởng đến cảnh quan và gây trở ngại cho quá trình xây dựng nhà ở, đô thị hóa.

Ông Chính nêu thực trạng hiện nay tại Hà Nội, trong một xã có tới 4-5 vị trí chôn cất, xã nào quy hoạch tốt mới có riêng ra một nghĩa trang tập trung.

"Tôi cho rằng Hà Nội phải làm gấp việc di dời mồ mả, buộc phải xong trước Tết Âm lịch theo tín ngưỡng địa phương nên đã không chủ động được việc quy tập về nghĩa trang tập trung, dẫn đến địa phương nào cũng bốc mộ lên rồi di dời ra ngay bên cạnh", ông Chính nhận định.

Vị chuyên gia vẫn lấy làm tiếc khi thành phố đã tốn công sức thuyết phục người dân cất bốc mồ mả, nhưng không thuyết phục được họ di dời về nơi tập trung. Về mặt quy hoạch, ông cho rằng 2-3 xã nên xây chung một nghĩa trang lớn.

Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội

Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.

Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Người Hà Nội ngán ngẩm vì nhà cửa sát vách nghĩa trang

Khi các khu đô thị mới mọc lên trên nền đất nông thôn, việc phải sống cạnh nghĩa trang đang tạo ra bức xúc trong đời sống cư dân tại Hà Nội.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm