Theo AFP, kế hoạch tăng cường kho vũ khí hạt nhân, được đưa ra trong dự thảo báo cáo đánh giá hiện trạng của Lầu Năm Góc, nhấn mạnh các mối đe dọa đối với nước Mỹ hiện đã phức tạp hơn nhiều so với dưới thời Tổng thống Obama.
"Các mối đe dọa toàn cầu đã xấu đi đáng kể, nước Mỹ hiện đối mặt mối đe dọa hạt nhân dưới nhiều dạng thức và tiên tiến hơn bao giờ hết", Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis viết trong lời mở đầu báo cáo.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: CNN. |
Chiến lược hạt nhân mới của Lầu Năm Góc, bên cạnh việc duy trì chương trình hiện đại hóa đã có từ thời Obama, đưa ra yêu cầu phát triển các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ. Vũ khí hạt nhân "chiến thuật" tuy cỡ nhỏ nhưng vẫn có sức mạnh khủng khiếp tương đương hai quả bom nguyên tử từng được sử dụng ở Nagasaki và Hiroshima.
Giới chức Mỹ lo ngại các loại vũ khí hạt nhân thông thường có sức mạnh quá khủng khiếp, việc sử dụng các thiết bị như thế có thể tạo ra đòn trả đũa trên diện rộng từ các đối thủ của Mỹ, dẫn tới thiệt hại sinh mạng quá mức chịu đựng. Vì vậy, khả năng sử dụng các thiết bị hạt nhân thông thường là phi thực tế.
Lầu Năm Góc tin rằng việc sở hữu các loai vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ sẽ gửi đi thông điệp tới các đối thủ, cho thấy Mỹ sẵn sàng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân và duy trì năng lực răn đe hạt nhân trước hành động khiêu khích của các đối thủ.
Bản đồ vũ khí hạt nhân thế giới. Đồ họa: Business Insider. |
Một quan chức Lầu Năm Góc trước đó cho biết báo cáo đề xuất khoản ngân sách lên tới 1.200 tỷ USD phục vụ nghiên cứu và kế hoạch mua sắm vũ khí hạt nhân cho quân đội Mỹ tới năm 2030. Máy bay ném bom B-21, tàu ngầm lớp Columbia và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân là các khí tài Lầu Năm Góc quan tâm.
Một số chuyên gia lo ngại chiến lược hạt nhân mới của Lầu Năm Góc, thay vì giảm nguy cơ xung đột hạt nhân, sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm trầm trọng thêm tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân.
"Chính sách mới này sẽ thúc đẩy những kẻ hiếu chiến tại một số quốc gia khác với lập luận vũ khí hạt nhân là con bài sống còn để đảm bảo an ninh", Barry Blechman, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chính sách Stimson Centre, nói với AFP.