Trên lan can dọc theo lối đi ở suối Yangjae, công viên công cộng lớn ở phía nam Seoul, Hàn Quốc, một tấm biểu ngữ lớn yêu cầu người dân duy trì giãn cách xã hội. Đầu mùa xuân này, công viên đã đóng cửa trong nhiều tuần khi Hàn Quốc đang đấu tranh để mở cửa trở lại nơi từng là ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, Nikkei Asia Review cho biết.
Công viên đã mở cửa trở lại, nhưng khách tham quan được yêu cầu đeo khẩu trang. Thực phẩm, lều, thảm dã ngoại mà trước đây du khách từng mang theo khi tham quan công viên bị cấm. Chính quyền vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội do lo ngại đợt bùng phát mới.
Hàn Quốc đang tận hưởng mùa xuân mát mẻ với mức độ ô nhiễm không khí thấp, nhưng công viên gần như trống rỗng vào một buổi tối gần đây. Lee Su Na, một người dân đã ra ngoài để đi bộ. Cô cho biết cảm thấy thoải mái khi đến một không gian mở như công viên, nhưng cô vẫn tránh các nhà hàng và quán café.
“Chúng tôi vẫn lo lắng về những điều tốt đẹp đang diễn ra, chúng ta không bao giờ biết một nơi nào đó dịch bệnh có thể đột ngột bùng phát trở lại”, cô Lee nói.
Mở cửa trở lại và rủi ro kéo theo
Việc Hàn Quốc xử lý đại dịch Covid-19 được ca ngợi là một phản ứng thành công. Xét nghiệm trên diện rộng, theo dõi dấu vết bệnh nhân và các biện pháp phong tỏa xã hội, huy động toàn bộ nguồn lực chăm sóc sức khỏe đã giúp kiểm soát số ca nhiễm ổ dịch bùng phát mạnh vào tháng 3.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Hàn Quốc khá thấp, chỉ khoảng 270 người trong số hơn 11.000 ca nhiễm. Ở đỉnh điểm của sự bùng phát, chính quyền đã buộc đóng cửa tất cả công viên, thư viện, trường học và đình chỉ các hoạt động tôn giáo.
Công viên ở Hàn Quốc vẫn duy trì giãn cách xã hội đối với người dân đến tham quan. Ảnh: AFP. |
Nhưng Hàn Quốc đã cho thấy những rủi ro trong việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa xã hội. Ngày 6/5, Hàn Quốc nới lỏng một số biện pháp, nhưng chỉ vài ngày sau, một số ca nhiễm mới liên quan đến các hộp đêm ở Seoul đã xuất hiện. 35.000 người đã được xét nghiệm để sàng lọc.
“Tôi thấy chính xác điều tương tự ở Đức, Singapore và tôi nghĩ rằng họ đã mở cửa trở lại quá nhanh và ồ ạt. Việc này phải được thực hiện cực kỳ chậm rãi và cẩn trọng, những quốc gia này đã không quản lý tốt điều đó”, Adrian Esterman, giáo sư tại Đại học South Australia nói.
Ví dụ ở Hàn Quốc cho thấy Covid-19 có thể quay trở lại nhanh như thế nào. Ngay cả đối với những quốc gia kiểm soát tốt đợt bùng phát đầu tiên, việc mở cửa trở lại nền kinh tế, xã hội sẽ rất khó khăn và nguy hiểm.
“Phong tỏa nền kinh tế là khó khăn và đau đớn, nhưng mở cửa trở lại là một thử nghiệm trong vi mô”, Antonio Fatas, giáo sư tại Trường kinh doanh Insead ở Singapore nói.
Sự cân bằng mong manh
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa xã hội. Việc mở cửa trở lại ở các quốc gia được dựa trên số ca nhiễm mới hàng ngày theo xu hướng giảm dần, còn gọi là chỉ số R.
Chỉ số R dưới 1 được coi là an toàn để bắt đầu mở cửa dần các hoạt động kinh tế và xã hội. Trong khi đó, nếu chỉ số R vẫn cao hơn 1 điều đó có nghĩa là ổ dịch vẫn đang phát triển. Chỉ số R ở New York từng đạt tới mức 8, trong khi ở Singapore là 4,5.
Bãi biển ở Hong Kong ken cứng người sau 2 tuần không có ca nhiễm mới. Ảnh: Reuters. |
Phong tỏa xã hội chính là biện pháp để hạ thấp chỉ số R, bằng cách hạn chế bệnh nhân tiếp xúc với người khác. Tại Anh, các biện pháp phong tỏa xã hội dù muộn màng nhưng đã giúp giảm chỉ số R từ 3,3 xuống còn 0,9 sau 25 ngày.
Tại Hàn Quốc, sau 54 ngày phong tỏa xã hội, chỉ số R đã giảm từ 3 xuống còn 0,7. Dù chỉ số R ở một số quốc gia đã đạt ngưỡng an toàn để mở cửa trở lại, nhưng các chuyên gia vẫn lo lắng về những người mang virus không có triệu chứng có thể tạo ra đợt bùng phát mới còn nguy hiểm hơn.
Các quốc gia tin rằng họ đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nhanh chóng bị bùng phát trở lại ở một điểm mù nào đó. Điều này đã từng xảy ra ở Singapore, nơi đã cố gắng ngăn chặn sự lây nhiễm cộng đồng ở mức thấp, cho đến khi virus tấn công ký túc xá của công nhân nhập cư.
Chỉ từ hơn 200 ca nhiễm vào tháng 3, Singapore đã ghi nhận thêm 9.000 ca nhiễm mới chỉ sau một tháng. Bài học từ Singapore đã thúc đẩy chính phủ các nước Hàn Quốc và Trung Quốc thận trọng hơn với sự bùng phát mới.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh mở cửa 24/24 để phát hiện và phản ứng nhanh trước bất kỳ trường hợp nghi nhiễm nào. Xét nghiệm trên diện rộng vẫn là một giải pháp quan trọng để dập tắt bất kỳ đầu mối lây nhiễm nào.
Lối thoát chiến lược là gì?
Những rủi ro khi mở cửa trở lại sớm đã thể hiện rất rõ ràng, một số quốc gia đã vạch ra lộ trình mở cửa trở lại dù số ca nhiễm mới vẫn còn. Tại Anh, chỉ số R dưới 1 là đủ để chính phủ nới lỏng các hạn chế xã hội vốn lỏng lẻo so với tiêu chuẩn toàn cầu.
Các hoạt động kinh tế, xã hội ở Anh bắt đầu được nối lại, trong khi Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân cảnh giác. Anh ghi nhận hơn 250.000 ca nhiễm và hơn 30.000 ca tử vong, một trong những tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Các tấm che được dựng lên trong quán ăn ở Hàn Quốc để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: Getty. |
Tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyên các tiểu bang nên xem xét mở cửa trở lại, khi số ca nhiễm mới liên tục giảm trong 42 ngày qua. Tuy vậy, Tổng thống Donald Trump muốn đẩy nhanh việc mở cửa trở lại.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới. Dù ổ dịch lớn nhất nước Mỹ ở bang New York đã được kiểm soát, nhưng các nhà dịch tễ học cho rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm có thể dẫn đến những đợt bùng phát mới.
Các nhà kinh tế học cho rằng áp lực về tỷ lệ thất nghiệp và những tổn thất về kinh tế đã thúc đẩy chính quyền Mỹ muốn nhanh chóng mở cửa nền kinh tế.
“Việc vội vã mở cửa trở lại bất chấp những nguy cơ trước mắt thường dành cho những người thiếu kiên nhẫn. Ý tưởng về tăng tốc mở cửa ngay lập tức liên quan đến sự ảo tưởng về sự phục hồi ngay lập tức đối với các cửa hàng hay hoạt động bỏ phiếu”, Patrick Reinmoeller, giáo sư tại Trường kinh doanh IDM nói.
Các nhà kinh tế cho rằng sự lựa chọn giữa việc phong tỏa xã hội, chịu thiệt hại kinh tế để kiểm soát dịch bệnh, hay mở cửa xã hội và để dịch bệnh bùng phát đều là sự lựa chọn nghiệt ngã. Tuy vậy, họ cho rằng một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng sẽ tổn thất nặng nề hơn về mặt kinh tế so với phong tỏa xã hội và hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Trong tháng 5, hai nhà kinh tế học Richard Holden từ Đại học New South Wales và Bruce Preston từ Đại học Melbourne đã làm một phép tính để so sánh thiệt hại kinh tế giữa phong tỏa xã hội và không phong tỏa.
Họ ước tính chi phí cho việc phong tỏa xã hội sẽ tiêu tốn của Australia khoảng 90 tỷ AUD (khoảng 59 tỷ USD), trong khi một đợt bùng phát không kiểm soát được sẽ thiệt hại hơn 1.000 tỷ đô la Australia (khoảng 662 tỷ USD).
“Nếu tốc độ lây lan của virus lớn hơn 1, thì nó sẽ tăng theo cấp số nhân và vượt khỏi tầm kiểm soát, sau đó là thảm họa chứ không còn là sự đánh đổi nữa”, nhà kinh tế Holden nói.
Làn sóng bùng phát thứ 2 không kiểm soát được sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế vốn đã tổn thương do đợt bùng phát thứ nhất. Điều đó đồng nghĩa với sự gián đoạn đối với cuộc sống và kinh tế sẽ kéo dài hơn.
Giới phân tích cho rằng các quốc gia đang đua nhau thoát khỏi tình trạng phong tỏa vì lợi ích kinh tế ngắn hạn. Thế giới hậu Covid-19 sẽ không thưởng cho ai mở cửa doanh nghiệp nhanh nhất mà dành cho ai có thể làm như vậy với năng lực và tính nhân văn.
“Đây là những gì đang nổi lên, phương Đông thận trọng, trong khi phương Tây rất hoang dã. Tốc độ khác nhau trong việc thoát khỏi phong tỏa xã hội có thể làm phát sinh 2 lĩnh vực kinh tế khác nhau. Một lĩnh vực kinh tế vẫn duy trì giãn cách 2 m, trong đó an toàn là trên hết, lĩnh vực thứ 2 an toàn không phải là ưu tiên”, giáo sư Reinmoeller kết luận.