Cho đến nay, đã có hơn 50 ca nhiễm có liên quan tới một người đàn ông 29 tuổi, người đã tới 5 hộp đêm ở khu Itaewon đông đúc của Seoul. Người này phát hiện dương tính ngày 6/5, đúng vào ngày chính phủ Hàn Quốc công bố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Các ca nhiễm mới xuất hiện sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, minh họa cho chặng đường khó khăn và đầy "cạm bẫy" mà các nước phải trải qua trong quá trình khôi phục đời sống bình thường, theo Wall Street Journal.
Một hộp đêm ở Itaewon thông báo đóng cửa. Ảnh: Yonhap. |
Điều tra 5.000 người
Hàn Quốc, với 51 triệu dân, đã chặn được làn sóng dịch đầu tiên mà không phải phong tỏa như Mỹ và châu Âu. Thay vào đó, Hàn Quốc dựa vào xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc, và sự tự nguyện ở nhà, đeo khẩu trang của người dân.
Sau thành công ban đầu, chính phủ đã có nhiều tuần cân nhắc các biện pháp mới để “sống chung với virus corona”. Cuối tháng trước, chính phủ ban hành hướng dẫn, chẳng hạn khuyên mọi người không nên đập tay kiểu high-five ở các sự kiện thể thao, phải ngồi chéo góc tại các nhà hàng, hay ở vườn thú phải đứng cách nhau một khoảng bao nhiêu.
Khi các biện pháp trên chưa kịp có hiệu lực, thì giới chức nước này đã phát hiện cụm lây nhiễm liên quan đến các hộp đêm ở khu Itaewon của Seoul, theo Wall Street Journal.
Giới chức y tế, dựa vào hình ghi được trên camera và giao dịch thẻ tín dụng, đã mở rộng điều tra, truy vết tới hơn 5.000 cá nhân. Một số khách tới hộp đêm đã lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình. Số trường hợp nhiễm bệnh liên quan đến khu phố này, tính đến chiều 11/5, là 86, theo Korea Times.
Ngày 9/5, Thị trưởng Seoul Park Won Soon ban hành lệnh cấm đám đông ở các hộp đêm và điểm giải trí trong vòng một tháng. Tỉnh Gyeonggi cũng ra lệnh tương tự để ngăn lây lan qua tỉnh này.
Các hộp đêm vốn nhộn nhịp, đông thanh niên ở khu Itaewon cuối tuần qua trở nên trống không, theo Korea Herald.
Tại một quán bar chuyên phục vụ cocktail ở khu Itaewon, khách hàng phải kiểm tra thân nhiệt và cung cấp tên, số điện thoại. Chủ quán Wendell Louie dự định vẫn mở vì cho rằng lệnh cấm chỉ áp dụng với bar có sàn nhảy, thay vì nhà hàng như của anh. Nhưng đợt lây lan này đang dập tắt kỳ vọng sớm trở lại bình thường của các hàng quán trong khu vực.
“Tôi nghĩ mọi thứ sẽ phải lùi lại một tháng”, Louie nói với Wall Street Journal. “Bây giờ, mọi người hy vọng sẽ là tháng 6”. Các hàng quán ở Itaewon đã yêu cầu khách ghi lại số điện thoại.
Nhưng nhà chức trách chưa thể liên hệ được với 1.300 trong số 5.000 người trong diện truy vết, theo Korea Herald. Hiện có nghi ngờ những người đi hộp đêm đã cung cấp thông tin không chính xác.
Nhân viên an ninh tuần tra khu Itaewon của Seoul ngày 9/5. Ảnh: Bloomberg. |
Kêu gọi ngừng chỉ trích người đồng tính
Khi trường hợp nhiễm bệnh của người thanh niên 29 tuổi được công bố, truyền thông Hàn Quốc đưa tin các hộp đêm mà anh tới nằm trong số những hộp đêm phổ biến nhất dành cho người đồng tính. Điều này có thể giải thích vì sao nhiều khách lại khai báo sai thông tin liên hệ.
Hôn nhân đồng giới không hợp pháp ở Hàn Quốc. Trong số 35 nước thuộc khối OECD, nước này xếp thứ tư từ dưới lên về sự chấp nhận đối với người đồng tính hay chuyển giới.
Quy trình truy vết của Hàn Quốc đã xác định thanh niên 29 tuổi được cho là khởi đầu cụm lây lan đã đi những đâu từ tối ngày 1/5 đến sáng sớm ngày hôm sau. Lịch trình được đăng lên trang web chính quyền địa phương, kèm theo tên công ty và các thông tin nhạy cảm khác. Tuy tên không được công khai, nhiều người cho rằng danh tính có thể xác định từ các thông tin đã công khai.
Những ngày sau đó, “virus corona Itaewon” và “đồng tính” là những cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất ở Hàn Quốc. Một số bình luận trên mạng thậm chí còn bảo những người từng tới các hộp đêm trên hãy rời khỏi Hàn Quốc.
Một số tổ chức vì quyền người đồng tính đã ra thông cáo đề nghị người dân dừng chỉ trích, chế giễu những người đồng tính, vì như vậy không giúp gì được cho việc chống dịch. Họ cũng chỉ trích việc công khai nhiều thông tin nhạy cảm về người thanh niên 29 tuổi.
Cùng ngày, một thanh niên 26 tuổi gửi thỉnh nguyện thư lên Nhà Xanh, yêu cầu phủ tổng thống hãy can thiệp đối với “các bản tin trên truyền thông đầy thiên kiến và đi ngược với nhân quyền” liên quan đến ca nhiễm ở Itaewon.
“Hãy can thiệp để truyền thông không dùng các từ như ‘câu lạc bộ đồng tính’ hay ‘bar đồng tính’... có thể khiến nhiều người trốn tránh, né tránh xét nghiệm hay cách ly”, thỉnh nguyện thư viết.
Thị trưởng Park kêu gọi người từng đến các hộp đêm hãy tự nguyện đi xét nghiệm, nếu không thành phố sẽ tham vấn với cảnh sát để có thêm các biện pháp.
Một số báo đài ở Hàn sau đó đổi tít, sửa từ “câu lạc bộ đồng tính” thành “câu lạc bộ lớn”. Đã có một tỉnh cho phép người tới xét nghiệm mà không phải tiết lộ công khai liệu người đó có tới hộp đêm và bar ở Itaewon hay không - nhưng những người đó vẫn sẽ phải tránh người khác trong hai tuần.
Jung Eun Kyeong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), cho biết thông tin cá nhân sẽ được bảo vệ nhiều nhất có thể. Nhưng bà nói người đã tới các hộp đêm Itaewon nên đi xét nghiệm để bảo vệ người khác, ngay cả khi chưa có triệu chứng.
“Đây là cuộc chiến với thời gian”, bà nói tại một buổi họp báo ngày 10/5.