Milan Kundera sinh năm 1929 tại Tiệp Khắc. Hiện ông mang quốc tịch Pháp. Kundera sinh ra trong một gia đình trí thức trung lưu, cha ông là một nghệ sĩ piano nổi tiếng và là người thầy dạy piano đầu tiên cho ông, nên sau này âm nhạc để lại khá nhiều ảnh hưởng trong tác phẩm của ông.
Milan Kundera từng giành được khá nhiều giải thưởng: giải Médicis cho tiểu thuyết nước ngoài (1973), giải Jérusalem (1985), giải Aujourd’hui (1993), giải Herder (2000), giải thưởng lớn về văn học của Viện Hàn lâm Pháp dành cho toàn bộ tác phẩm của ông (2001). Ngoài ra ông cũng từng nhiều lần được đề cử giải Nobel văn học.
Với Màn, Milan Kundera đã tặng cho văn chương một món quà ý nghĩa. Trong một tiểu luận nhỏ về nghệ thuật tiểu thuyết, nhà văn người Pháp gốc Tiệp Khắc xé tan bức màn vẫn che phủ lên thế giới và văn chương. Để làm được điều đó, ông đưa chúng ta lướt qua quá trình phát triển của tiểu thuyết, dẫn chúng ta tới lãnh địa của Rabelais, Cervantès… Nhưng bức màn mà Kundera xé đi ấy là gì? Đó là bức màn của sự diễn giải từ trước. Đó là bức màn khủng khiếp, được dệt nên từ những điều giả sự thật.
Bìa tác phẩm "Màn" của Milan Kundera. |
Trong Màn, ông thử định nghĩa tiểu thuyết là gì, tại sao nó lại đặc biệt đến vậy, trước hết là trong văn học và rồi sau đó so với các môn nghệ thuật khác. Ông muốn hiểu tiểu thuyết và trước hết đưa tiểu thuyết vào một bối cảnh lịch sử rồi địa lý. Ý tưởng là để nắm được quá trình phát triển của môn nghệ thuật mà mục đích có thể gói gọn trong việc tìm cách đi vào tâm hồn sự vật.
Kundera không phân tích như một giáo sư, với vẻ lạnh lùng xa cách của nhà bác học hay thói ngạo nghễ đạo mạo của chuyên gia, ông vui mừng hớn hở, rồi nổi giận đùng đùng, phủ đầy tác phẩm của mình những dấu chấm than và ngoặc đơn. Tiểu luận được chia làm bảy phần, mỗi phần lại được chia thành những chương nhỏ, được viết bằng một thứ tiếng Pháp giản dị trong sáng. Màn được xây dựng như một cuộc đàm đạo thân tình kéo dài, ở đó hòa lẫn giữa cái nghiêm trọng với những gì nhẹ nhàng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa những điều hài hước và nghiêm túc, nhưng dù ở đâu cũng không bao giờ rời xa điều cốt yếu.
Tiểu luận này là một cuốn sách gối đầu giường. Tại sao người ta lại viết tiểu thuyết? Để “đi vào tâm hồn sự vật”, Flaubert đáp. Để thoát khỏi quyền lực của sự quên, Kundera bẻ lại. Tiểu thuyết là “một tòa lâu đài không thể phá hủy của cái không thể quên nổi”. Một định nghĩa mới đẹp làm sao!