Pamela McLean là người đi đầu trong lĩnh vực huấn luyện tại Mỹ bằng việc chỉ ra sự cần thiết của việc giám sát chất lượng trong hành trình đào sâu bản ngã của con người.
Bà viết Huấn luyện tự thân, lãnh đạo tự thân với mục đích giúp các huấn luyện viên và nhà lãnh đạo “thực hiện bước nhảy vọt từ tốt đến vĩ đại”.
Bản thân là công cụ chính để huấn luyện
TS Pamela McLean là giám đốc điều hành và đồng sáng lập Học viện Huấn luyện Hudson (Mỹ). Ảnh: Twitter Pamela McLean. |
Cuốn sách là thành quả nỗ lực và ảnh hưởng của nhiều người mà Pamela McLean từng tiếp xúc. Trong đó, những đóng góp quan trọng đến từ hàng trăm huấn luyện viên và nhà lãnh đạo đã làm việc cùng bà trong suốt hơn 30 năm qua.
Học hỏi từ họ cách tạo động lực để hoàn thành công việc, Pamela McLean ghi chép có chọn lọc những kinh nghiệm ấy, biến chúng trở nên khả thi khi đưa vào Huấn luyện tự thân, lãnh đạo tự thân. Sách được phát hành ở cả dạng sách in và sách nói.
Cụm từ “tự thân” xuất hiện hai lần trong tiêu đề cuốn sách phần nào nói lên tinh thần của mô hình mà tác giả dụng công xây dựng.
Bà nhận định “nghề” huấn luyện và lãnh đạo được bồi đắp, phát triển từ chính bản thân người đó, không do yếu tố tác động bên ngoài.
Theo Pamela McLean, các lãnh đạo và huấn luyện viên phải “phát triển phiên bản tốt nhất của bản thân để trở thành những nhà lãnh đạo thực thụ”.
Leonardo da Vinci từng nói: “Quyền lực của một người bị giới hạn trong cách anh ta làm chủ chính mình”. Đồng tình với quan điểm đó, “huyền thoại” của “nghề” huấn luyện Mc Lean xây dựng mô hình dựa trên sự duy trì phát triển của bản thân; đồng thời, không ngừng khám phá các khía cạnh và cơ hội mới, nhằm nâng cao năng lực huấn luyện của mình.
“Nếu không sử dụng bản thân như công cụ quan trọng nhất trong công việc, chúng ta sẽ bị hạn chế đáng kể, cả về mặt con người và sự nghiệp”, tác giả viết.
Huấn luyện tự thân, lãnh đạo tự thân được phát hành ở cả dạng sách in và sách nói. Ảnh: H.T. |
Các khía cạnh của mô hình huấn luyện tự thân
Đối với McLean, các khía cạnh của mô hình huấn luyện tự thân là: Sự hiện diện, lòng cảm thông, lòng dũng cảm, phạm vi cảm giác, các giới hạn hệ thống và sự hiện hữu. Trong đó, sự hiện diện là nền tảng để nắm bắt công việc huấn luyện và “không có đường tắt nào để đạt được nó”.
Những khía cạnh này, đôi khi, con người phải sử dụng cùng thời điểm, nhưng ở các mức độ khác nhau và biến đổi phù hợp.
Edna Murdoch, CEO Học viện Giám sát Huấn luyện CSA (London, Anh), cho biết với những kỹ năng này, cuốn sách là hiệu triệu cho huấn luyện viên muốn vượt qua giới hạn của các phương pháp huấn luyện và thực hành chỉ dựa trên năng lực.
Với mô hình huấn luyện của mình, cuốn sách của Pamela McLean nhận được nhiều lời tích cực từ các nhà lãnh đạo ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
Phó chủ tịch phụ trách Đào tạo và Phát triển toàn cầu của Facebook - Amy Hayes - nói: “Những quả bom chứa đầy trí tuệ từ nữ hoàng của nghề huấn luyện! Có cuốn sách bên cạnh giống như việc có Pamela McLean ở cạnh bất cứ khi nào ta cần vậy”.
Trong khi đó, GS Steve Milovich nhận xét cuốn sách là “một lớp học tuyệt vời hướng dẫn cách trở thành huấn luyện viên bằng cách khai thác toàn bộ chiều sâu bản ngã và tiềm năng của một con người”. Đó là sự pha trộn hoàn hảo giữa nghệ thuật và khoa học kết hợp trí tuệ.