Milan Kundera sinh ra trong một gia đình trí thức trung lưu, cha là Ludvik Kundera (1891-1971). Ludvik Kundera là học trò của nhà soạn nhạc Séc Leoš Janáček, hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Janáček tại Brno từ năm 1948 đến 1961.
Cảm thức lưu vong
Kundera tốt nghiệp trung học tại Brno năm 1948. Sau đó, ông theo học văn học và mỹ học tại khoa Nghệ thuật tại Đại học Karlova ở Praha, nhưng chỉ sau hai học kỳ, ông chuyển sang khoa Điện ảnh tại Học viện Nghệ thuật biểu diễn Praha, ban đầu ông đăng ký học đạo diễn và viết kịch. Năm 1950 ông bị buộc dừng học vì các lý do chính trị.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1952, Kundera được bổ nhiệm làm giảng viên văn học thế giới tại khoa Điện ảnh. Tuy nhiên, trong một lần sang Pháp giảng bài Kundera bị tước quốc tịch Tiệp Khắc, đành phải sống lưu vong từ năm 1975.
Vì lý do đó, mọi sáng tác của Kun đều mang đậm nỗi ám ảnh về lưu vong, với những cuộc hành trình dài, ra đi và trở về. Trong Đời nhẹ khôn kham là cuộc hành trình của Tomas, Tezera; với Sự bất tử là hành trình của Agnés, Rubens; Điệu valse giã từ bắt đầu hành trình của Jakub; Và Vô tri là cuộc trở về bi kịch của Irena và Josef…Mỗi cuộc đời của các nhân vật in dấu ấn một đoạn đời mà nhà văn trải qua. Đó cũng là một dấu ấn riêng độc đáo trong những sáng tác của Kundera.
Viết về những cuộc đời lưu vong không phải Kundera chỉ đang diễn tả thân phận của mình; mà với ông, kiếp đời lưu vong tiêu biểu nhất cho thân phận con người hiện đại. Bởi những người lưu vong là kết quả của cuộc biến động lịch sử, xã hội, những người lưu vong luôn phải gặp nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã, là hiện thân của bất ổn xã hội.
Nhà văn Milan Kundera. Ảnh: L.A Times |
Cuộc đời là một lễ hội vô nghĩa
Trong những tác phẩm của mình, Kundera đã từng ráo riết truy vấn sự tồn tại của cái tôi trong thế giới hiện địa. Mỗi tác phẩm của ông đều là sự khám phá những phương diện khác nhau của cái tối, với một mẫu sự sống mới.
Sự bất tử bộc lộ tình thế của con người sống trong thời đại công nghiệp khi chiếc máy ảnh của paparazi (người chụp ảnh trộm những người nổi tiếng) thay thế con mắt của Chúa. Thay vì con người được chở che, dựa dẫm, an ủi nhờ con mắt của Chúa soi thấu thì bây giờ con người bị lột trần, phơi bày, bêu riếu dưới ống kính của cái máy ảnh.
Trong Đời nhẹ khôn kham, sự biến mất cái tôi cá nhân không phải do máy móc kỹ thuật mà do nhà nước chuyên chế. Nhân vật Jan Prochazka và giáo sư Vaclav Cerny chơi thân với nhau, nhưng họ không thể ngờ rằng tất cả cuộc trò chuyện trong bàn tiệc đều được bí mật ghi âm lại. Vào năm 1970 hay 1971, muốn làm mất uy tín của Prochazka, cảnh sát cho phát những cuộc nói chuyện ấy trên đài phát thanh.
Như vậy, cái riêng tư và cái công cộng là hai thế giới khác nhau về bản chất nhưng lại bị nhập làm một. Nói về thân phận con người trong xã hội hiện đại, Kundera nhận xét : “Việc tiết lộ đời sống riêng tư của người khác, khi nó trở thành thói quen và quy tắc, đưa chúng ta vào thời đại mà cuộc được thua lớn nhất là sự sống sót hay biến mất của cá nhân”.
Cái tôi cá nhân ngày càng bị triệt tiêu, con người lao vào cuộc truy tìm cái tôi của mình. Song, việc làm đó trở thành không thể.
Cho đến tiểu thuyết mới ra mắt gần đây nhất, Kundera đã viết về cuộc đời nhẹ bẫng như một lễ hội của sự vô nghĩa, con người ở đó chất chứa những nỗi niềm riêng, nhưng không còn cay nghiệt, buồn thương.
Biết bao nhiêu những trăn trở, những rốt ráo hóa ra lại như một trò đùa rất nhẹ nhàng, rất hóm hỉnh được viết bằng lối ngôn ngữ sắc sảo. Ở cuốn tiểu thuyết ngắn này, lần đầu tiên người đọc có thể nhìn thấy một nụ cười rất nhẹ nhõm của Kun. Dường như sau tất cả, Kun đã nhận có một cái nhìn bao dung và vị tha hơn với nhân vật và cũng là với chính bản thân mình sau khi đã nhìn nhận sâu sắc về cuộc đời.
Lễ hội của vô nghĩa - Tác phẩm mới nhất của Kundera. |
Cấu trúc tiểu thuyết như một bản giao hưởng
Kundera sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật danh tiếng về âm nhạc. Bản thân ông cũng đã từng học nhạc. Vì vậy, âm nhạc đã có một ảnh hưởng rất lớn trong sáng tác văn học của ông, không chỉ thể hiện kiến thức âm nhạc trong việc phân tích tác phẩm mà đóng góp quan trọng và mới mẻ nhất của ông trong nghệ thuật tiểu thuyết là tạo ra những tác phẩm như những bản giao hưởng hoành tráng, đồ sộ.
Ông đã đưa lý thuyết về nhạc để tạo dựng kết cấu tác phẩm, tạo ra một vẻ đẹp độc đáo cho tiểu thuyết. Trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết, Kundera đã bộc lộ ý đồ sáng tạo của mình như sau: “Việc chia cuốn tiểu thuyết ra từng phần, các phần thành chương, các chương thành đoạn, nói cách khác, việc phát âm rành rọt của tiểu thuyết, tôi muốn nó thật sáng sủa”.
Đưa lý thuyết âm nhạc vào xây dựng tiểu thuyết, Kundera không chỉ muốn cách tân trong việc xây dựng kết cấu tác phẩm mà ở đó ông còn khao khát thể hiện những chủ đề lớn của nội dung. Đó là những thời đại lịch sử khác nhau, đó có thể là những tính cách khác nhau hoặc những tư tưởng khác nhau... nhịp độ, tiết tấu góp phần thể hiện tình huống, sự kiện hoặc diễn tả biên độ về không thời gian.
Vì vậy, đọc tiểu thuyết của Kundera chúng ta sẽ thấy được sự độc lập giữa các phần, các chương và có khi giữa các phần không có mối liên hệ cụ thể nào cả. Phải đọc hết tác phẩm giống như nghe hết bản giao hưởng ta mới nắm bắt được trọn vẹn, đầy đủ thông điệp mà tác giả gửi gắm.